Saturday, 22 February 2014

Thượng Toạ Thích Giác Đẳng – Năng lực của Định


 photo d4aaa4e2-3c3e-4501-a12f-4f54698d2ee9_zps6afe905b.jpg
Hỏi: Năng lực của Định
(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)
 
TTGiác Đẳng: Trong kinh điển của đạo Phật trên phương diện pháp hành thì chữ Định được dịch qua nhiều chữ Phạn khác nhau, đôi khi chúng ta dịch là Samadhi cũng là Định, hay là Tam Muội, hay là Ekaggata là Nhất Tâm cũng là Định.
 
Chữ Định ở tại đây khi chúng ta dùng chữ Samadhi có nghĩa là cái gì đó chúng ta chú ý, làm quen, sống với nó mà lập đi lập lại nhiều lần thì nó cho chúng ta một kết quả khác. 
 
Một thí dụ các vị Thiền Sư hay dùng. Mình nấu nồi cơm mà mình nấu một lúc rồi tắt rồi nấu rồi tắt, tức là nó không có tánh cách liên tục, không có tánh cách bền, không có độ thường xuyên liên tục thì cơm sẽ bị sình cho dù chúng ta nấu bao nhiêu phút đi nữa, nếu chúng ta nấu một chút rồi tắt thì nồi cơm sẽ bị nguội và khi nấu lại rồi tắt thì kết quả là cơm sẽ bị sình. Thì một hành giả khi ngồi thiền mà ngồi thiền một chút rồi chạy ra ngoài tán ngẫu hay vui chơi nghe nhạc v.v… rồi trở vô ngồi thiền tiếp tục thì điều đó làm cho chúng ta mất đi sự bền bỉ vì nó không được liên tục. Mình làm cái gì cũng vậy, nếu việc đó là việc mình làm một cách liên tục một cách bền bỉ thì nó tạo ra năng lực của tâm định.
 
Năng lực của tâm định có ba khía cạnh mà chúng ta nói đến tại đây là; từ lúc chúng ta không có định cho đến lúc có định nó là một hướng đi đối nghịch ở một điểm là ban đầu chúng ta tập trung vào một thứ chúng ta cảm thấy rất chán. Tại sao rất chán? Là tại vì bản chất của chúng ta con người sống ở cõi dục giới có những pháp mà Đức Phật gọi là pháp ngăn ngại pháp triền cái ở trong đó có cái tham, tham là đi truy tìm, ở trong kinh thường nói là truy tìm chỗ này truy tìm chỗ kia. Giống như một đứa nhỏ lăng xăng chơi đồ chơi này chán nó kiếm cái khác, nó ngồi không yên giống như con lật đật. Và người mà có khả năng về tâm định đầu tiên là phải vượt qua trạng thái nhàm chán đó. Ví dụ như hàng ngày mình nghe pháp, hàng ngày mình nói chuyện điện thoại, hàng ngày mình lên internet, và khi mình vào internet, mình nói chuyện điện thoại, mình phải làm việc này việc kia thì tâm mình liên tục nhảy từ chỗ này nhảy qua chỗ kia.”Tâm viên ý mã” thái độ chuyền từ cành này qua cành khác, chuyển từ đối tượng này qua đối tượng khác, đó là trạng thái phan duyên, trạng thái tự nhiên của tâm chúng ta nó phan duyên theo từng cảnh, túc là nó đi theo cái này cái khác, và chúng ta tạm gọi đó là sự đa dạng, sự phong phú, sự khởi sắc. Nhưng sự đa dạng phong phú và khởi sắc đó khiến cho chúng ta mất đi khả năng tập trú vào một chỗ.
 
Khi chúng ta bắt đầu tập trú vào một chỗ, tạm gọi là mình cột nó vào trong hơi thở thì giai đoạn đầu rất là nhàm chán, cái giai đoạn nhàm chán đó là giai đoạn tất nhiên là phải có, bắt buộc phải có. Một ở trong những trạng thái đi ngược lại với tâm định của chúng ta nhiều nhất là internet, có những người họ sống với internet hầu như là ba bốn tiếng, có khi cả ngày, là tại vì ở trên đó cho chúng ta muôn thứ, hết tìm cái này lại bắt qua tìm cái kia. Và tại sao kỷ thuật internet lại được người ta đem vào đời sống nhiều như vậy? Là tại vì nó phù hợp với cá tính của chúng ta. 
 
Nhưng chúng ta nói như vầy, khi còn trong giai đoạn bắt đầu một hành giả tu tập với tâm định thì hành giả phải vượt qua giai đoạn nhàm chán đó, khi vượt qua giai đoạn nhàm chán đó thì một lúc hành giả sẽ đạt đến chỗ mà mình cảm thấy rằng dễ dàng để tập trung và trong sự tập trung đó mình đạt đến một trạng thái trong đạo Phật gọi là khinh an là cảm thấy nhẹ nhàng cảm thấy là mình không bị bức rức không bị buồn chán không bị buồn nản. Và lúc bấy giờ có sự khinh an đó thì đời sống mình cảm thấy thật sự là nhẹ nhàng, thật sự là sống, thật sự thoải mái với điều đó.
 
Chúng tôi lấy một ví dụ là một người còn trẻ mới lớn lên họ có quá nhiều sự lựa chọn về hướng đi của đời sống, họ chụp cái này buông cái kia. Thì thật ra họ đang bị dằn co bởi nhiều thứ. Và khi bị dằn co nhiều thứ như vậy đến một lúc nào đó họ tìm được một công việc mà họ thật sự thích, họ thật sự tìm được một nơi họ thật sự sống được, họ thật sự tìm được nơi mà họ an lập được, thì khi họ tìm được nơi an lập thì tự nhiên họ cảm thấy rất nhẹ nhàng không còn bị trì kéo không còn bị dằn co bởi nhiều thứ nữa, thì lúc đó là họ đạt đến mức độ khinh an nhẹ nhàng. Hành giả đầu tiên khi tu tập về định lực thì ai cũng biết rằng tâm của chúng ta vốn chạy nhảy lung tung, nó đuổi bắt nhiều thứ bây giờ giữ nó ngồi yên chỗ thì nó bực bội giống như là một con khỉ bị cột vào cây, rồi đến lúc nào đó tâm mình thuần hơn một chút thì mình sẽ cảm thấy dễ chịu  nhẹ nhàng thoải mái và lúc đó chúng ta lại đạt đến một cái giá trị của Samadhi một cái lực của samadhi, đó là sự lắng đọng.
 
Trong từ ngữ của Thất Giác Chi đôi khi định nghĩa là khinh an hay là tịnh giác chi, chữ tịnh và chữ khinh an được định nghĩa chung, nhưng chữ tịnh được hiểu là sự lắng đọng. Sự lắng đọng của tâm tư làm cho tâm tư của chúng ta được trong sáng, cái trong sáng đó là năng lực của Samadhi là năng lực của Định. Đời sống của chúng ta lúc nào mà có trăm muôn ngàn mối đủ thứ chuyện lăn xăn thì thật ra chúng ta sống thì có sống nhưng chúng ta không có chiều sâu, chúng ta ăn, ngủ cũng không cảm thấy thật sự là ăn, ngủ, thì nói đến làm việc chúng ta cũng không đặt hết tâm tư để làm việc. Tuy nhiên, khi đời sống của chúng ta có tập trung rồi thì nó có lắng đọng, nó có lắng đọng rồi thì có sự định tịnh. Chữ định tịnh rất là hay, định là sự tập trú và tịnh giống như chúng tôi gọi là nước trong lắng xuống. Sự định tịnh làm cho mình nhận thức rõ, và cảm thấy mọi thứ không còn những lộn xộn, không còn những dày xéo, không còn những trăn trở nữa, đó là sức mạnh của Định.
 
Nhưng để đạt đến sự định tịnh như vậy chúng ta sẽ thấy bên cạnh đó hành giả sẽ có khả năng gọi là cái đức bền, là sự bền bỉ của chúng ta đối với chuyện gì. Trong cuộc sống của chúng tôi thật sự rất thích những giá trị mà nó bền bỉ. Ví dụ như có nhiều Phật tử đi chùa thì rất thích những người mà gọi là đại thí chủ chẳng hạn, nhưng đối với chúng tôi thì những Phật tử lâu năm, hai ba chục năm đi chùa quen biết nhau thì chúng tôi rất là cảm kích người Phật tử đó. Và một chuyện khác trong đời sống là mình làm chuyện gì đó mà mình có khả năng bền bỉ ví dụ như trường hợp chúng tôi làm rơom Phật Pháp Buđdhadhamma này trước là rơom Diệu Pháp. Thật ra chúng tôi hiểu rằng năng lực thì mỗi ai làm việc cũng có nhiều cách làm việc khác nhau nhưng đối với chúng tôi là không cần làm nhiều mà làm một ngày 2 tiếng đồng hồ mà một số chư tăng một số Phật tử có thể duy trì rơom từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, đó là điều chúng tôi cảm thấy quan trọng. Bởi vì trong đời sống của Thiền môn có một số sinh hoạt mà được giữ thường xuyên, những lợi ích những sinh hoạt đó tạo cho chúng ta khả năng làm việc gì một cách bền bỉ.
 
Chúng ta đừng tưởng rằng chữ bền bỉ này không liên quan gì đến chữ định, chữ bền bỉ có nghĩa là gắng bó với một cái gì đó trong thời gian dài rất dài. Khi chúng ta gắng bó thời gian rất dài thì sẽ nhận ra được cái giá trị là chúng ta thoải mái hơn, dễ chịu hơn và từ chỗ đó chúng ta đạt được sự thuần thục. Thật ra thì nói về cái chuyện ganh tài đua sức thì ở trong đời này người ta nói “núi cao hơn núi người cao hơn người” nhưng có một điều mà ít có người có được cái khả năng gọi là bền bỉ kiên nhẫn liên tục gắng bó với cái gì đó lâu dài. Và khi chúng ta tu tập mà chúng ta thấy được chuyện đó thì chúng ta sẽ rất là hoan hỉ.
 
Chúng ta không cần phải làm một việc gì đại sự to tát nhưng đối với hơi thở của mình cái khả năng mình có thể theo dõi nó thường xuyên, rồi đối với cuộc sống của mình, những sinh hoạt tu học nào đó mà mình có thể làm bền bỉ từ tháng này qua tháng khác bởi vì trong lý duyên hệ của Phật Pháp có cái gọi là thường thân y duyên hay là thường cận y duyên, cái gì mà chúng ta làm thường thì nó bền.
 
Thì đối với chúng tôi, định lực là chúng ta có thể tập trú vào một cái gì đó mà trên cái đối tượng đó chúng ta trở đi trở lại tiếp tục và tiếp tục thì gọi là định lực. Khi nói đến chữ “Định” thì đa phần là chúng ta nói đến cái nghĩa của Ekaggata là tập trung vào một điểm nhưng trên thực tế chữ Samadhi là tính chất bền bỉ.
 
Khi nói đến Giới Định Tuệ thì trong chữ “Định” bao gồm cả Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định thì chúng ta hiểu là chữ “Định” ở đây có thể gom lại tất cả những năng lực của tâm vào một trọng điểm, trọng điểm đó là gì thì chúng ta có thể biết được. Và thứ hai nữa là chữ “Định” có nghĩa là chúng ta có khả năng bền bỉ trên phương diện nội tại tập trú vào chuyện gì đó. 
 
Và điểm thứ ba là chúng ta có thể đạt đến mức độ khinh an và định tịnh. Thì với trạng thái đó giúp ích rất nhiều cho tuệ quán. Chúng ta khi làm chuyện gì mà đã thạo tay rồi thì làm rất nhanh rất gọn và rất đẹp. Cái nhanh cái gọn cái đẹp đó là một kết quả tự nhiên của sự thuần thục.
 
Chúng tôi nghe nhiều Phật tử làm việc ở các công ty lớn của Hoa Kỳ, làm ráp nối giây chuyền ở bên Mỹ thường gọi là assembly, khi có một sản phẩm đến trước mặt là họ phải ráp, phải làm này kia trong một thời gian ngắn để kịp chuyền qua người kế tiếp. Ban đầu khi họ mới vào làm thì rất là lúng túng và có nhiều người nói với chúng tôi rằng làm liên tay như vậy cực quá có thể khóc được, đứng lâu quá làm lâu quá mỏi tay mỏi chân có thể khóc được, nhưng một khi đã làm quen rồi thì người ta phát giác ra rằng người Việt Nam làm rất giỏi tại vì làm rất nhanh rất chính xác và rất có phẩm chất, bởi vì chúng ta làm thạo nghề. Chúng tôi để ý thấy rằng một trong đặc điểm của người Việt Nam là khi nào mình làm cái gì rất là quen thuộc thì thật sự mình có sự thành thạo mà ở trong kinh gọi là sự thuần thục, cái sự thuần thục đó cho phép chúng ta có những khả năng chúng ta không tưởng tượng được. Cái gì cũng vậy, hễ cái gì gọi là tinh luyện, tinh luyện nghĩa là việc đó chúng ta đạt đến cảnh giới ảo diệu của nó rồi thì mình thấy rất nhẹ nhàng để làm, rất thoải mái để có thể đồng hành với nó và đồng thời chúng ta làm việc đó một cách rất là tinh tế. 
 

No comments:

Post a Comment