Giáo Già - Hôm nay, 23/1/2014, cũng là ngày 23 tháng Chạp năm Quý Tị, ngày đưa ông Táo về Trời, Giáo Già xin được dùng bài viết này kính nhờ ông Táo gởi về Trời cảm nhận của kẻ tha hương đang nghĩ về sự “Sôi động trên chiến trận nhân quyền” đang khiến Cộng sản Việt Nam lồng lộn đàn áp người dân; nhưng mọi đàn áp không còn khiến người dân sợ sệt như trước đây mà trái lại còn kiến quốc tế lên án mạnh mẽ và khiến chúng bị đẩy lùi mau đến chân tường suy diệt.
Đúng vậy, sau khi Cộng sản Việt Nam được vào Hội đồng Nhân quyền LHQ thì tình trạng nhân quyền của Việt Nam ngày một xấu đi một cách nghiêm trọng, bằng chứng là tin được, phóng viên Hòa Ái của đài RFA phát đi ngày 20/1/2014 cho biết có 6 người thuộc Tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự và Hội Bầu Bí Tương Thân bị bắt giữ hôm thứ Hai, 20/1 trong chuyến thăm hỏi các gia đình tù nhân lương tâm ở Hà Nội.
Tin này nói rằng 6 người bị bắt giữ gồm các ông Nguyễn Quang A, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hùng, Nguyễn Kim Môn và cô Mai Phương Thảo. Họ bị bắt giữ tại nhà của cựu tù nhân Phạm Văn Trội, ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, sau khi đến thăm và tặng quà tết cho 2 gia đình của Luật sư Lê Thị Công Nhân và Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.
Sau đó Hòa Ái của RFA đã liên lạc với Luật sư Lê Thị Công Nhân vào khoảng 9:30 tối và được cô cho biết:
“Hiện giờ mình biết chính xác có 6 người, ngoài ra có ai nữa thì mình không biết, xuống thăm anh Phạm Văn Trội thì bị bắt vào trụ sở Công an xã cùng chung trụ sở Ủy ban xã. Tình hình rất căng thẳng. Cách đây khoảng 15 phút thì mọi người bị ép vào trong 1 văn phòng rồi. Công an rất là đông và tìm cách chia mọi người ra các phòng nhưng mọi người bám chặt vào nhau và nhất quyết không rời xa nhau. Hôm nay đặc biệt là ở ngoài đường trước trụ sở Công an có khoảng 80 người dân tụ tập và đang rất tò mò tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, khác với tình huống của mình trước đây hôm 31/12/13 khi mình và các bạn bị bắt thì người dân không biết gì cả. Chị Mai Phương Thảo, con anh Mai Phương Dũng, sinh năm 1977, còn bị 1 công an dọa là ‘tao sẽ ném mày xuống ao’. Có lẽ do bị đe dọa bạo lực rất ghê gớm nên không ai dám nghe điện thoại hết. Chỉ thỉnh thoảng mới gửi ra một vài tin nhắn như thế. Chính xác qua tin nhắn chỉ nói bị đe dọa đánh đập, chưa nói ai bị đánh đập. Và họ luôn tìm cách chia mọi người ra từng phòng để nhốt. Theo mình từng trải qua bị khủng bố ở đó, đi cùng chú Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh đập hôm 31/12 thì mục đích chia nhỏ ra là để đánh đập, chứ còn làm việc hành chính bình thường thì không ai chia nhỏ người dân ra như thế để làm gì cả. Một mục đích rất mờ ám”.
Việc vi phạm nhân quyền của Cộng sản Việt Nam đã được Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch lên án trong cuộc họp báo ngày 21/1/2014 ở Bangkok để công bố bản phúc trình về tình trạng nhân quyền toàn thế giới. Dịp này ông Phó giám đốc Phil Robertson đại diện của Tổ Chức nói:
Ông Phil Robertson trong cuộc họp báo |
“Chúng tôi nhìn thấy viễn cảnh nhân quyền của Việt Nam không có một tiến triển nào. Hiện nay chúng tôi đánh giá Việt Nam có khoảng từ 150 người đến 200 người đang bị bắt giữ vì họ đã có những hoạt động phổ biến nhân quyền cho người dân trong nước. Chúng tôi cũng có danh sách ít nhất 63 tù nhân chính trị trong năm 2013. Qua những chi tiết này chúng ta thấy rõ con số này tăng hơn năm trước đó. Họ là những người dám nói lên nguyện vọng người dân và do đó bị chính phủ đàn áp một cách nghiêm trọng. Họ chỉ cố lên tiếng diễn tả những gì mà nền dân chủ đòi hỏi bằng những cuộc họp mặt hay biểu tình nhưng lại bị bắt bớ giam cầm như những tù nhân hình sự. Tổ chức Human Rights Watch rất quan tâm đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Những quan tâm đó bao gồm việc bắt giữ người trái phép và ngày càng nhiều hơn. Thêm vào đó chính phủ Việt Nam chưa bao giờ tỏ ra lắng nghe tiếng nói của người dân trong chế độ độc đảng hiện nay.”
Được biết phúc trình đã dẫn những điều luật trong Bộ Luật hình sự của Việt Nam như điều 79, 87, 88, 89, 91 và 258 và thậm chí cả luật thuế đã được sử dụng để bỏ tù những người cổ xúy thay đổi chính trị. Trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân bị chính quyền kết án 30 tháng tù giam về tội ‘trốn thuế’ được HRW đưa ra làm ví dụ. HRW cũng lên án việc bỏ tù 14 thanh niên mà đa phần là Công giáo và Tin Lành ở Nghệ An hồi đầu năm 2013 mặc dù những thanh niên này chỉ ‘thực hiện những quyền tự do căn bản’. HRW cũng không quên nhắc lại việc nhà cầm quyền can thiệp và quấy rối các buổi dã ngoại nhân quyền hồi tháng Năm ở ba thành phố lớn trong khi những người tham dự chỉ thảo luận Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền. Họ cũng tăng cường kiểm soát tôn giáo bằng cách dùng bạo lực trấn áp các nhóm tôn giáo nằm ngoài các giáo hội “quốc doanh” như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành và Công giáo ở Tây Nguyên, Phật giáo Khmer Krom và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ông Joel Simon, giám đốc điều hành Ủy ban Bảo vệ Nhà báo CPJ |
Hôm sau, ngày 21/1/2014, bản tin được Thanh Phương đưa lên đài RFI cho biết: “Theo báo cáo 2013 của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), Việt Nam nằm trong số 10 nước đứng đầu danh sách các quốc gia giam giữ các phóng viên chỉ vì họ làm công việc nhà báo. Cụ thể, với 18 phóng viên đang ngồi tù, Việt Nam đứng hàng thứ 5 thế giới...”
CPJ cũng cho biết trong số 18 nhà báo đang bị giam ở Việt Nam, có blogger Nguyễn Văn Hải (Ðiếu Cày), Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Huỳnh Duy Thức (Trần Ðông Chấn), Lư Văn Bảy (Trần Bảo Việt), Ðặng Xuân Diệu, Hồ Ðức Hòa, Paulus Lê Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Duyệt, Tạ Phong Tần, Ðinh Ðăng Ðịnh, Lê Thanh Tùng, Nguyễn Văn Khương (Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ), Phạm Nguyễn Thanh Bình, Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Ðào, Võ Thanh Tùng (Duy Ðông, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh). Con số 18 của năm 2013 cao hơn so với năm 2012 là 14 nhà báo bị ngồi tù vào lúc nhà cầm quyền Hà Nội gia tăng trấn áp giới blogger độc lập.
Nhưng, các nhà đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam không phải vì sự đàn áp của công an Cộng sản Việt Nam mà lùi bước. Trái lại, cuộc đấu tranh càng lúc càng lan rộng và càng gặt hái nhiều thành quả khích lệ; đặc biệt trên bình diện quốc tế và nỗi sợ của họ coi như không còn nữa. Bằng chứng là ngày Thứ Sáu 10-1-2014, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã tổ chức và cùng đại diện nhiều nhóm như: No-U Hà Nội, No-U Sài Gòn, Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống, Giáo phái Dương Văn Minh, Hội Ái hữu Tù nhân chính trị và tôn giáo Việt Nam, gặp các viên chức ngoại giao của các đại sứ quán: Úc, Bỉ, Ðức, Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Ðiển, Liên minh châu Âu, vào sáng 10 tháng 1, tại Hà Nội. Mục tiêu của những cuộc gặp gỡ vừa kể là nhằm cung cấp thông tin về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đệ đạt các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình và đề nghị đại diện các cơ quan này sử dụng những thông tin và khuyến nghị đó tại buổi điều trần của Cộng sản Việt Nam về việc thực thi những cam kết của chúng trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) vào đầu tháng tới.
Ðến ngày 17/01/2014 đại diện 23 gia đình tù nhân lương tâm gồm thân nhân của Luật sư Lê Quốc Quân, Cù Huy Hà Vũ, Ðỗ Thị Minh Hạnh, 14 thanh niên công giáo ở Vinh... đã tiếp xúc với các đại sứ quán Canada, Úc, Na Uy, Thụy Sĩ ở Hà Nội để vận động sự ủng hộ của các quốc gia này trong cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát về tình hình nhân quyền (Universal Periodic Review: UPR) ngày 5/2 tại Genève liên quan đến Việt Nam.
Ngoài ra, tin từ Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng cho biết:
“Nhận lời mời của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền (OHCHR) và một số tổ chức quốc tế khác, một phái đoàn vận động nhân quyền cho Việt Nam bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc kể từ ngày 12/1/2014. Thành phần phái đoàn gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Đường Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo Truyền thống, No-U Việt Nam, Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, và thân nhân một số tù nhân chính trị. Phái đoàn sẽ tiếp xúc và làm việc với OHCHR cùng với các cơ quan Liên Hiệp Quốc khác liên quan đến UPR. Bên cạnh đó, phái đoàn cũng sẽ làm việc với đại diện Quốc hội, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị viện Châu Âu, Quốc Hội Úc, các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR) và các tổ chức phi chính phủ khác kể cả cộng đồng người Việt Nam tại các nước. Phái đoàn cũng sẽ đồng thời tham dự các sự kiện bên lề phiên điều trần UPR cùng với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và giới truyền thông”.
Ðược hỗ trợ bởi OHCHR và các tổ chức quốc tế trên, chiến dịch vận động này kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền với tư cách là một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Blogger Mẹ Nấm, đại diện cho Mạng Lưới Blogger Việt Nam, khẳng định: “Một trong các tiêu chí hoạt động của MLBVN là phấn đấu nỗ lực vì quyền con người, đó là lý do vì sao các nhóm đến gặp các đại sứ hôm nay để cung cấp thêm thông tin về tình trạng nhân quyền của Việt Nam trước phiên điều trần UPR. MLB mong muốn rằng với những nỗ lực này, các đại sứ sẽ có thêm nhiều thông tin cũng như bằng chứng để buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC)”.
Về phần mình, các đại sứ quán (ÐSQ) đều tỏ ra quan tâm đến việc thành viên của MLBVN bị cấm xuất cảnh khi có thư mời tham dự UPR. Có đại diện của tổng cộng 7 cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, gồm ÐSQ của Ðức, Bỉ, Ðan Mạch, Nauy, Úc, Thụy Ðiển, và phái đoàn EU. Ông Felix Schwarz, tham tán chính trị ÐSQ Ðức, cho biết, trước khi có cuộc gặp hôm nay, sứ quán đã có nhiều tiếp xúc với các tổ chức hoạt động dân sự ở Việt Nam (được cho phép) và nhà nước. Những thông tin họ nhận được hoàn toàn khác với thông tin từ các blogger và nhà hoạt động. Do vậy, buổi gặp hôm nay là cơ hội để họ có thêm thông tin cho phiên UPR tới. Bà Elenore Kanter, Bí thư thứ nhất ÐSQ Thụy Ðiển, cũng cảm ơn những thông tin do các nhóm mang lại. Bà nói rằng thông tin này “thực sự khác với những gì ÐSQ nhận được từ phía nhà nước”
Các thành viên của MLBVN chụp hình chung với đại diện ĐSQ:
Từ trái: Hư Vô, bà Elenore Kanter, Mí Rưỡi, Mẹ Nấm, ông Felix Schwarz
Mặt khác, tin được Trà Mi phồ biến trên đài VOA ngày 13/1/2014 cũng cho biết:
“...Hai cuộc vận động mang tên ‘Chiến dịch xóa bỏ tra tấn ở Việt Nam’ và ‘Chiến dịch Ðòi tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam’ được Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS phối hợp với các tổ chức bảo vệ nhân quyền đồng loạt phát động, với cao điểm là cuộc điều trần của thân mẫu nhà hoạt động đang bị giam cầm Ðỗ Thị Minh Hạnh tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ ngày 16/1. Bà Trần Thị Ngọc Minh sẽ cùng với thân nhân các tù nhân lương tâm khác trên thế giới điều trần trước Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos lúc 10 giờ sáng thứ năm tuần này về thực trạng bị giam cầm, tra tấn của các nhà bất đồng chính kiến. Ðây là các nỗ lực mới nhất kêu gọi cho nhân quyền Việt Nam trước khi Hà Nội báo cáo thành tích nhân quyền lần thứ nhì theo thể thức UPR bốn năm một lần tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào ngày 5/2 tới đây...”
Trước khi có cuộc điều trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ, một số thân nhân của các tù nhơn lương tâm đã ra được hải ngoại để vận động quốc tế yểm trợ cứu thân nhơn họ khỏi tù ngục và vận động nhân quyền cho Việt Nam. Ðó là các ông Trần Văn Huỳnh (thân phụ kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức), bà Nguyễn Thị Kim Liên (thân mẫu các anh Ðinh Nhật Uy và Ðinh Nguyên Kha), bà Nguyễn Thị Trâm, (thân mẫu Luật Sư Lê Quốc Quân).
Từ trái Blogger Nguyễn Anh Tuấn và Ðoan Trang |
Nhờ sự giúp đỡ của người Việt hải ngoại họ đã có một buổi họp báo với một số tổ chức chuẩn bị đi Geneva vận động nhân quyền cho Việt Nam, gồm đại diện các tổ chức VOICE, Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Dân Làm Báo, Con Ðường Việt Nam, No-U Việt Nam, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam; diễn ra vào tối Thứ Ba, 14/1/ 2014 tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, California. Phái đoàn được Luật sư Trịnh Hội, đến từ Úc, làm phát ngôn nhân. Tham dự còn có cô Ann Phạm, công dân Canada, thiện nguyện viên của tổ chức VOICE. Ðặc biệt, phái đoàn còn có sự hiện diện của nhà báo blogger Ðoan Trang, đến từ Việt Nam, bên cạnh blogger trẻ Nguyễn Anh Tuấn - đại diện của MLBVN.
Trả lời câu hỏi của một số người tham dự họp báo về mục đích của chuyến đi, Luật Sư Trịnh Hội cho biết: “Sự mong mỏi của tất cả thành viên trong đoàn là qua chuyến đi này người dân Việt Nam trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại hiểu thêm về tiến trình Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát về tình hình nhân quyền (Universal Periodic Review UPR).” Theo lời Luật Sư Trịnh Hội phái đoàn sẽ gặp gỡ đại diện Quốc Hội và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Nghị Viện Châu Âu, Quốc Hội Úc, các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Frontline Defenders, International Service for Human Rights (ISHR) và các tổ chức phi chính phủ khác, kể cả cộng đồng người Việt tại các nơi. Phái đoàn cũng sẽ tham dự các sự kiện bên lề phiên điều trần UPR cùng với sự tham dự của các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và giới truyền thông.
Dịp này Ông Trần Văn Huỳnh, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, nói rằng “Động cơ duy nhất của tôi là đi tìm vận động đòi trả tự do cho con tôi đã bị kết án oan sai, 16 năm tù. Đồng thời, là một thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, tôi cũng muốn lên tiếng nhà nước Việt Nam phải cải thiện tự do nhân quyền, công nhận quyền con người, làm sao cho mọi người biết được quyền con người mà mình có, chứ không phải đi xin, để mà tự mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và những người khác.”
Phần Bà Nguyễn Thị Kim Liên thì cho biết: “Tôi đi qua đây để yêu cầu Liên Hiệp Quốc coi lại bản án mà nhà cầm quyền độc tài cộng sản đã chụp lên đầu những đứa trẻ này [Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy], những bản án vô lý đến man rợ. Những đứa trẻ, như con tôi, chỉ có yêu nước, yêu biển đảo thôi, nó chỉ chống Trung Cộng, chống tham nhũng mà lại bị như vậy.”
Nhà báo Đoan Trang cho biết thêm là nhìn về tình hình phong trào đấu tranh trong nước ngày càng mạnh hơn rất nhiều. Cô nói năm 2001, lần đầu tiên cô đưa tin về Hoàng Sa Trường Sa chỉ có một mẩu tin khoảng độ 100 chữ được dịch lại từ một bài báo của Washington Times, với nhan đề ‘Trung Quốc đưa tàu chiến đến Trường Sa’, vậy mà thời gian đó cả tòa soạn đều sợ, gần như tê liệt, thậm chí không dám nói Trường Sa là của Việt Nam; nhưng đến năm 2007, khi phong trào biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu nổ ra, những bài báo nói bóng gió xa gần về sự đồng thuận cũng xuất hiện lác đác, dù rằng có tổng biên tập bị khiển trách, phóng viên bị đuổi việc... Đến bây giờ báo chí đã nói nhiều hơn về những vấn đề này.
Cũng được biết thêm là ngoài những đại diện đã đến được Hoa Kỳ và sẽ sang Geneva tham dự cuộc điều trần còn có một số đại diện khác sẽ sang thẳng Geneva vào đầu Tháng Hai.
Nói về cuộc điều trần tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, tin được đài RFA cho biết: “Sáng thứ Năm ngày 16 vừa qua, buổi điều trần về tù nhân lương tâm trên thế giới, trong đó có tù nhân lương tâm Việt Nam, diễn ra trước Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos trong Quốc Hội Hoa Kỳ... gồm các nhân chứng là đại diện Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới, Ân Xá Quốc Tế và các tổ chức nhân quyền khác ở DC... với sự hiện diện của hai vị đồng chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Tom Lantos là dân biểu Frank Wolf và dân biểu James McGovern, bên cạnh dân biểu Christopher Smith, tác giả Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam... Trong 5 nhân chứng ra điều trần về tù nhân lương tâm có một người Việt Nam, bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Ðỗ Thị Minh Hạnh, nhà hoạt động bảo vệ quyền lao đồng đang bị giam cầm trong nước với bản án 7 năm...” Dịp này Bà Trần Thị Ngọc Minh nói:
“Tôi đến đây, đề nghị với các chính giới và quốc hội Hoa Kỳ can thiệp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho con tôi. Không những trả tự do cho con tôi mà còn phải trả tư do cho tất cả tù nhân lương tâm khác tại Việt Nam bởi vì họ là những người yêu nước, những người không có tội với tổ quốc, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam và hành hạ, đánh đập con tôi ở trong tù rất tàn nhẫn. Tôi xin đến đây mong quí vị ở chính giới Hoa Kỳ cứu giúp con tôi cùng hai người bạn là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương, cùng hoạt động giúp đỡ những người dân oan, những người công nhân bị áp bức, bị bóc lột. Ðáng lý ra nhà nước cộng sản phải trân trọng thì lại bắt ba bạn trẻ này, đánh đập, bỏ tù và hành hạ trong nhà tù.” [*]
Khi được Thanh Trúc của đài RFA hỏi: “Bà nói rằng cô Ðỗ Thị Minh Hạnh bị tra tấn trong tù. Lý do vì sao cô ấy bị đánh?” Bà Minh trả lời: “Có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là Hạnh không nhận tội. Lý do thứ hai là Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng đều cũng không nhận tội, và lý do thứ ba là con tôi đấu tranh chống lại sự cưỡng bức lao động trong nhà tù và sự ngược đãi tù nhân trong nhà tù.”
Ðiều rất đáng lưu ý và phấn khởi là dịp này tin được Mạch Sống http://machsong.org phổ biến ngày 16 tháng 1/2014 cho biết: chỉ vài tiếng sau khi Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của Ðỗ Thị Minh Hạnh, điều trần trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos. Văn phòng Dân Biểu Chris Van Hollen (Dân Chủ, Maryland) cho biết là vị dân biểu Chris Van Hollen này đã chính thức đồng ý đỡ đầu cho tù nhân lương tâm Ðỗ Thị Minh Hạnh. Ðược biết đỡ đầu nghĩa là can thiệp cho tù nhân lương tâm cho đến khi được trả tự do. DB Van Hollen rất quan tâm đến quyền lao động và đặc biệt có tiếng nói ảnh hưởng trong Ðảng Dân Chủ trong vấn đề phê chuẩn thương ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên sự can thiệp của DB Van Hollen, nhất là trong bối cảnh TPP, sẽ là một yếu tố quan trọng trong cuộc vận động đòi tự do cho cô Minh Hạnh.
Ngoài ra, sau buổi điều trần, DB Alan Lowenthal (Dân Chủ, California), một thành viên của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos, đã mời Bà Ngọc Minh cùng với phái đoàn người Việt đến văn phòng riêng. Tại đây DB Lowenthal đã an ủi Bà Trần Thị Ngọc Minh. Ông cho biết sẽ cùng các dân biểu khác quyết tâm tranh đấu để cô Ðỗ Thị Minh Hạnh được trả tự do.
Việc vận động mỗi dân biểu Hoa Kỳ đỡ đầu một tù nhân lương tâm Việt Nam là một phần của chiến dịch Ðòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam mà BPSOS phát động ngày 24 tháng 7/2013 và đã có kết quả là hiện nay, DB Christopher Smith đã nhận đỡ đầu cho LM Nguyễn Văn Lý, DB Alan Lowenthal cho Nguyễn Tiến Trung, DB David Price cho Ts. Cù Huy Hà Vũ, và nữ DB Sheila Jackson-Lee cho blogger Tạ Phong Tần.
Cùng ngày, vào buổi chiều, một cuộc họp báo do dân biểu Christopher Smith và dân biểu Frank Wolf đồng bảo trợ để vận động cho chiến dịch Xóa Bỏ Tra Tấn ở Việt Nam, được chuẩn bị từ hai năm qua. Tại buổi họp báo này, bản báo cáo về tình trạng tra tấn tù nhân ở Việt Nam được công bố, 4 nhân chứng người Việt đã trình bày về những trường hợp liên quan, trong đó trường hợp người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu được nêu lên.
Cũng được biết thêm là Bà Nguyễn Thị Liên, mẹ của 2 tù nhân lương tâm Ðinh Nguyên Kha, Ðinh Nhật Uy, từ một phụ nữ nông thôn không biết gì về mạng đã trở thành một facebooker có tiếng và tranh đấu quyết liệt cho tự do của các con mình và những tù nhân lương tâm khác. Bà đã cùng một nhóm các nhà hoạt động người Việt bằng nhiều cách khác nhau đã tới Mỹ để tố cáo trước công luận thế giới về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Trong thời gian ở Mỹ, bà đã có nhiều buổi trả lời phỏng vấn của các báo đài ở Mỹ, tham gia họp báo tố cáo tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Bất chấp mọi đe dọa có thể bị công an đàn áp, bà quyết định trở về Việt Nam lo cho gia đình. Ðến sáng ngày 18/1/2014, mặc dù rất mệt mỏi sau một chặng đường dài từ Mỹ, quá cảnh Philippines rồi về Sài Gòn, bà đã bị công an câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bà bị buộc làm việc với an ninh của bộ Công an. Sau vài tiếng làm việc và kiểm tra hành lý, bà mới được tự do.
Nhờ mạng lưới điện toán thông tin mau lẹ nên lúc đó, bên ngoài, gia đình và bạn hữu đã chờ đón bà với băng rôn và hoa như một cuộc biểu tình nhỏ biểu lộ tình cảm, sự ủng hộ công khai với những người hoạt động bất chấp mọi đe dọa đàn áp của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào.
Trong khi đó, một số thành viên trong nhóm vận động từ Việt Nam còn lại sẽ có mặt tại châu Âu vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 để tiếp tục cuộc vận động nhân quyền tại EU và Liên hiệp quốc khiến chiến trận nhân quyền càng lúc càng sôi động hơn.
No comments:
Post a Comment