Wednesday, 15 January 2014

Luận bàn về bài viết :” Việc đáo nhiệm của HT. Quảng Độ để cho điếm nhạo?”


 photo 1c3db84a-f7b7-4520-b41e-c061d1c1b5fe.jpg
 
Nội dung của bài viết :” Việc đáo nhiệm của HT. Quảng Độ để cho điếm nhạo?” dựa trên Bức Tâm Thư của HT Thích Tâm Châu làm cơ sở lý luận.  Mà nội dung Bức Tâm Thư nầy dựa vào 2 điều: điều 1 và điều 2 dưới đây làm cơ sở cho sự biện minh.  Vì… những điểm không đúng trong bức Tâm Thư nầy đã tạo sự không công bình cho Ngài Thích Quảng Độ,  nên tôi mạo muội viết bài nhận định về 2 điều đó như sau:

  Nguyên văn trong Bức Tâm Thư:
1)-Việc xét xử người phạm tội Ba-La-Di, chỉ ở nơi 20 vị đại-tăng hội họp, thẩm xét và tẩn xuất trong nội bộ, không ai có quyền công khai bêu xấu cho toàn thể thế giới biết.
2)-Việc tẩn xuất một vị tăng phạm tội do nơi Tăng luật, không đến nỗi một vị Tăng thống bất lực, phải từ chức. Và, nếu vị ấy ở trong cương vị hành chánh, dùng luật hành chánh mà xử trị, việc gì phải dùng đến việc từ chức và nhận chức, cho tổn thương đến uy tín cá nhân và danh nghĩa Giáo hội.

    ************

Phần Nhận  Định

Người viết bài :” Việc đáo nhiệm của HT. Quảng Độ để cho điếm nhạo?” là cố ý dùng bức Tâm Thư của HT TC để nói  Ngài Quảng Độ sai lầm khi ban hành Giáo Chỉ số 10.   Điều nầy đã được Ngài Quảng Độ giải thích rất rỏ ràng và hợp lý trong một buổi phỏng vấn của cô Ỷ Lan ngày 12/15/2013, điều đó còn được lưu giử bẳng văn tự trong website queme.com.  Nay chỉ thêm phần nhận định về chổ đúng, sai của 2 điều trên: 

1.  Sai lầm về thời gian mà bức Tâm Thư gởi đi:  Giáo chỉ số 10 gởi đi vào ngày 9 tháng 12, 2013, còn lá thư nầy được gởi ra trước đó là ngày 12 tháng 9 , 2013.  Đây có phải chăng là sự sai lầm về thời gian trong bức thư.  Ngày tháng trong lá thư nầy có trước 3 tháng giáo chỉ số 10, như vậy bức Tâm Thư nầy nói cho chuyện gì, chớ không phải là cho giáo chỉ số 10? (Những ai muốn biết bức Tâm Thư nầy nói gì, xin cứ lên website giai tru phap nan, bấm vào phần Tang Ni). Vậy nếu căn cứ vào ngày tháng năm ghi trên bức Tâm Thư thì có gian nhân đang lợi dụng để quá hoại sự hoà hợp Tăng.  Như thế bức Tâm Thư nầy không có liên hệ gì với Giáo Chỉ số 10.   Nay giả sử có sự sai sót do lỗi đánh máy (typing), kế tiếp là nhận định về sai lầm của sự quyết định.

2. Sai lầm của sự quyết định : Bức Tâm Thư kia nói lên chổ sai lầm của Ngài Quảng Độ là chổ vi phạm Luật Tạng. Còn về phần Ngài Quảng Độ có vi phạm Luật Tạng hay không, sẽ nói sau, nhưng bức Tâm Thư được quyết định đưa lên internet thì có nghĩa là người viết Bức Tâm Thư công khai rao lỗi người khác cho toàn thể thế giới biết.  Tuy rằng lời lẽ trong Bức Tâm Thư rất ôn tồn, nhưng rất sắc bén và vội vàng kết lỗi.  Như vậy là tự bức Tâm Thư đó lại vi phạm chính điều 2 mà nó đã thiết lập xác định.  Điều đó có khác gì bảo người ta đừng làm, mà chính mình lại đi làm?

3.  Nhận định điều 1: Vì bức Tâm Thư nầy đưa lên internet cho mọi người được xem thấy và nhận định, nay nhận định về điều 1:”Việc xét xử người phạm tội Ba-La-Di, chỉ ở nơi 20 vị đại-tăng hội họp, thẩm xét và tẩn xuất trong nội bộ, không ai có quyền công khai bêu xấu cho toàn thể thế giới biết.”

Phần một nầy gồm có 3 phần:  phần a, phần b, và phần c.  Chỉ có phần a là đúng, còn 2 phần b và c thì không dùng được.

Phần 3a – Việc xét xử người phạm tội Ba La Di:  Phần nầy là đúng. Vì sao? vì Ba Ta Di là 4 trọng giới:  Sát sinh, Trộm cướp, Tà Dâm, và Vọng ngữ.  Trọng giới là giới cấm lớn nhất trong tăng đoàn Nhà Phật và do Phật chế ra.  Bất cứ một nhà sư nào khi phạm vào một trong bốn giới cấm hoặc nhiều hơn, khi có chứng cớ, có người thấy  được, và dù có phát lồ hay không có phát lồ thì đều gọi là phạm Ba La Di, có nghĩa là bị Ma lôi kéo không có sức tự chế, cũng như người bị mất đầu.  Vì vậy trong kinh gọi tội nầy Bất Khả sám nghĩa là không sám hối được.  Mà nếu có gượng sám hối theo một pháp yết ma, thì người phạm tội Ba La di đó cũng phải bị thu giới và hoàn tục, hoặc bị cô lập trong thời gian khá lâu.  Vì có một số nhà sư trong giáo chỉ số 10 có liên hệ đến tội Ba La Di có bằng chứng không thể chối cải nên bức Tâm Thư nầy có xác nhận đây có liên hệ đến tội Ba La Di. Phần nầy là đúng.

Phần 3b – “chỉ ở nơi 20 vị đại tăng tụ họp, thẩm xét và tẩn xuất trong nội bộ”
Phần nầy không dùng được vì 3 lý do:

3b1.  Ngài Quảng Độ khi ban hành giáo chỉ số 10, thì Ngài dựa trên sự an nguy của giáo hội, cất chức về hành chánh có nghĩa không cho tiếp tục làm  công việc mà giáo hội đang giao phó, chớ chưa nói gì đến Luật Tạng cả.  Lúc đó có một nhà sư đương sự cũng đồng ý và nói rằng chính ông cũng không quan tâm vấn đề chức vụ, nhưng muốn tu giải thoát mà thôi.   Nhà sư nầy nói thật hay  giả,  tự lòng thế nào thì tự biết, không cần bàn ở đây, nhưng điều nầy nói lên một đạo lý căn bản là người trực tiếp nhận Giáo Chỉ số 10 cũng đã hiểu rằng việc  mà ông bị cất chức thuộc vào hành chánh chớ không phải là Luật Tạng.

3b2. Giả sử điều trên bị cưởng ép đưa vào Luật tạng y như bức Tâm Thư đòi hỏi,  có nghĩa là triệu tập 20 đại tăng, thì 3 người có tội Ba La Di  đó lại còn khó khăn hơn và có lỗi hơn, vì họ đã đưa đơn từ chức rời bỏ Giáo Hội, tự lập tổ chức mới trước khi được triệu tập về đại hội để làm pháp Yết Ma, và vì pháp Yết Ma chỉ làm được khi nào có đũ 4 yếu tố là Pháp, Nhân, Sự, Xứ.  Pháp là nguyên tắc, thủ tục, phương thức Yết Ma; Nhân là điều kiện về nhân sự; Sự là kết Yết Ma về chuyện gì; Xứ là Yết Ma phải làm trong một giới vức nhất định.  Trong 4 yếu tố thì Pháp là dễ, còn Nhân và Xứ là khó;  còn Sự thì tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của người phạm giới và nhửng chứng nhân và chứng cớ có rỏ ràng hay không.  Thiếu một trong 4 yếu tố trên thì pháp Yết Ma không thành.  Nay các nhân vật chánh phạm và một số chư tăng tự ý đã rời bỏ giáo hội, và tuyên bố  thành lập một tổ chức có tên gọi là TĐGHPGVNTN vừa lúc Giáo Chỉ vừa ban hành, thì phép Yết Ma không thành được vì không hội đủ yếu tố Nhân vậy.   Như vậy đâu phải là lỗi của Ngài Quảng Độ.

3b3.  Giả sử thêm nữa, như pháp Yết Ma hội đủ điều kiện và được tiến hành.  Với nhân chứng và vật chứng hiện nay bị thẩm xét cặn kẽ, theo như Giáo Chỉ số 10. Với những chứng nhân và chứng cớ như vậy thì làm sao mà dấu? chẳng lẽ “lấy thúng úp miệng voi”? làm sao mà che dấu được hết bao nhiêu miệng Phật Tử ở khắp mọi nơi trong thời buổi thông tin như cell phone, video, computer nhanh chóng như vận tốc ánh sáng hiện nay. Chỉ trừ trường hợp mình không làm thì không ai biết được.   Như vậy nếu cứ khư khư yêu cầu cho được 20 vị đại tăng lập pháp Yết Ma thì có khác nào tự mình làm cho mình rơi vào cảnh “lạy ông tôi ở bụi nầy” rồi thì “cá nằm trên thớt” tuỳ người mổ xẽ, thì ắt sẽ bị thu hồi lại giới luật hoàn toàn và bị bắt phải hoàn tục bởi 20 vị đại tăng, vì đây thuộc về tam Tẫn.  Lúc đó dù cho có tình cảm ít nhiều với 20 vị Yết Ma tăng nầy nhưng cũng không ai có thể che chở được cho mình.  Như vậy thì “nguy” rồi!  Vì “tên tuổi” đã mất mà “tài sản” cũng bị “kiểm kê” luôn và phải hoàn trả lại cho chư Tăng và Giáo Hội!  Đối với các vị đó thì quả thật tai hại quá chừng!  Thôi chi bằng đừng “vạch áo cho mọi người xem lưng”, tam thập lục kế, tẩu tán tài sản,  tẩu đào vi thượng là kế sách an toàn nhất.  Có phải như vậy không?  Vậy thì,  nếu phần nầy mà áp dụng thì các thầy phạm tội Ba La Di hết chổ dung thân ! Mà lỡ như khi vị nào đã có gia đình, khi trở về nhà còn bị vợ khinh bỉ thì thật là khốn khỗ vô cùng, khỗ khỗ! tăng thượng!  Phải không? 

Phần 3c : ” không ai có quyền công khai bêu xấu cho toàn thể thế giới biết.”
Phần nầy không dùng được. Vì sao? vì giáo chỉ số 10 chỉ liên hệ đến sự việc hành chánh của Giáo Hội, nghĩa là sự đại diện cho Giáo hội, đó là những người mang danh nghĩa tổ chức Giáo Hội để  làm mọi hoạt động công khai bên ngoài có thể làm Giáo Hội bị ảnh hưởng đến luật lệ địa phương và quốc pháp,   cũng như gây ra tai tiếng xấu trong quần chúng.  Do đó nếu không phải là Luật Tạng thì các giáo chỉ đều phải được công bố với tất cả mọi người không được dấu diếm với lý do để nhầm vào việc trách nhiệm của Giáo Hội trước luật pháp địa phương và quần chúng.   Cho nên phần 3c nầy áp dụng không đúng trường hợp, vì đây không thuộc vào Luật Tạng, mà thuộc vào hành chánh. 

4. Nhận định điều 2: “Việc tẩn xuất một vị tăng phạm tội do nơi Tăng luật, không đến nỗi một vị Tăng thống bất lực, phải từ chức. Và, nếu vị ấy ở trong cương vị hành chánh, dùng luật hành chánh mà xử trị, việc gì phải dùng đến việc từ chức và nhận chức, cho tổn thương đến uy tín cá nhân và danh nghĩa Giáo hội”

Đây là sự chia sẽ kinh nghiệm cũng như góp ý về cách làm việc của từng cá nhân.  Lấy đó để làm chổ chỉ trích là điều sai lầm về nguyên lý tư duy cũng như quy tắc làm việc.  Tùy theo từng sự trù tính linh động của mỗi người, mà lối hành xử không cần phải rập theo một gương mẫu nào cả, bởi vì nó thuộc vào kinh nghiệm cũng như sở đắc của từng cá thể.   Người thích làm theo cách nầy, kẻ thích làm theo cách kia miễn sao có lợi cho người và có lợi cho mình, và đừng vi phạm giới luật hay tội lỗi là được rồi.  Giáo hội không vì thế mà bị tổn thương. Trong Kinh còn có kể một câu chuyện. Có một người hỏi một nhà sư rằng:  Trên đời nầy ông sợ chuyện gì nhất?  nhà sư mới trả lời: ” Trên đời nầy, tôi sợ chuyện tội lỗi nhất.”  Thật vậy nếu không làm chuyện tội lỗi, thì không có gì phải xấu hỗ, thì không có gì phải lo sợ nữa cả.   Phần 4 nầy chỉ phản ảnh được sự chia xẻ kinh nghiệm lẫn nhau mà thôi, chớ chính nó không có giá trị xấu hay tốt.   Trong Phật Pháp gồm đủ Quyền và Thật. Quyền là pháp phương tiện, cốt sao hợp với thời cơ mà truyền trao đạo lý, khi ở chổ cao sâu thì gọi là “Dùng Huyễn Phá Huyễn” cũng như trong Kinh Viên Giác đã từng nói. Còn Thật là mục đích ý chỉ của Như Lai, là chỗ hiện bài Chơn Tánh.  Dụng Quyền Hiển Thật là đường đi của các vị Thánh Nhân, phàm phu há đâu hiểu đặng. Cũng đâu có thể nói rằng Quyền là dở mà Thật mới là hay.  Ngũ Thừa, Bát Giáo tuy có khác nhau nhưng sau cùng cũng gom về Nhất Thừa Hiển Tánh vì đó là Thật.  Trong phương tiện thiện xảo nầy, đâu phải riêng Ngài Quảng Độ làm, mà trong Kinh Điển Đại Thừa chính Đức Phật đã từng làm và Ngài còn nói thêm nhiều thí dụ nữa.  Như  trong Kinh Đại Trí Độ, hay trong Kinh A Hàm còn ghi một câu chuyện như sau:

Trong Hạ thứ mười – rừng Parileyyaka

Trong lúc Đức Phật ngự tại thànnh Kosambi, một vụ tranh luận xảy ra giữa 2 nhóm tỳ kheo – một nhóm giỏi về Kinh, và nhóm kia thì giỏi về Luật.  Vì có một vị phạm nhầm một giới nhỏ có liên quan cách thức xử dụng phòng vệ sinh (không mang nước vào phòng vệ sinh để sẳn sau khi xài hết).  Những người ủng hộ chia ra hai phe tranh đấu cải cọ với nhau để dành quyền làm chủ phòng vệ sinh nầy.  Đức Phật đứng ra giàn xếp cũng không xong.  Hai bên không ai nhịn ai và niềm bất hoà ngấm ngầm tiếp diễn.  Đức Phật suy nghĩ:

“Trong tình trạng hiện tại, đám đông người nầy cố tâm muốn lấn áp nhau khiến cho những ngày an cư kiết hạ của ta trở nên bất ổn.  Hơn nữa chúng Tăng ở đây không để ý đến lời dạy của ta.  Hay là ta thử rời khỏi đám đông để ẩn dật trong rừng sâu.”

Liền đó không cho chư Tăng biết, Ngài một mình đi đến khu rừng Parileyyaka mà nhập hạ dưới gốc cây sala. Trong thời gian đó có một con khỉ lớn dâng quả,  trái, và một con voi chúa canh gát ngày đêm.  Chúng thay phiên hầu cận và lo lắng mọi sự cần thiết cho Đức Phật.  Chư Tăng thấy Phật không về nên mới kinh hoàng, vội lo hoà thuận cùng nhau, đồng thời chia nhau đi tìm Phật.  Khi khám phá ra Đức Phật sống trong rừng, chư Tăng mới đến sám hối để thỉnh Ngài trở về tịnh xá.  Nơi câu chuyện kia, đâu thể nói rằng Đức Phật đã bất lực, không làm cho tăng hoà hợp được mà phải bỏ đi.   Đoạn kinh trên, còn có thể tìm thấy trong quyển Đức Phật và Phật Pháp, Chương 12, Con Đường Hoằng Pháp, do ông Phạm Kim Khánh dịch.  Trong sách vở binh pháp thế gian cũng có những ghi lại những điều khôn ngoan như thế của những bậc vĩ nhân.  Năm 1991, trong chiến tranh Persian Gulf War, trước khi cho lực lượng Không Quân tấn công Iraq trong 42 ngày đêm,  2 nước đang căng thẳng như thế, mà tối đêm đó chẳng phải ông Tổng Thống nước Mỹ đi ngũ rất sớm hay sao?  Đâu ai ngờ rằng đến quá nữa đêm thì Không Quân của Mỹ đã tấn công và làm chủ vùng không phận cho đến khi thắng trận.  Nay nếu không có loạn tăng đến gần xuất “quái chiêu”, thì làm sao Ngài Quảng Độ có thể tung ra “dị thủ” ? “Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý” há không phải là thuật chiến thắng của Tôn Tử hay sao?  Tuy nhiên trong Phật pháp vô biên, tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên chính là chổ sở đắc nhiệm mầu của người đắc đạo, dụng Quyền hiển Thật cũng là cách độ sinh vậy.   Quên thân thì Đạo phát.  Bỏ ngã thì nhập Niết Bàn.  Lẽ Đạo sâu xa, ít người hiểu đặng.  Còn ai muốn dùng lời phê phán Ngài Quảng Độ, sợ e rơi vào chổ vô minh.  

Bài viết nhận định về bài viết ” Việc đáo nhiệm của HT. Quảng Độ để cho điếm nhạo” nầy có mục đích làm sáng tỏ Chánh Nghiệp của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và để mang lại sự công bằng cho Ngài, ngoài ra tác giả không có ý gì khác.  Nếu ông thấy đây là chính nghĩa xin hãy cùng tôi và toàn thể quí đạo tâm chấp tay tùy hỉ và hồi hướng công đức đến Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và toàn thể Chư Tăng cùng mọi gia đình Phật Tử trong Gíáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và tất cả chúng sanh mau thành Phật quả.  Hết.
 photo 4151f3d8-f000-4beb-a3a7-ee8079b921a4.jpg
 Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
cẩn bút
1/14/2014


No comments:

Post a Comment