Theo tin khẩn từ Việt Nam cho biết, anh Truyển, luật sư và cựu tù nhân chính trị, cùng vợ lấy taxi khoảng 14 giờ 30 đến Tòa Đại sứ Úc, thì bị công an chận đón tại nơi giáp nối phố Đào Tuấn và Liễu Giai. Công an lôi hai vợ chồng ra khỏi xe vá đánh đấm túi bụi. Người lái xe taxi cũng bị hành hung. Anh Truyển bị thoi vào mặt cho đến lúc ngã quỵ trên mặt đường. Công an cũng đấm vào mặt chị Kim Phượng. Bất kể giữa thanh thiên bạch nhật, công an hành hung như bọn côn đồ chợ búa, cho đến khi dân chúng qua đường vây quanh chúng mới dừng tay bỏ đi, mặc hai vợ chồng thương tích máu me. Anh Truyển gượng dậy đỡ vợ đứng lên và tiến về Đại sứ quán Úc. Nhân viên tòa đại sứ đã đưa hai vợ chồng vào bệnh viện chăm sóc.
Hình anh Nguyễn Bắc Truyển bị công an Hà Nội đánh bầm tím mặt – Hình của Facebook Bạch Hồng Quyền
Anh Nguyễn Bắc Tuyển năm nay 47 tuổi, không ngừng bị hành hung và bắt giam vì anh lên tiếng cho nhân quyền, đặc biệt quyền đối xử với tù nhân chính trị trong các trại tù. Bị kết án 3 năm rưởi tù giam năm 2006, vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa”.
Gần đây, hôm 9.2.2014, anh xuống tỉnh Đồng Tháp chuẩn bị lễ cưới với vị hôn thê Bùi Kim Phượng, là một tín đồ Hòa Hảo, công an đã tấn công, phá nhà cửa, giật sập bàn thờ có hình Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Anh Tuyển bị bắt đi làm việc và buộc phải trở về Saigon nơi có hộ khẩu thường trú.Tháng 9 năm 2013, tại cuộc “Hội luận Nhân quyền” do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tổ chức tại LHQ Genève, anh Nguyễn Bắc Truyển đã gửi từ Saigon một băng thu âm nói lên tình trạng công an đàn áp các bloggers và giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, tuyên bố việc hành hung man rợ của công an Hà Nội như sau : “Mới đầu tháng này, tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát ở LHQ Genève, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng, “Nhà nước Việt Nam luôn xác định việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do cơ bản của con người là nguyên tắc cơ bản của mọi chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Thế nhưng cuộc hành hung tàn bạo đối với anh Nguyễn Bắc Truyển vừa qua, phơi bày hố sâu thăm thăm ngăn cách giữa các lời tuyên bố và thực tại ở Việt Nam”. Ông Ái kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam “chấm dứt chính sách bạo hành đối với anh Nguyễn Bắc Truyển cũng như đối với tất cả công dân không làm gì khác hơn là sử dụng quyền tự do ngôn luận được bảo đảm trong Hiến pháp và trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị” mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982”.
———————–
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam, là tổ chức ra đời tại Paris cuối năm 1975 để tập hợp sự đấu tranh bảo vệ Văn hóa Việt Nam và Nhân quyền, Dân chủ, mà Tạp chí Quê Mẹ, phát hành tại Paris tháng 2 năm 1976, là ngọn cờ đầu cho cuộc vận động quốc tế và liên kết năm châu của Người Việt hải ngoại. Hai tổ chức thuộc cơ sở Quê Mẹ là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, và Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển. Ủy ban Cứu Sống Người Vượt Biển xướng xuất chiến dịch “Một Chiếc Tàu cho Việt Nam” tại Paris vào tháng 11 năm 1978, mà Tàu Đảo Ánh Sáng đã ra Biển Đông vớt người và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào tị nạn trên Đảo Poulo Bidong, dẫn đầu cho một loạt những con tàu khác ở Đức, Ý Đại Lợi, Na Uy… đi vớt Người Vượt Biển. Đồng thời, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cũng mở cuộc họp báo quốc tế đầu tiên tại Paris tháng 5 năm 1978 tố cáo chế độ Trại Tập trung Cải tạo và đàn áp nhân quyền, tôn giáo tại Việt Nam. Ủy ban đưa chế độ Cộng sản Hà Nội ra khiếu kiện trước LHQ ở New York ngày 30.4.1985 với một hồ sơ 500 trang tập họp lần đầu những cuộc đàn áp nhân quyền hung bạo của cộng sản trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, và tôn giáo, gây chấn động thế giới; hoạt động phá án tử hình cho nhiều nhà hoạt động tôn giáo, nhân quyền, và việc trả tự do đông đảo tù nhân trại cải tạo; bênh vực cho giới lao động tại các nước Đông Âu và Liên xô cũ; cũng như có mặt thường niên tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để cập nhật hồ sơ nhân quyền Việt Nam, và tham gia đa số các Hội nghị Nhân quyền, Dân chủ trên khắp năm châu.
No comments:
Post a Comment