Thursday, 14 February 2013

Kỷ vật Mậu Thân - Chuyên đề Mậu Thân ....



Thiện Giao (Người Việt) - Âm nhạc, và những tài liệu sót lại từ biến cố Mậu Thân 1968 sẽ là nguồn lưu giữ lâu dài nhất, chính xác nhất, những chứng tích liên quan đến vụ thảm sát Mậu Thân tại Huế.

Hát trên những xác người
 
Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968 để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí.
Mậu Thân được mô tả rất thực trong bản nhạc “Hát Trên Những Xác Người” ghi dấu địa danh Bãi Dâu.

Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Trên con đường
Người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy
Những hố hầm
Ðã chôn vùi thân xác anh em...

Mậu Thân được ghi lại trong “Cơn Mê Chiều” với cầu Trường Tiền, với Kim Long, Nam Dao, lên án “đàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.”

Chiều nay không có em
Mưa non cao về dưới ngàn
Ðàn con nay lớn khôn
Mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em
Xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau
Xuôi Nam Giao
Tìm bóng mình
Ðường nội thành
Ðền xưa ai tàn phá
Cầu Tràng Tiền
Bạc màu loang dòng máu...

Mậu Thân cũng được ghi lại trong hồi ký nổi tiếng một thời, “Giải Khăn Sô Cho Huế”.

Mậu Thân ghi lại những hình ảnh qua âm nhạc, thực và rõ ràng hơn cả hàng trăm thước phim hay hàng loạt bài phóng sự.

Xác người nằm trôi sông
Trôi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố
Trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ
Dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố
Trên thềm nhà hoang vu...
Xác người nằm quanh đây
Trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy
Bên những vồng ngô khoai

Những cảnh tượng chết chóc Mậu Thân sẽ không trôi qua trong quên lãng, khi hàng ngàn người, vừa thanh niên, vừa trí thức, vừa sinh viên, học sinh, phải chết chỉ trong chưa đầy một tháng.

Hai bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Bài Ca Viết Cho Những Xác Người”“Hát Trên Những Xác Người” được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.

Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Ðài, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khẳng định, hai nhạc phẩm viết nhân vụ Mậu Thân là sự ghi lại trong vai trò của một nhân chứng.

Ông viết: “Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Ðức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi ‘anh em ta về’ thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần túy do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố.”

Một nhạc phẩm khác, ít được phổ biến bằng hai nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, nhưng chuyên chở một ý tưởng rất lạ, khi mở đầu bằng câu: “Ðàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.” Phải chăng, “Cơn Mê Chiều” tên của bản nhạc, muốn nói về một lớp trí thức, bỏ Huế ra đi, rồi nay quay lại Huế trong vai trò mới. Một thanh niên trí thức Huế, không muốn nêu tên, nhận định: “Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức Việt Nam trong cuộc thảm sát này. Bài hát có câu: “Ðàn con nay lớn khôn, mang gươm đao vào xóm làng.”

Thanh niên này nói thêm: “Ðàn con nớ, có phải chăng là một số trí thức Huế đã đưa Việt Cộng vào làng, rồi sau đó theo ra bưng khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Huế? Chẳng hạn trường hợp Hoàng Phủ Ngọc Phan, phát biểu trước đây rằng những người bị thủ tiêu chôn sống là thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân.”

“Tôi tự hỏi là, nếu trí thức là lương tâm và trí tuệ của quốc gia, dân tộc, thì với những phát biểu như rứa, khi nào Việt Nam mới thoát ra được tù hãm của tâm thức thời Trung Cổ? Tôi nghĩ 40 năm đã trôi qua, đây là lúc những người trí thức thiên Tả, trí thức cộng sản hãy tự thẳng thắn đánh giá, phê bình hành vi của mình trong biến cố Mậu Thân, lúc đó mới hy vọng có thể cứu chuộc được mình và cứu chuộc được dân tộc ni.” Vẫn lời người thanh niên gốc Huế.

Những hình ảnh không quên

Nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy.

Trong bài viết “Mass Murder, Mass Burial” của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau:

“Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15,000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi, rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao.”


Người dân xứ Huế thời ấy, đặc biệt là người Công Giáo, bàng hoàng trước cái chết của hai linh mục ngoại quốc, ba linh mục Việt Nam, hai sư huynh dòng La San cùng một số tu sĩ khác. Trong bài viết “Bút Tích Cuối Cùng của Linh Mục Bửu Ðồng,” ông Nguyễn Lý Tưởng kể lại, hai linh mục ngoại quốc thuộc dòng Benedicto Thiên An là Linh Mục Urbain và Linh Mục Guy. Ba người Việt Nam là Linh Mục Bửu Ðồng, Linh Mục Micae Hoàng Ngọc Bang và Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ.


Sau đây là lời kể của ông Võ Văn Bằng, trưởng ban Truy Tìm và Cải Táng Nạn Nhân Cộng Sản Tết Mậu Thân liên quan đến cái chết của Linh Mục Bửu Ðồng.

“Tôi xúc động nhất là khi đào lên, chúng tôi gặp xác 4 vị linh mục. Tôi còn nhớ rõ Linh Mục Bửu Ðồng, Linh Mục Lê Văn Hộ và hai sư huynh dòng Lasan. Tôi thấy rõ cái thánh giá đeo ngang ngực. Linh Mục Bửu Ðồng còn để lại 3 bức thơ để trong một hộp thiếc, bên ngoài bọc bao nilon.”

Ba bức thư được ông Bằng nhắc đến được Linh Mục Bửu Ðồng viết, một bức gởi thầy mẹ, một bức gởi các em, và một bức gởi cho giáo hữu.

Bức thư viết gởi thầy mẹ có nội dung như sau:

“Thư gởi thầy mẹ,

Lạy Thầy Mẹ quý mến, Thầy Mẹ rất đau khổ khi mất đi đứa con trưởng nam không được phục vụ Thầy Mẹ trong tuổi già, nhưng Thầy Mẹ sẽ được an ủi và vui mầng khi được tin con đã can đảm vì mến Chúa, yêu người trong chức vụ Linh Mục và nhiệm vụ Tông đồ.

Xin Thầy Mẹ hãy tha mọi tội lỗi và những gì không làm vui lòng Thầy Mẹ trong 57 năm nay. Xin hẹn gặp nhau trên nước Chúa. Xin Thầy Mẹ ban phép lành cho con.”

Cuộc thảm sát Mậu Thân, đến hôm nay tròn 45 năm. Các chứng tích một thời, chẳng hạn nghĩa trang trên núi Ba Tầng, còn gọi là núi Bân, nơi an táng khoảng 400 thi hài tìm được nơi Khe Ðá Mài vùng Ðình Môn Kim Ngọc Tháng Chín, 1969, đã bị đập phá ngay năm 1975 khi quân đội miền Bắc tiến vào miền Nam.

Linh Mục Phan Văn Lợi kể lại: “Kể từ năm 1968, mỗi năm người ta vẫn đến để cúng vái, cầu nguyện nhân dịp Tết. Riêng bên Công Giáo, tại giáo xứ Phủ Cam, mỗi năm dành ngày Mồng Mười Tết để toàn thể giáo dân lên đó cầu nguyện. Nhưng đến năm 1975, sau khi chiếm được miền Nam, Cộng Sản đã phá ngay tấm bia dựng ở phía sau và phá hai bàn thờ nằm ở phía trước. Từ đó về sau, người ta có đến cũng chỉ đến trong âm thầm lặng lẽ hoặc cá nhân mà thôi, không dám công khai.”

Liệu, việc hủy hoại những chứng tích ấy có thể che giấu sự thật đã xảy ra tại Huế, khi người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, đã hát hay đã đọc các chứng tích khác, được ghi lại qua âm nhạc, văn chương và báo chí?

Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã khuất, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng.




_______________________________

Ghi chú: Bài viết được tổng hợp, biên tập lại từ các bài viết cùng tác giả, đã được phát trên đài phát thanh Á Châu Tự Do, RFA, năm 2008.

_______________________________


 
 
Lời mở đầu cho chuyên đề Mậu Thân

Trần Quốc Việt  - Vụ thảm sát đầu xuân năm 1968 là vết nhơ lớn trong lịch sử Việt Nam. Hàng ngàn người bị giết dã man hay bị chôn sống trong những hố chôn tập thể trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Huế trở thành biểu tượng của tội ác trong thế kỷ hai mươi và có lẽ trong muôn đời. Nghị sĩ người Anh, Sir Dingle Foot, phát biểu trong cuộc tranh luận ở Hạ Viện Anh rằng "Khi chúng ta bàn đến chủ đề tội ác, không thể có tội ác nào ghê rợn hơn tội ác ở Huế." Còn nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn gọi tội ác do cộng sản gây ra ở Huế là "vụ thảm sát tập thể dã man đã được chứng minh một cách xác thực."


Thời gian 26 ngày, từ 31 tháng Giêng đến 25 tháng Hai 1968, không phải là thời gian của người hay của trời mà là thời gian của cái Ác khi ngày là gươm đao đêm là địa ngục. Thời gian này là thời kỳ nền văn minh đạo đức của người Việt lùi nhanh lại thời kỳ đồ đá.

Ngày người cộng sản vào Huế là ngày họ đã bỏ lại sau lưng hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần của con người. Và ngày họ rút ra khỏi Huế là ngày những người văn minh cảm thấy kinh hoàng và không thể tưởng tượng nổi trước sự tàn ác không thể nào diễn tả nỗi.

Chuyên đề về thảm sát Huế mở đầu bằng bản báo công thành tích của cộng sản. Mời các bạn đọc theo dõi những bài kế tiếp.

 
Cộng sản tự hào về thảm sát ở Huế



Sài Gòn

Ngày 1 tháng Mười Hai 1969

Thảm sát Cộng sản gây ra ở Huế vào đầu năm 1968 tiêu biểu cho đỉnh cao của sự kế hoạch cẩn thận. Nhưng chính những sự khoe khoang thắng lợi của cộng sản khiến cho mức độ thảm sát càng thêm ghê gớm hơn.

Hai sự thật này hiện ra rõ ràng khi những viên chức ở đây đánh giá lại những vụ thảm sát ở Huế dựa trên bản báo cáo của cộng sản mới được khám phá gần đây mà qua đó mô tả những phần của cuộc thảm sát. Người ta tin tài liệu này là tài liệu duy nhất trong tay quân đội đồng minh trong đó các cấp lãnh đạo cộng sản thừa nhận vụ giết người ở Huế. Bản báo cáo, được khám phá vào năm ngoái, nhưng bị gạt qua bên trong các trận chiến vào tháng Năm và mới được tìm thấy lại chỉ cách đây vài ngày.

Bản báo cáo này rõ ràng được cấp chỉ huy quân sự của mặt trận Huế nộp lên quân khu. Tài liệu này được cộng sản xếp vào loại cao nhất - "tuyệt mật".

Lời giải thích thường lệ của cộng sản về thảm sát ở Huế trên Đài Hà Nội, Đài Giải phóng, và tại các cuộc hòa đàm Paris là các vụ giết người đều là kết quả của các cuộc đấu đá đảng phái và thanh toán nội bộ do các phe phái miền Nam Việt Nam thực hiện.

Tài liệu đã chứng minh không phải như thế.

Nói về công tác ở quận Hương Thủy, ban chỉ huy báo cáo: "Chúng tôi cũng đã giết một ủy viên của đảng Đại Việt, một Thượng nghị sĩ miền Nam, 50 đảng viên Quốc Dân Đảng, sáu đảng viên Đại Việt, 13 đảng viên Cần Lao Nhân Vị, ba đại úy, bốn trung úy..."

Tại khu vực khác, Phú Vang, với chỉ một đại đội địa phương duy nhất, và một đại đội "đặc công" đáng sợ hơn, ban chỉ huy tự hào: "Chúng tôi đã loại trừ 1.892 ngụy tề, 38 cảnh sát, 790 ác ôn, sáu đại úy, hai trung úy, 20 thiếu úy, và nhiều hạ sĩ quan."

Có thể không phải tất cả những người được coi đã bị loại trừ đều bị giết, nhưng sự nhấn mạnh vào việc giết người là rất rõ ràng trong những thành phần bị nêu tên.

Kể từ khi những hố chôn tập thể lần đầu tiên được phát hiện vào tháng Ba vừa qua, số người bị giết gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở Huế ngày càng tăng. Tính đến nay tổng số người bị cố ý sát hại đã vượt quá 2.300 khi người ta càng ngày càng phát hiện thêm nhiều hố chôn tập thể mới.

Vào đầu năm này Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã tiên đoán tổng số người bị giết cuối cùng có thể từ 2.500 đến 4.000. Do phát hiện thêm nhiều hố chôn tập thể mới nên các viên chức ở đây ước tính số người chết có thể vượt qua cái mốc 5.000.

Trong bản báo cáo này ban chỉ huy cộng sản khẳng định: "Huế là nơi tinh thần phản động đã tồn tại trong suốt hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mất một thời gian ngắn để vắt cạn kiệt sạch tận gốc rễ của chúng."

Những người đào thoát sang phía Quốc gia đã cho các viên chức ở đây biết trong số những người đầu tiên bị giết là những người đã giúp đỡ Việt Cộng với tư cách thành viên không cộng sản trong phong trào đấu tranh, cũng như những người với tư cách là những người lãnh dạo đối lập với chính quyền thông qua những nhóm khác.

Thay vì biết ơn sự giúp đỡ của họ, những người đào thoát nói, cộng sản đã giết những người lãnh đạo này để trừ hậu họa. Quả thực, cộng sản nghĩ rằng những người này biết quá rõ cách giúp đỡ một cuộc cách mạng.

Cũng đứng đầu trong danh sách này là những người giữ chức vụ lãnh đạo đáng kính, các thầy giáo, và những người thuộc đủ mọi cấp bậc trong Chính phủ Quốc gia, cộng với những người làm việc với Mỹ.

Thậm chí trong lúc đánh nhau khốc liệt nhất, các cán bộ cộng sản vẫn làm việc một cách bài bản, tay cầm bìa kẹp các danh sách đã được chuẩn bị trước và các danh sách nay về sau còn được bổ sung thêm thông tin, họ đi tìm các tay ác ôn và những kẻ cần phải xử trí.

Cải tạo, học tập chính trị, và cải tạo toàn diện dành cho những kẻ không có tên trong danh sách những người cần phải giết ngay.

Ban chỉ huy này tự hào báo cáo: "Nhân dân đã gia nhập bộ đội chúng ta đi săn lùng bọn ác ôn, phản động, và gián điệp. Chẳng hạn, bà Xuân dẫn bộ đội ta đi chỉ nhà bọn ác ôn mà bà biết, mặc dù bà mới sinh con được sáu ngày."

Cộng sản kêu gọi các công viên chức chính phủ ra trình diện để đơn giản hóa vấn đề và để mau chóng vãn hồi trật tự. Ban đầu không có có dấu hiệu nào báo trước điều gì sẽ xảy đến. Một người vào ngày thứ bảy ra trình diện và khai mình làm tài xế cho Mỹ, mặc dù ông ta thực ra còn hơn thế. Một tổ ám sát đã truy lùng ông ta một cách vô vọng khi cuộc thảm sát bắt đầu.

Các danh sách những kẻ phải trừ khử được các cán bộ nằm vùng cung cấp cho bộ đội cộng sản. Những cán bộ nằm vùng này sau đấy vẫn tiếp tục che giấu tông tích. Nhưng sau ngày thứ hai đã xảy ra một chuyện báo trước bao tang thương sẽ xảy đến cho rất nhiều người dân Huế.

Đài Hà Nội và Đài Giải phóng tuyên bố cuộc cách mạng và tổng nổi dậy đã thành công, và cả nước đã hoàn toàn được giải phóng. Lời tuyên bố này được nghĩ ra để nâng cao tinh thần chiến đấu đang dao động, nhưng theo nhiều nguồn tin ở đây, tuyên bố ấy có thêm ảnh hưởng đáng sợ hơn nhiều ở Huế.

Do tin tưởng đã hoàn toàn chiến thắng, những cán bộ nằm vùng liền ra mặt và công khai lý lịch. Một người sửng sốt khi biết người hàng xóm mà 18 năm qua ông ta không mảy may nghi ngờ lại là cán bộ cấp cao của tổ chức nằm vùng tại Huế.

Khắp nơi đều hân hoan chào mừng chiến thắng. Theo lời kể lại một sĩ quan cộng sản ra lệnh không được phép bắn vào máy bay Mỹ ở trên trời. Viên sĩ quan này nói với lính, bây giờ dù sao đi nữa chúng ta cũng đã kiểm soát được tất cả các sân bay ở miền Nam Việt Nam, mà trước sau gì nó cũng phải đáp xuống thôi, đến lúc ấy nó sẽ trở thành của chúng ta.

Nhưng vào giữa ngày thứ 7 và ngày thứ 11, sự thật trở nên rõ ràng. Nhận thức họ không thể nào ở lại, giới chức chỉ huy của Việt Cộng ra quyết định rằng những nhân chứng, tức những ai đã thấy quá nhiều và bây giờ biết rõ lý lịch của các cán bộ nằm vùng, đều phải bị thủ tiêu.

Bộ đội cộng sản được bảo rằng những vụ thảm sát tập thể là cần thiết để cứu cách mạng.

Đa phần các nạn nhân bị bắn chết, nhưng một số nạn nhân bị đánh đến chết. Thậm chí có nhiều người bị chôn sống.



Nguồn: Christian Science Monitor 1/12/1969. Tựa đề của người dịch. Nguyên tác tiếng Anh " Hue massacre detailed in report ".
 
 
Một vụ thảm sát bình thường vào đầu xuân 1968 ở Gia Hội, Huế

Don Oberdorfer, Trần Quốc Việt  dịch - Phạm Văn Tường, người gác dan bán thời gian ở phòng thông tin chính quyền, sống trong căn nhà nhỏ dưới tán một cây lớn trên một con đường nhỏ vắng vẻ. Ông và gia đình-vợ, tám đứa con và ba cháu - cả ngày gần như núp dưới hầm sát bên nhà. Ngày nọ, bốn hay năm người mặc áo bà ba đen đến nắp hầm. Họ gọi: "Ông Phạm, ông Phạm cán bộ phòng thông tin, ra đây!"


Ông leo ra khỏi hầm cùng với đứa con trai năm tuổi, đứa con gái ba tuổi và hai cháu. Một tràng súng vang lên. Khi những người còn lại trong gia đình ông ra khỏi hầm, họ thấy tất cả năm người đều chết.

Don Oberdorfer là phóng viên của báo Washington Post tại Việt Nam vào đầu năm 1968.

Nguồn: Tết!, Don Oberdorfer, nhà xuất bản Doubleday 1971, chương 6, trang 229. Tựa đề của người dịch
 
Trần Quốc Việt / Dân Làm Báo - Ngày người cộng sản vào Huế là ngày họ đã bỏ lại sau lưng hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần của con người. Và ngày họ rút ra khỏi Huế là ngày những người văn minh cảm thấy kinh hoàng và không thể tưởng tượng nổi trước sự tàn ác không thể nào diễn tả nỗi...

45 năm sau, máu vẫn chưa thể khô, có muốn khô cũng không thể khô trên thành phố Huế. Ngày hôm nay, tội ác Mậu Thân Huế lại được tuyên giáo của đảng cộng sản khơi lại, tội ác quá khứ của họ cũng như đau thương của đồng bào lại bị lôi ra để đánh tráo lịch sử và đánh bóng sự nghiệp của họ như là một kỳ tích. 18 tập phim Mậu Thân 1968 bóp méo và chà đạp sự thật của đạo diễn Lê Phong Lan được trình chiếu cho thế hệ trẻ ngày hôm nay là một trong những thủ đoạn bất nhân này. Vì những lý do đó, Chuyên đề về thảm sát Huế tiếp tục trên Danlambao với những tang thương ngỡ rằng đã được yên ngủ.


*

CHÍNH LUẬN
12-4-69
Những hình ảnh thê thảm khi khai quật các hầm chôn tập thể ở Huế
TẤT CẢ ĐỀU BỊ ĐẬP BỂ ĐẦU
bằng cán cuốc rồi lấp vội dưới cát

MỘT PHẾ BINH CỤT HAI CHÂN CŨNG BỊ HẠ SÁT

Saigon 11-4. -Các vụ khám phá liên tiếp những hầm chôn xác tập thể nạn nhân biến cố Tết Mậu Thân ở Huế đã làm xôn xao dư luận, làm mủi lòng đồng bào toàn quốc. Phái viên Việt Tấn Xã đã tường thuật chi tiết những vụ khai quật các hầm trên như sau:

Ủy ban truy tầm nạn nhân của biến cố Tết Mậu Thân, trong hai ngày 7 và 8 tháng 4 năm 1969 đã tìm được thêm 98 xác chôn tập thể tại vùng liên ranh giữa hai thôn Đông Di và Đông Sơn thuộc quận Phú Thứ, Thừa Thiên, nâng tổng số nạn nhân tìm được xác lên tới 233 người.

Trước đây, ngày 27-3, Ủy ban này đã tìm được 135 xác chôn tập thể ở cách địa điểm mới lối năm cây số.

Hầu hết bị đập bể đầu bằng cán cuốc

Khác với những nạn nhân được tìm thấy vào hồi cuối tháng ba, theo đó tất cả những bộ xương khô lần này hầu hết nạn nhân thịt còn đỏ hỏn và có những dấu vết chứng tỏ họ đã bị đập bể đầu bằng cán cuốc trước khi được chôn một cách cẩu thả tại vùng nói trên.

Anh Hồ Đắc Thuận, người được coi là nhân vật số 1 trong vấn đề hốt xác các nạn nhân, thuật lại rằng: xác các nạn nhân chỉ được phủ một lớp cát mỏng dưới đường rãnh dài hàng 100 thước chạy từ Đông Lộc sang Quảng Xuyên, Quận Phú Thứ.

Có những nạn nhân chỉ được cát phủ kín từ cổ trở xuống trong khi chiếc "sọ dừa" nằm chình ình trên mặt cát. Trong ngày 7-4, Ủy ban tìm được cả thảy 43 xác, và ngày 8-4 Ủy ban tìm thêm được 55 xác. Điều đáng ghi nhận, có ba người trong Ủy ban tìm được xác của thân nhân.

Người thứ nhất nhận được ra xác của chồng là ông Phan Quýnh. Ông Quýnh nguyên là Trưởng phòng Kế Toán, tòa Sơ Thẩm Huế.

Người thứ hai tìm được xác con tên Trần Thị Hường. Con trai bà Hường tên Nguyễn Văn Đang, 24 tuổi, nguyên là quân nhân. Hiện người đàn bà này còn một người trong gia đình mất tích. Đó là ông Nguyễn Văn Mại, chồng bà.

Người thứ ba tìm được xác thân nhân là ông Hứa Thoại, Trưởng phòng Tài Chánh tỉnh đoàn Xây Dựng Nông Thôn Thừa Thiên, ông Thoại đảm nhiệm chức trưởng ban Nhiếp ảnh của Ủy ban truy tầm nạn nhân, và người ông đã nhận xác chính là thân phụ của ông tên Hứa Thuận năm nay đã 70 tuổi.

Ông Thoại cho biết, bọn VC đã bắt cha ông đem đi hạ sát cùng với hàng ngàn đồng bào Thừa Thiên vì chúng lùng bắt ông nhưng không được.

Một phế binh cụt hai chân cũng bị hạ sát

Trong số những xác nạn nhân, người ta ghi nhận có một phế binh đã bị cụt cả hai chân. Người vợ nhận được ra xác của chồng nhờ cặp nạng có khắc tên nằm chồng lên xác của anh ta.

Ngoài ra người ta còn thấy 1 cô gái xác còn tươi, trong "xú chiêng" có để một sợi dây chuyền vàng tây và một giấy ghi tên Sen, nữ Cảnh sát viên phụ trách điện thoại tại Ty Cảnh Sát Thừa Thiên.

Một số nhân vật tên tuổi ở Thừa Thiên cũng đã được tìm thấy trong số 98 xác được phát giác hôm 7 và 8/4, trong số đó có ông Châu Khắc Túy, Giáo sư Toán Trường Quốc Học, Huế, và ông Tôn Thất Tân, 62 tuổi, nguyên Quận Trưởng Nam Hòa, hồi hưu. Ông bị bắt cùng với ba người con đều là Sinh Viên Đại Học Saigon, hiện chưa biết là đã bị hạ sát hay còn bị giam tại trại giam nào.

Xác các nạn nhân được đánh dấu rất cẩn thận

Theo thông cáo của Ủy ban truy tầm và an táng nạn nhân bị VC thảm sát trong biến cố Tết Mậu Thân, hiện nay mới chỉ có 99 xác được thân nhân nhìn nhận đem về mai táng. Số còn lại, kể cả những xác đã được an táng hôm 30-3 và những xác mới được tìm thấy để tại Trường Trung Học La San, Quận Phú Vang đều được ủy ban ghi nhận lại những dấu tích rất cẩn thận để thân nhân có thể căn cứ vào các dấu tích đó mà nhận diện.

Hôm Ủy ban khởi sự cuộc tìm kiếm "đợt hai" ngày 7-4, người ta ghi nhận có hàng ngàn đồng bào đi theo. Những người này đều có thân nhân mất tích trong biến cố Tết Mậu Thân nên họ đi theo với hy vọng tìm được xác thân nhân, nhưng thật sự trong thâm tâm chính họ lại không muốn tìm thấy... xác, và hy vọng rằng thân nhân của họ còn được giam giữ ở một nơi nào đó.

Mỗi lần một chiếc xác được tìm thấy là mỗi lần họ giành giựt nhau đến gần để nhận diện, và khi biết chắc đó không phải là thân nhân của mình họ lại cùng thở phào ra một cách nhẹ nhõm.

Thiếu Tá Quận Trưởng quận Phú Vang cùng trung úy Chi khu phó của quận này đã phải đích thân yêu cầu đồng bào duy trì trật tự để công cuộc khai quật nấm mồ tập thể khỏi gặp phải trở ngại.

Riêng những đồng bào nhận diện được xác của thân nhân, họ đã nằm phục bên cạnh những xác đó khóc lóc thảm thiết, bất chấp cả mùi hôi thúi.

Tiếng khóc của những người này khiến một số người chưa tìm được thân nhân khóc theo, tạo nên một không khí vô cùng nặng nề bi thảm.

Nguồn: The Vietnam Center and Archive



"Việc tàn sát hàng ngàn người mà Cộng sản gọi là có nợ máu với nhân dân tức là công chức và sĩ quan của chính quyền Sài Gòn hay những lãnh tụ Quốc dân đảng, Đại Việt... và những người chống đối khác, rõ ràng là nằm trong một chủ trương lớn của Cộng sản..." - Lê Văn Hảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách Mạng Thành phố Huế vào thời điểm Mậu Thân 1968.







Tâm Chung (Chính Luận) - HUE 12-4- Người ta lại mới tìm thêm được 48 xác nạn nhân bị C.S. hành quyết trong cuộc tấn công dịp Tết Mậu Thân tại khu Huế. Như vậy cho tới nay tổng số xác tìm thấy đã lên đến gần 2.000 người. Đại tá Lê Văn Thân Tỉnh Trưởng Thừa Thiên kiêm Thị Trưởng Huế cho biết tổng số nạn nhân có lẽ sẽ lên tới 3.000 hoặc hơn. Ông so sánh vụ hành quyết tập thể này của C.S. với "những hành động dã man nhất trong Thế Chiến 2".

Hầu hết số 48 nạn nhân, kể cả một số đàn bà, đã bị trói vào với nhau và tay còn bị trói ra đằng sau. Một số người bị chúng trói cổ người này vào cổ người kia.


Trong tuần lễ 24-3, những người tìm kiếm tìm thấy 135 nạn nhân bị Cộng Sản sát hại tại 12 mồ chôn tập thể gần ấp Vĩnh Lưu. Giới chức cho biết hầu hết những người này đã bị đánh đến chết. Những người khám định y khoa ấn định rằng một vài người đã bị chôn sống.

59 nạn nhân khác được tìm thấy tại làng Xuân Hòa, về phía đông Huế. Khoảng 90 người trong số các nạn nhân đã được nhận diện cho tới nay.

Chừng 1/3 là cảnh sát viên và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Một số ít là các viên chức xã ấp số còn lại là dân làng.

Đ.T. Thân cho biết hơn 2.000 thường dân Huế đã được ghi như là "mất tích" kể từ cuộc tấn công Tết năm ngoái. Hiển nhiên họ bị cộng sản bắt cóc đem đi. Gia định họ sống trong hy vọng rằng họ bị bắt đi làm tù binh và rằng họ sẽ thấy lại những người này. "Nhưng sau những phát giác trong ít ngày qua, chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng phần đông những người đã mất tích này đã bị Việt Cộng đem di thủ tiêu."

Vẫn đang tìm kiếm

Kể từ ngày 7-4-69 đến ngay 10-4-69, đã có thêm 230 thi hài nạn nhân C.S. được tìm thấy tại thôn Đông Sơn, quận Phú Thứ. Trong số này có 14 người là quân nhân. Tới nay chỉ có 59 thi hài được thân nhân đến nhận lãnh; còn bao nhiêu đã được bọc Nylon đóng trong hòm tập trung tất cả tại trường La San, để chờ xem có ai đến nhận lãnh nữa không. Nếu không chính quyền sẽ tự động đi chôn cất và công việc tìm kiếm vẫn còn đang được tiến hành.

Báo chí ra tận nơi

Sáng 11-4, một phái đoàn báo chí đã được hướng dẫn ra tận Huế để mục kích những cảnh khai quật các nấm mồ trên.

Nhân dịp này, chúng tôi có được tiếp xúc với một em nhỏ 14 tuổi tên Hồ Văn Hà. Theo lời em Hà trong họ em 5 người đã bị VC giết, gồm 2 bác trai, 1 bác gái, 1 anh và 1 chị. Bác gái của em bị giết chỉ vì bà mất gà lỡ chửi tụi chúng, nên chúng giết chết.

Ngoài ra, cha em trước đó cũng bị VC bắt đi giam trên Cồn, trong thời gian này nhờ có người cho biết, nên ở nhà đã gởi tiền lên 3,4 lần và mỗi lần 5,6 trăm đồng. Tuy gia đình biết gửi sẽ không tới tay, nhưng vẫn gửi.

Rồi bẵng đi một thời gian, tới ngày hôm qua người ta đã tìm thấy cha em thân bị nát bấy hết, quần áo bị chúng lột hết và chỉ còn thẻ căn cước cùng chiếc quần xà lỏn.

Hiện tại em chỉ còn mẹ đi buôn bán nuôi 5 anh em, còn nhỏ cả.

Tới quá trưa, phái đoàn Báo Chí đã được hướng dẫn tới một cồn cát rộng lớn, không nhà cửa tại ấp Đồng Thanh, xã Phú Hộ, Quận Phú Thứ (cách thị xã Huế chừng 13 cây số) để chứng kiến những nấm mồ tập thể đang được khai quật.

Từ sáng đến 13 giờ trưa (11-4) Ủy ban Truy tầm và Cải táng đã tìm thấy thêm được 26 thi hài nạn nhân, trong số này có 4 đàn bà. Giới hữu trách cho biết đây là đường mương của ấp Chiến lược khi xưa. Cộng quân đã dùng để chôn sống đồng bào xuống dưới đó. Trước mắt chúng tôi, tất cả những thi thể đều bị chôn sống và 2 cánh tay đều bị trói khụyu về phía sau và lắm thi thể còn để lại dấu tích chứng tỏ trước khi bị mang chôn còn vùng vẫy quần áo rách tươm. Các thi hài ngồi dài theo một hàng luống 12 xác.

Những đồng bào "buôn thúng bán mẹt" lao động, nghèo khổ có thân nhân bị Cộng Sản tàn sát, bấy lâu nay chưa tìm kiếm thấy xác cũng đã có mặt quanh chiếc hầm đang được đào xới và cứ mỗi khi thi hài được tìm thấy, những tiếng khóc thảm thiết lại vang lên.

Dã man hơn Trung Cổ, Tàn ác hơn Phát Xít

Cứ mỗi xác vừa được kéo lên, gói vào khăn đưa vào bao hồ sơ thứ tự tử thi được tìm thấy là tiếng khóc lại càng được gia tăng mãnh liệt. Họ khóc thê thảm, khóc lăn lóc, khóc gào thét đến khản tiếng hụt hơi cứ như thể cơn xúc động như chờ sẵn nung nấu đồng bào tham dự. Qua các sự quan sát tận chỗ, người ta thấy VC quá dã man, quá đoản hậu.Tiếng "đoản hậu" người dân Thừa Thiên dùng để rủa những kẻ tàn ác nhứt, vô nhân đạo nhứt nay người ta được nghe hàng ngàn người dùng tiếng đó tại cánh đồng tìm kiếm xác này bởi vì lần lượt lấy xác lên người ta nhận thấy có hàng trăm trường hợp bị hành hung đến chết như chém đầu, đâm họng, tra tấn bằng cách xẻo tai, cắt mũi, mổ bụng, chôn sống dã man hơn cả thời Trung Cổ và tàn ác hơn cả Phát Xít Đức đốt người trong các trại tập trung trong Thế Chiến 2.

Tổ chức đám tang tập thể

Theo một nguồn tin người ta được biết trong đợt II, UB mới đào được tất cả 7 hầm tại Phú Xuân thuộc Quận Phú Thứ. Còn 12 hầm khác đã khám phá được nhưng chưa kịp đào lên vì thiếu nhân công.

Công cuộc tìm kiếm xác đợt II sẽ tiếp tục đến thứ hai 14-4 thì tạm ngưng vì còn phải lo an táng thi hài số nạn nhân vô thừa nhận quá nhiều. Trong dịp này, buổi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức vào ngày 14-4 trước khi cử hành đám tang tập thể váo sáng thứ ba 15-4-69.


Nguồn: The Vietnam Center and Archive


Trần Quốc Việt thu thập, biên soạn


 

1 comment:

  1. Cộng Sản Việt Nam thì tàn ác hơn cả bọn Thổ Phỉ vào nhà Dân Chúng giết người rất dã man và lúc đi chúng cướp hết đồ đạc trong nhà rồi chạy lên núi.

    Đến năm 2013 bọn chó vẫn ra rả trên báo đài của chúng là chiến công. Có đứa con gọi đó học tập nghệ thuật chiến tranh của vua Quang Trung....bọn cs không phải là người.

    ReplyDelete