Nguyễn Thị Thanh Bình - Lời cuối cho Việt Dzũng dường như là hình ảnh của một cánh Chim Lửa đã bay lên, gợi hứng cho từng cánh, từng cánh Chim Lửa khác cùng bay lên, cố sức bay lên khỏi những tro tàn đổ nát của quê hương. Bay lên và vút khỏi những đường “chân trời không có đường bay”, như một ý thơ của Trần Dần. Bay lên để thấy ước mơ ngay cả của một nhạc sĩ như Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Trúc Hồ, Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Anh Bằng, Nam Lộc, Tuấn Khanh, Đoàn Chính... đơn thuần cũng chỉ là: “Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”, như một câu nhạc trong ca khúc “Một Chút Quà Cho Quê Hương” rất cảm động của Việt Dzũng.
Giấc mơ của nhạc sĩ vốn hiền lành và dung dị biết mấy, còn ước mơ thầm kín của đa số đám đông thầm lặng trong chúng ta thì sao, khi chính ước mơ ấy cũng đang bị CSVN cầm tù, và khi chính mãi đến năm 2013 vẫn còn có những người con dân Việt bị quê hương ruồng rẫy phải chạy trốn... thanh bình qua Úc, qua Thái?
Chính nhạc sĩ tài hoa Việt Dzũng cũng đã phải cùng với bà ngoại hốt hoảng bất kể mọi rủi ro để chen mình trên một con tàu mong manh với 36 người đồng hương bé mọn khác. Dĩ nhiên chuyến làm thuyền nhân ấy của anh được cập bến an toàn ở Singapore, nhưng những ám ảnh của nửa triệu người Việt đã bỏ mình trên biển cả đã làm chúng ta không thể không theo anh để vẳng lên những nguyện cầu của “Lời Kinh Đêm”, mà Việt Dzũng đã cảm xúc: “Thuyền trôi xa.. về đâu ai biết? Thuyền có về... ghé bến tự do?”
Với cậu trai trẻ gần 17 tuổi năm ấy vượt biên đi tìm Tự Do, Việt Dzũng từ đó cũng đã ôm ấp hoài bão sống chết vì hai chữ Tự Do này, và điều đáng nói là không phải chỉ mưu cầu Tự Do cho chính nguồn sáng tác đam mê của mình mà trong nhiều nghĩa Việt Dzũng cũng đã dấn thân trong mặt trận văn hóa truyền thông để đi đến kỳ cùng hai chữ Tự Do cho đất nước thân yêu. Quả thật cái tên cúng cơm Nguyễn Ngọc Hùng Dũng đã vận vào con người, cá tính của Việt Dzũng từ thuở còn mài đũng quần ở trường trung học Tabert với giải nhất về văn nghệ.
Âm nhạc (và cả thi ca, hẳn nhiên) phải chăng là một thứ mãnh lực khiến người nghệ sĩ trí thức nhận biết mình cần phải hoàn thành, bảo vệ sự toàn vẹn của Tự Do, nếu không muốn nói là một cuộc Cách Mạng Nhung?
Việt Dzũng được ghé bến Tự Do không chỉ là một điều may mắn cho chính anh và gia đình, mà còn là một điều tối may mắn cho tất cả con dân Việt. Bởi ở anh, chúng ta bắt gặp được nguồn cảm hứng của một trái tim tị nạn luôn luôn đau đáu và không yêu nguôi về giống nòi quê cha đất tổ. Sau này hễ có dịp gặp anh, tôi luôn tìm thấy một Việt Dzũng với chiếc áo đen T-shirt mang khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Hơn thế nữa trong mắt anh dường như tôi vẫn bắt gặp những đăm chiêu, nếu tình cờ trong câu chuyện phải đụng tới những trao gởi âu lo về nhân quyền, khi quyền con người tối thượng đã bị cướp mất ở quê nhà. Dù có thể sau đó anh vẫn cười rất tươi và tếu rất đậm, như sau khi hát xong bài “Nhân Quyền Việt Nam Tôi Đâu?” thì nghe nói anh đã đùa đùa với nhạc sĩ Quốc Toản: “Bài thơ chi mà thơ dữ rứa. Thơ ơi là thơ, sinh mi ra mần chi?”
Nhân Quyền Việt Nam Tôi Đâu?
Vâng, tôi là người đã hơn một lần xin được mắc nợ ca nhạc sĩ Việt Dzũng, và ở một lần khác là bài “Hoa Hồng Việt Nam” do Việt Dzũng phổ nhạc, Trúc Hồ hòa âm, và Hoàng Anh Thư hát. Nghĩ cho cùng, không phải tất cả chúng ta đều mắc nợ Việt Dzũng một ước mơ chưa thể được cùng anh hình thành?
Nhạc phẩm Hoa Hồng Việt Nam
Ở hải ngoại, với khoảng 400 ngàn “chất xám” vẫn còn miệt mài bôn ba từ thế hệ này đến thế hệ khác, và bây giờ với sự vẫy tay chào vĩnh biệt cuộc chơi còn dài của Việt Dzũng, phải nói là một mất mát khó bù đắp.
Việt Dzũng đi rồi và cho dẫu ca khúc “Hoa Hồng Việt Nam” có là ca khúc cuối cùng được Việt Dzũng phổ nhạc và giới thiệu trong vai trò MC vốn mãnh liệt “bốc lửa”, thì điều đáng nói ở đây chính là sự mong mỏi được chúng ta cùng xây chung một giấc mơ với Việt Dzũng. Mắc nợ anh, chúng ta có bổn phận phải tiếp nối giấc mơ ấy.
Mọi lời nói khác về anh có lẽ mọi người đã thi nhau nói trong một hai hôm nay, và tôi vẫn sợ là nói lại chỉ bằng thừa. Con người hoạt động và tài năng của Việt Dzũng quá phong phú đa dạng, vì thế thật khó lòng để chúng ta có thể gói ghém trọn vẹn trong một bài viết ngắn.
Sự ra đi đột ngột của Việt Dzũng ở tuổi 55 vẫn làm tôi có cảm tưởng Việt Dzũng đã xẹt ngang vòm trời đen tối Việt Nam hệt như sao băng. Chúng ta vẫn chưa kịp trao đổi cho nhau đủ những lời nguyện cầu, và lời nguyện cầu của sao băng vẫn còn là lời nguyện cầu vụt sáng và vụt tắt, trong khi vòm trời Việt Nam thì dường như càng ngày càng ảm đạm những hoàng hôn.
Chúng ta càng ôm hôn Việt Dzũng thắm thiết, thì bọn chúng với những công cụ báo Đảng như tờ Công An Thành Phố HCM... càng tức tối ném đầy cà chua, trứng thối vào người Việt Dzũng. Thật ra “nghề” mạ lỵ, phỉ báng hay tìm cách bôi nhọ, đặt điều dối trá là “nghề của chàng” rồi; những ngón nghề nham hiểm ai mà chẳng biết.
Những bài viết, những áp đặt như thế đối với Việt Dzũng hay nhiều khuôn mặt đấu tranh dân chủ khác, thì chỉ tổ làm cho những cái mặt nạ quỷ quyệt của họ bị rớt xuống. Và càng rớt xuống thê thảm hơn, khi chúng ta đồng lòng nối tiếp hoài bão của chàng du ca “troubrador” năm xưa 1978, khi lập ban song ca cùng một người bạn học Mỹ trong trường với cái tên Firebird (Chim Lửa) nhưng lại sáng tác bản nhạc Việt đầu tiên là “Sau 3 Năm Tỵ Nạn Tại Hoa Kỳ”.
Cám ơn Việt Dzũng đã không chọn con đường sáng tác “country music” nhập vào “mainstream” của Mỹ, dù đã đoạt giải nhất tại cuộc thi Iowa Grand Old Orphy năm ấy. Có lẽ chính Việt Dzũng đã tự vẽ ra cho mình sứ mệnh của một người nghệ sĩ có lương tri là không thể im hơi lặng tiếng. Gióng lên một tiếng chuông bằng âm nhạc, bằng thi ca hay bằng chính luận văn vẻ… trước bao điều hiện thực đau xé lòng mình, tôi nghĩ Việt Dzũng cũng chỉ muốn ký kết với Sự Thật. Hệt như một Đặng Chí Hùng không khoan nhượng, hay một Phạm Chí Dũng cũng vừa thoái Đảng...
Việt Dzũng đã làm tôi thấy dân mình càng tội nghiệp, vì chính họ đang bị cầm tù mà cố vẫn cố hót lên trong những chiếc lồng giam kín đời mình. Nếu chúng ta gần một trăm triệu dân vẫn bị tắt nghẹn, khục khặc trong cổ, không thốt được lời nào thì chí ít cũng đâu thể bị bọn chúng đem nhốt chung trong một chiếc lồng đất nước là bởi một ông chủ mới là Đại Hán(g).
Cánh Chim Lửa Việt Nam một khi đã nhất định bay lên từ những hoang tàn đổ vỡ tro bụi, thì cánh chim ấy chắc chắn sẽ vươn lên, sẽ tự kiếm cho mình những đường bay ngoạn mục.
Cái ngoạn mục ở đây chính là hiệu ứng lan tỏa của sức mạnh truyền thông, ơi những cánh Chim Lửa của ASIA, của Tuyên Bố 258, của kháng thư Bãi Bỏ Nghị Định 72, và của vô số những bloggers mọc lên bất chấp tù đày, bất chấp “nồi cơm” sắp sửa bị trừng phạt treo lên bởi sắc lệnh vào đầu năm 2014...
Bất chấp hết, sẵn sàng đánh đổi hết để chỉ còn nhau và cần có nhau. Như một Việt Dzũng đã đến cuộc đời và đã bay cao thật đẹp. Có phải?
Việt Dzũng, nhạc sỹ Trúc Hồ và nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Bình
Tôi ngạc nhiên vì con tôi lớn lên ở Mỹ, học trường Mỹ, chơi với bạn bè nói rặt tiếng Mỹ, thích nhạc Mỹ và chẳng tỏ ra thiết tha cho lắm mỗi khi trong nhà mở DVD nhạc Việt Nam, thế mà sao nó cũng “worry about” cái chết của Việt Dzũng như vầy.
Tôi cay cay nơi khoé mắt và thấy trên màn hình rơi, lăn xuống những giọt nước. Rồi tiếp tục tìm, đọc những bài viết liên quan đến người nghệ sĩ đa năng đa tài nặng lòng với quê hương đồng bào thì mới té ra hèn gì (con tôi cũng quan tâm đến người vừa nằm xuống ở Cali): Ngoài cộng đồng Việt Nam, Việt Dzũng còn nổi tiếng với sinh hoạt nhạc Mỹ một thời. (http://www.haingoaiphiemdam.com/NewsContent.aspx?Id=15519). Nhưng đó là chuyện đa tài và đa công của Việt Dzũng mà báo giới hôm nay đang viết về Anh. Ở đây tôi chỉ muốn bày tỏ vài cảm nghĩ riêng tây của một ngời bình thường lâu về người vừa nằm xuống bấy lâu nay mình khâm phục và cảm mến.
Gần 40 năm rồi sau ngày thôi cuộc binh đao, đã trải qua bao cuộc biệt ly tử sinh hai bờ, nhưng trước cái chết đột ngột của Việt Dzũng hôm nay, lần đầu tiên tôi chợt sống lại cái cảm giác mỗi lần bạn đồng đội tôi ngã gục nơi chiến trường những năm xưa. Viết lên điều này, tôi không dám có ý nghĩ “thấy sang bắt quàng làm họ”, bởi lẽ trong thế đứng và việc làm của mình hiện tại, so sánh với những nỗ lực đấu tranh cho quê hương dân tộc của Việt Dzũng, tôi tự xét thấy mình không xứng đáng “ngang tầm” đồng đội với Anh.
Suốt cuộc đời lính chiến, tôi đã chịu đựng biết bao đồng đội bên cạnh gục ngã, nhưng những hụt hẫng do mất mát đã được nhanh chóng khoả lấp bởi những người lính mới bổ sung. Còn hôm nay, biết lấy ai và dễ gì có được người thay thế Việt Dzũng trong cuộc chiến đấu không bom đạn nhưng chẳng kém phần gian nan, bởi không thiếu những nhát dao đâm phía sau lưng Anh từ những người mệnh danh cùng chung chiến tuyến.
Tại sao “biết lấy ai và dễ gì có được người thay thế Việt Dzũng” thì mọi người đã có câu giải đáp qua những gì Anh đã làm suốt gần 40 năm qua và đang được các cơ quan truyền thông loan tải dồn dập với những nỗi tiếc thương Anh vô bờ.
Chính vì vậy mà viết cho Việt Dzũng vừa nằm xuống, tôi không biết làm gì hơn ngoài việc bày tỏ nỗi đau mất mát cùng lòng tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của một người con hiếu để của mẹ Việt Nam trong khi Mẹ Việt đang mong đợi hơn bao giờ những đứa con như Dzũng.
Bên sự tri ơn Việt Dzũng đã cho những người ở lại chúng tôi trong nhà tù nhỏ cũng như trong nhà tù lớn món quà tinh thần vô giá qua bài hát “Một chút quà cho quê hương”, vân vân, xin Anh tha thứ cho chúng tôi món nợ không bao giờ có thể trả. Đó là chúng tôi, những người đàn anh đã không làm tròn bổn phận bảo vệ được Tổ quốc đồng bào trong đó có cậu thiếu niên tàn tật Nguyễn Ngọc Hùng Dũng giữa Thủ đô Sai Gòn, để cậu phải bỏ quê hương ra đi với bà ngoại lênh đênh thập tử nhất sinh trên biển cả và nay thì không có ngày trở về.
Xin dâng lên đây nén hương lòng tiếc thương người em về tuổi tác nhưng là anh về công lao đóng góp cho Quê hương đồng bào sau ngày mất nước Việt Dzũng, đồng thời nguyện xin Thiên Chúa, mà Anh lúc còn sống luôn đặt niềm tin tưởng và lòng cậy trông, đưa linh hồn Giu-Se về nước Thiên Đàng.
Xin Anh, nhờ Ơn Trên, phù hộ cách riêng cho những ai còn sống đang tiếp tục con đường Anh từng đồng hành và gây nguồn cảm hứng.
Tiếc thương Việt Dzũng
Việt Dzũng lìa đời quá tiếc thương!(*)
Cảm hoài người tận tụy quê hương
Đâu đây giọng hát, đang rền rĩ!
Thảng thốt, nghẹn ngào khó tỏ tường!
Một ánh sao băng, mãi tiếc thương!
Nhớ anh yêu nước, thật kiên cường
Lòng trung phản phất, soi sông núi
Mến mộ, ngậm ngùi nguyện nén hương!
Khí phách hào hùng, luôn tiếc thương!
Tâm anh chống cộng, thật phi thường
Bàng Quyên chưa diệt, sao ly biệt?!
Tôn Tẫn kiên trung, mãi vấn vương?!(**)
Lưu luyến tài hoa, nghĩ tiếc thương!
Nhớ anh, xa xót khắp muôn phương!
Đấu tranh mạnh mẽ, đang hòa hợp
Nhiệt huyết vắng rồi, ai hỗ tương?!!!
Ngày 20-12-2013
Tên anh ngời sáng mãi
(Tiếc nhớ Nhạc sĩ Việt Dzũng)
Việt Dzũng ơi!
Tên anh ngời sáng mãi
Với cộng đồng tỵ nạn khắp năm châu!
Tin anh mất, trái đất nhuốm u sầu
Lòng dân tộc trào dâng niềm đau đớn…
Tiếng anh hát như sóng gào biển lớn
Rung động tim người
Kinh hãi cộng quân!
Mẹ Việt Nam và nòi giống tiên rồng
“Bên bờ đại dương” vẫn đợi
“Ngày con về”
Việt Dzũng “hát cho người dân oan”
“Những đứa con của mẹ”, “thắp lửa Tự Do”
Ý nhạc lời ca thành “Dòng cuồng lưu”
Xói lở thành trì của Cộng đảng!
Những khúc “Hùng ca quật khởi”
“Thắp lửa yêu thương”
Thúc giục toàn dân đứng dậy “Lên đường”
Cứu đất nước thoát vòng Bắc thuộc
Đưa dân tộc ra khỏi nguy vong...
Việt Dzũng ơi!
Anh đọc “Lời kinh đêm” “Bên đời hiu quạnh”
“Khóc ru đời trinh nữ”
và “Ca cho Nguyễn Thị Sài Gòn”
Từ “thung lũng chim bay”
Theo “dấu chân của biển”
Ky cóp, chắt chiu “Một chút quà cho quê hương”
Và ân cần nhắn gởi “Mẹ Việt Nam ơi,”
Chúng con vẫn còn đây!
“Anh vẫn còn thương”, “Những trái tim ở lại”
Những nỗi buồn trên “Quê hương và em”
Những người chết oan khiên không ai “Vuốt mặt”
Trong ngục tù cộng sản Việt Nam...
Trên hành trình ra nước ngoài lao động...
Việt Dzũng ơi!
“Lời kinh đêm như tiếng mẹ thở dài”
Tiếc thương anh số phần ngắn ngủi
Anh lìa đời ở tuổi năm lăm!
Than ôi!
Tưởng “anh mãi là mùa xuân xưa”
Ươm mầm cho quê hương hy vọng
Một ngày quang phục huy hoàng!
Có ngờ đâu,
Anh vội hát “Bản tango cuối cùng”
Để lại bao nhiêu ngậm ngùi thương nhớ.
Thành trì chống cộng hải ngoại
Mât một chiến sĩ kiên cường!
Nền ca nhạc Việt Nam
Mất một tài năng sáng tạo
Tổ quốc Việt Nam
Mất một đứa con trí dũng, nhân trung.
Thức giấc,
trời khuya,
gió lạnh...
Tôi như thấy ảnh hình Anh lồng lộng
Giữa thinh không vang vọng tiếng kinh cầu
Cả Việt Nam và hải ngoại u sầu
Thương tiếc, xót xa người nhạc sĩ
Suốt nửa đời cống hiến, đấu tranh
Cho đất nước bị công quân dày xéo
Vì quê hương dân tộc bước điêu linh!
Triệu triệu con tim đang thổn thức nhớ Anh
Các chiến hữu nguyện theo đường Anh vạch
Tranh đấu cho Dân Chủ và vẹn toàn lãnh thổ
Quê hương!
Việt Dzũng ơi,
Âm dương giờ đây đành đôi ngả
Nhưng những điều cùng tâm nguyện chẳng chia xa!
Xin cầu chúc Anh
Suối vàng yên nghỉ.
San Jose, 20-12-2013
WESTMINSTER (NV) - Nhạc sĩ Việt Dzũng vừa qua đời lúc 10:35 phút sáng, ngày 20 tháng 12, 2013, sau một cơn trụy tim, tại Fountain Valley Regional Hospital, Orange County, California.
Việt Dzũng là một người đa tài và có lòng với cộng đồng tị nạn hải ngoại. Ông là một trong những MC chính của tất cả các chương trình của Trung Tâm Asia.
Nước Việt Nam sẽ không quên anh vì những ca khúc mang đậm tính nhân văn trăn trở cùng Quê hương & Dân Tộc.
Các chiến sỹ đấu tranh cho nền Dân chủ Việt Nam ngày mai sẽ luôn nhớ những ca từ mà Anh đã viết trong các ca khúc của mình.
Trường Lasan Taberd hãnh diện có những những đứa con như Anh dù ngày nay trường đã mang một cái tên khác.
Nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Việt Dzũng tên thật Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh năm 1958 tại Sài Gòn.
Thân phụ của ông là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, và mẹ là cựu giáo sư trung học Gia Long.
Ông di tản từ năm 1975, định cư tại các tiểu bang Oklahoma, Texas và cuối cùng là California.
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do cho biết, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Dzũng nói với ông rằng, hệ miễn nhiễm của con trai bà bị yếu từ lâu.
Việt Dzũng là tác giả của nhiều ca khúc được đồng bào hải ngoại yêu mến, như “Chút Quà Cho Quê Hương,” “Lời Kinh Ðêm,” “Mời Em Về”…
Việt Dzũng dẫn chương trình trong chương trình ca nhạc "Ngọc Trong Tim" tại Little Saigon, ngày 20 tháng Năm, 2012. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Việt Dzũng là một người đa tài và có lòng với cộng đồng tị nạn hải ngoại. Ông là một trong những MC chính của tất cả các chương trình của Trung Tâm Asia.
Ông cũng là một nhà báo, là xướng ngôn viên của các đài phát thanh tại nam California, như Little Saigon Radio (1992-1996), Bolsa Radio từ 1996 đến nay.
Trong các sinh hoạt cộng đồng, ông hoạt động tích cực, đấu tranh cho các vấn đề tự do, nhân quyền cho Việt Nam. (H.G.)
Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến và cầu mong linh hồn Anh được siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.
Nước Việt Nam sẽ không quên anh vì những ca khúc mang đậm tính nhân văn trăn trở cùng Quê hương & Dân Tộc.
Các chiến sỹ đấu tranh cho nền Dân chủ Việt Nam ngày mai sẽ luôn nhớ những ca từ mà Anh đã viết trong các ca khúc của mình.
Trường Lasan Taberd hãnh diện có những những đứa con như Anh dù ngày nay trường đã mang một cái tên khác.
Thành kính phân ưu
Tiễn đưa chiến sĩ Việt Dũng!
Còn tìm đâu bóng dáng rất thân thương
Việt Dũng ơi! người Con yêu Tổ Quốc
Hình ảnh Dũng trong trái tim đau buốt
Của triệu đồng bào rưng rức nhớ thương!
Việt Dũng ơi! Sao bỏ dở con đường
Đang tiến bước trên hành trình tranh đấu
Từ thưở Dũng còn thiếu niên đã thấu
Cảnh sơn hà đang nghiêng ngả đau thương
Bao nghĩa tình Dũng trao hết Quê hương
Trái tim Dũng gửi đồng bào trong nước
Đôi nạng gỗ vẫn đồng hành nhịp bước
Dù khó khăn sao môi vẫn mỉm cười?
Những bước chân Dũng đi bốn phương trời
Tay ôm đàn cất vang lời thách thức
Đòi Tự do Nhân quyền, chống áp bức
Điểm mặt mày đảng Cộng phỉ hại dân
Chống đảng Cộng đang toan tính hiến dâng
Giải non sông Ôi gấm hoa tuyệt mỹ!
Dũng tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ
Bảo vệ quê hương tấc đất ruộng nương
Dũng ơi! Việc còn dang dở trên đường
Đi vội thế để tiếc thương bao ái ngại
Xưa Dũng hẹn về khi Xuân tươi lại
Trên Quê hương sẽ rợp lá cờ Vàng
Dũng ra đi để lại những hành trang
Trao Anh Em, trao bè bạn vai gánh
Tiếp tục bước trên con đường vắng Dũng
Mẹ nhớ Dũng cả triệu người nhớ Dũng...
Bạn bè buồn rơi dòng lệ nhớ nhung
Vĩnh biệt chia tay cách trở mịt mùng
Về Thiên Quốc nhớ cầu cho quê Mẹ
Cờ Vàng phủ, nến cũng buồn nhỏ lệ...
Tiễn đưa người chiến sĩ yêu Quê hương: Việt Dũng!
No comments:
Post a Comment