Sunday, 2 March 2014

Ỷ Lan, phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu tường trình: Chiến lược Mỹ – Âu bảo vệ Tự do tôn giáo trên thế giới


 photo bd0bde55-df72-4d4b-8507-c9f779ae2607_zpsb6ef2ee0.jpg
 
Trung tuần tháng 2 này tại Quốc hội Châu Âu ở thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, một Hội nghị với chủ đề “Tình hình Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng trên thế giới” do Cục Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng Quốc hội Châu Âu tổ chức với sự cộng tác của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ và Châu Âu kết hợp nhau để thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới. Trong lĩnh vực này, Hoa Kỳ là nước đi tiên phong từ năm 1998, khi Đạo luật Tự do tôn giáo được Quốc hội ban hành cùng với sự ra đời của Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới (USCIRF, US Commission on International Religious Freedom), là cơ quan độc lập quan sát, kiểm nghiệm để hằng năm đưa ra những khuyến nghị về tình hình tôn giáo trong thế giới cho Tổng Thống Hoa Kỳ và Quốc hội nhằm lấy quyết định đối xử của Hoa Kỳ đối với những quốc gia có vấn đề về tự do tôn giáo.

Tự do tôn giáo đang là một vấn nạn

Hội nghị quy tụ 160 người tham dự, bao gồm các Dân biểu Quốc hội Châu Âu, các nhà nghiên cứu tôn giáo, đại biểu các Cộng đồng Tôn giáo và các xã hội dân sự từ các nước Châu Âu.
Thuyết trình viên chính là Tiến sĩ Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên LHQ đặc nhiệm về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng, người sẽ đi Việt Nam quan sát tình hình tôn giáo năm nay theo công bố của Phái đoàn Hà Nội tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát ở LHQ hôm đầu tháng 2 vừa qua.
Tiến sĩ Heiner Bielefieldt cho rằng tự do tôn giáo đang là một vấn nạn khiến nhiều người hiểu sai, biểu hiện qua sự bôi nhọ tôn giáo, kêu gọi căm thù, lăng mạ và báng bổ. Nhưng kỳ thực đây chỉ là âm mưu nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
Các tín đồ đang bị đàn áp trong nhiều quốc gia, đang đối diện với khó khăn hằng ngày vì tín ngưỡng của họ. Đây là lý do chúng tôi phải sánh vai nhau để bảo vệ những ai đang đau khổ. 
-Peter Van Dalen
Tại Hội nghị, hai Dân biểu Quốc hội Châu Âu ông Peter Van Dalen và Dennis De Jong, Đồng Chủ tịch Cục Hành động cho Tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Quốc hội Châu Âu trình bày bản Báo cáo thường niên đầu tiên của Quốc hội Châu Âu về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới. Phúc trình thúc đẩy Liên Âu thăng tiến tự do tôn giáo trên thế giới nhiều hơn nữa qua chính sách đối ngoại, cũng như đưa nhiều khuyến nghị cho Quốc hội Châu Âu đối với 15 quốc gia đàn áp tôn giáo khốc liệt trong thế giới.
DSC_5112-250.jpg
Bà Katrina Lantos Swett tại Hội nghị Tình hình Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng trên thế giới. Photo by Ỷ Lan.
Bà Katrina Lantos Swett, Phó chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới đến từ Hoa Thịnh Đốn, cũng công bố bản Phúc trình của Ủy hội năm 2013. Bà ngỏ lời ca ngợi tính “lịch sử” của Hội nghị do Quốc hội Châu Âu tổ chức, như “bước đầu cho sáng kiến mới trong nỗ lực chung làm thăng tiến tự do tôn giáo”.
Nhân dịp này chúng tôi phỏng vấn Dân biểu Peter Van Dalen, và bà Katrina Lantos Swett, về cảm nghĩ của họ đối với Hội nghị về tôn giáo đầu tiên giữa . Hoa Kỳ và Châu Âu. Ông Peter Van Dalen cho biết :
Peter Van Dalen: Hôm nay tôi rất vui lòng, vì chúng tôi ở Quốc hội Châu Âu công bố lần đầu tiên bản Phúc trình thường niên lần thứ nhất về tự do tôn giáo, và cũng vì chúng tôi đang hợp tác mật thiết với Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới.
Tuy nhiên, hôm nay cũng là một ngày buồn thương, như bản Phúc trình của chúng tôi tiết lộ, các tín đồ đang bị đàn áp trong nhiều quốc gia, đang đối diện với khó khăn hằng ngày vì tín ngưỡng của họ. Đây là lý do chúng tôi phải sánh vai nhau để bảo vệ những ai đang đau khổ. Cho nên một ngày vui, mà cũng là một ngày nặng nề.
Ỷ Lan: Thưa bà Katrina Lantos Swett, trong bài phát biểu bà gọi hôm nay là ngày “lịch sử”. Ý bà muốn nói gì như thế?
Katrina Lantos Swett: Là ngày lịch sử vì tôi nhìn thấy Châu Âu và Hoa Kỳ sánh bước cùng nhau, vai bên vai, qua đó tôi hy vọng sự ủng hộ rất phấn kích cho tự do tôn giáo. Đây chính là nhân quyền cơ bản. Các xã hội nào biết dấn thân bảo vệ tự do tư tưởng, tôn giáo và tín ngưỡng cho công dân nơi xã hội đó, cũng là những xã hội hoàn thiện vai trò mình để bảo vệ những tự do cơ bản khác và quyền dân chủ.
Trong 15 năm qua, hầu như suốt thời gian ấy, Hoa Kỳ đã đơn độc trên lĩnh vực này. Cho nên hôm nay, thật phấn khởi cho chúng tôi để thấy Quốc hội Châu Âu, các Dân biểu Anh quốc, chính phủ Canada, Hòa Lan đang bắt đầu hợp tác chung, xắn tay thực hiện, là điều chủ yếu hơn cả.
Ỷ Lan: Cuộc phỏng vấn này sẽ phát về Việt Nam, Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới luôn quan tâm tới vấn đề Việt Nam nhiều năm qua. Hiện nay Việt Nam có còn là trọng tâm quan ngại của Ủy hội nữa không, thưa bà?
Katrina Lantos Swett: Việt Nam nằm trong vùng mà chúng tôi rất quan tâm, và đặc biệt chúng tôi thấy các cộng đồng tôn giáo tiếp tục làm đầu mối cho sự đàn áp, các thành viên bị giam tù, có cả lực lượng công an đặc biệt mà nhiệm vụ kiểm soát và theo dõi các tín đồ. Vì vậy, Ủy hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do Tôn giáo Trên Thế giới vẫn tiếp tục xem Việt Nam là mối quan tâm thiết yếu của chúng tôi.
Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Katrina Lantos Swett.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu.
-----------------------------------

No comments:

Post a Comment