Monday, 30 December 2013

Nhận Định Vai Trò Của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ Và Của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay.

 photo 55cfc18f-bf88-420c-9928-8855beac930b.jpg
 photo PTTPGQTNews.png

Vũ Bình Minh- Khi nhắc đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất; đối với Phật tử nói riêng, người ta nghĩ đến ngay là trung tâm Phật giáo truyền thừa chân chính cốt lõi tiếp nối mấy ngàn năm trên đất nước Việt Nam; và đối với dân chúng nói chung, người ta nghĩ đó là một cơ sở Phật giáo luôn gắn chặt vận mệnh của mình với thịnh suy nguy biến của tổ quốc vì lý do đơn giản là, trước đây, trong từng thời đại vua chúa, đã có rất nhiều Thiền sư Phật giáo góp công không ít trong sứ mệnh chống ngoại xâm giữ vững xã tắc sơn hà. Và bây giờ trong hiện tại, chính đức Tăng thống lãnh đạo Giáo hội PGVNTN đã bao lần ra tuyên cáo cảnh báo về nguy cơ mất nước, kêu gọi toàn dân đứng lên chống đảng cướp, giặc Tàu để bảo vệ gấm vóc giang sơn.
Vì vậy, khi nghe đến đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ của GHPGVNTN ra Cáo bạch từ nhiệm chức vụ Tăng thống ngày 30.8.2013, thì ngay lấp tức một chấn động dấy lên như ngọn sóng triều của hàng triệu tín đồ Phật giáo, các hội đoàn, đoàn thể, cơ quan truyền thông báo chí bởi sự ngỡ ngàng, thương tiếc, lo âu, thất vọng… đã dẫn đến một cao trào vận động lấy chữ ký, thỉnh nguyện thư ào ạt liên tục gửi về quốc nội qua cơ quan Thông tin Phật giáo Quốc tế ở Paris, Pháp quốc đến một con số toàn triệt chẳng nào ngờ nổi chỉ trong vòng hai ngày.
 photo 37ec9341-f085-4972-8db2-01559e6f1ad2.jpg
 
Trước hết, từ sự việc từ nhiệm chức vụ Tăng thống, một chức vụ cao nhất về Tâm linh và Đạo hạnh trong Phật giáo, của Ngài đương kim Đệ ngũ Thích Quảng Độ mở cho chúng ta thấy rõ hai sự việc:
Thứ nhất, chứng minh rằng tất cả những hành hoạt trong đời Ngài từ trước tới nay hoàn toàn không phải là để đoái hoài chức vụ Tăng Thống, mà chỉ vì một chủ đích thiết yếu là cho Đạo, cho dân, cho quê hương đất nước. Khi Ngài thấy được nội ma tăng trưởng, sức trợ lực đồng đạo yếu dần, cảm thấy không còn sức thế để tiếp tục con đường cứu nguy Giáo hội, cứu lấy toàn dân, thì chức vụ “Tăng Thống” cao tựa như đỉnh Hy Mã Lạp sơn, vậy mà Ngài bây giờ cũng coi như chiếc cà-sa rách chẳng thích lưu luyến. Hạnh nguyện cao đẹp này của Ngài, lẽ ra Phật tử chúng ta đã phải nhận thức được từ lâu, nhưng vì đam mê dục vọng như một màng vô minh che lấp, nên chưa được ngộ nhập; nay như một tia bình minh lóe chiếu cõi tâm thức, vậy hãy xin nguyện lấy đó làm gương để dấn thân cho Giáo hội PGVNTN, cho Đạo pháp và Dân tộc, bất cần chức tước cấp bậc, bất cần tư lợi bản thân.
Thứ hai, chúng ta thấy rõ được rằng, Thanh tịnh hóa chư Tăng và Trang nghiêm hóa Giáo hội là hoài bão của Ngài luôn canh cánh bên lòng. Và, đó như là một nền tảng tuyệt đối trong công việc hộ Pháp, cứu quốc, độ sanh ngay thời đại trùng trùng nguy nan ách hiểm của Giáo hội hiện nay.
Một đấng Bồ tát với đạo tâm lẫn hạnh nguyện tràn trề như thế. May mà chúng ta bị mất, Giáo hội PGVNTN bị mồ côi. Nhưng trong họa có may, trong những giọt lệ tang thương của lớp người tuyệt vọng nhỏ xuống vô tình đã tưới cho một cây cỏ dại bị cháy khô bởi nắng hạ bên đường được đâm rễ hồi sinh trở lại.
 
Tôi tin chắc Ngài đã nghĩ: Ở Tây Tạng, dân chúng đã quá khổ sở dưới ách thống trị của Trung Cộng trong bao nhiêu thế kỷ. Chính vậy mà đức Dạt Lai Lạt Ma đã phải hóa thân làm dân Tây Tạng để cứu độ dân mình tuy đã biết cõi nhân sinh lắm bao oan nghiệt.
Nay ở Việt Nam, ách thống trị của Đảng Cọng sản Việt Nam đè trên đầu cổ nhân dân càng tàn bạo, hung hiểm trăm lần hơn người dân Tây Tạng chịu đựng. Bên cạnh đó, nạn non sông, đất nước, biển đảo mất dần; nguy cơ Giáo hội bị tiêu diệt chỉ trong khoảnh khắc; Do vậy mà chư Phật mười phương đã linh ứng ủy thác Ngài hóa thân làm dân Việt Nam trong kiếp này để dìu dắt cứu độ tai ách cho dân chúng và cho nét chính thống uy nghiêm trong Giáo hội được tiếp nối truyền thừa, không bị ngắt đoạn. Tất cả chúng sinh Phật tử đều đang hướng đến Ngài, tin tưởng nơi Ngài, đi theo Ngài trong mọi tình huống nghịch cảnh để cùng nhau làm tròn trách nhiệm của một Phật tử trong sứ mệnh bảo vệ Quốc gia, Dân tộc và Đạo pháp. Bằng chứng với hàng trăm Thỉnh nguyện thư dâng lên tới tấp, cộng với chư Tôn đức đến đảnh lễ sám hối thỉnh cầu, thì không lý nào Ngài bỏ chúng ta bơ vơ giữa cảnh bão táp phong ba?
 
Ví như một vị tướng thống lãnh toàn binh quyết tấn công chiếm thành địch cho bằng được, nhưng trên đường tấn binh giao chiến cùng địch đến hồi quyết liệt, không may có một ngọn gió mạnh thổi ngược chiều làm cho quân mình bị yếu thế và có thể bị giết toàn bộ, vị tướng đó bắt buộc phải rút quân ẩn núp để tránh thiệt hại cho phe mình. Đó là vị tướng anh minh.
 
Một người cha có một đàn con thường hay ra ngoài trộm cướp, phá phách phiền hà dân bảng, khiến cho người cha đau buồn định tự tử hoặc bỏ nhà ra đi. Bỗng đâu cả đàn con quỳ lạy van lơn khóc lóc và thề thốt không còn tái phạm lỗi lầm. Người cha liền bỏ đi ý định xa nhà hoặc tự tử. Đó là người cha có lương tâm không chấp trách tội lỗi và tôn trọng sự sám hối.
 
Cũng vậy, Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ, tuy cương quyết nhưng không mặc cảm, độc đoán. Bởi vì ở trong Ngài vốn có đầy đủ đức tính từ bi, nghiêm trang; chứa đựng tâm huyết hy sinh cho ba lĩnh yếu: Quốc gia – Dân tộc – Đạo pháp; mang tâm nguyện dang dở chưa thành, nên Ngài đã bước vào lại con thuyền Giáo hội để dìu dắt Phật giáo đồ.
 
Chỉ có Ngài mới có khả năng lãnh đạo Giáo hội trong thời buổi tai ách hiện tại đương đầu để sống còn với chế độ Cộng sản. Bởi vì thân thế của Ngài hiện có ảnh hưởng rất lớn đối với quốc tế, đã được hàng trăm nhân sĩ mọi nơi trên thế giới đề đạt ứng cử viên Giải Nobel Hòa bình, nên một lời lên tiếng của Ngài đáng được liên châu quốc hội quan tâm. Cho nên Ngài đương kim Đệ ngũ Tăng thống Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ không thể thiếu vắng trên con đường hướng dẫn tranh đấu phục hoạt GHPGVNTN và cứu vãng tình thế nguy cơ mất nước Việt Nam hiện nay.
II) Vai Trò của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế:
 
Vậy thì ai đạo đạt lời than tiếng khóc trong tình trạng đọa đày của Giáo hội do ngài Quảng Độ gióng lên từ tù ngục Việt Nam để thế giới năm châu biết mà can thiệp? Đó là phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế do Giáo sư Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan điều hành!
Nói xa chẳng qua nói gần: Cơn chấn động như sóng trùng dương nổi lên của đồng bào và Phật tử hải ngoại gồm có hàng trăm cú điện thoại, hàng ngàn bức thư, hàng chục đài phóng thanh liên tục cho cuộc vận động thỉnh cầu đức Tăng thống tại chức, đã thấu đến quý chư tôn đức, quý giới, qúy nhân sĩ, quý cơ quan và hầu như toàn thể Phật tử, nội chỉ trong hai ngày đã giải quyết và chẩn đốn xong sự việc. Tất cả đều do chính Phòng TTPGQT đã thực hiện nhiệm vụ truyền tin này. Nếu không có Phòng TTPGQT, thì sự việc đức Tăng thống quyết định từ nhiệm phải cần bao nhiêu tháng mới đến tai Phật tử, phải đến bao nhiêu lâu nữa người ta mới hiểu được tình hình náo động trong Giáo hội, rồi phải đến bao nhiêu lâu nữa những thỉnh nguyện thư mới đến tay đức Tăng thống, và phải thêm bao nhiêu lâu nữa quý chư Tôn đức Tăng Ni trong nước mới rõ được sự khủng hoảng nguy ngập này từ dư luận bên ngoài để cùng nhau đến đảnh lễ sám hối mời Ngài trở lại lãnh đạo Giáo hội? Chúng ta hãy thử nghĩ xem.
 
Vai trò của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế chẳng những rất quan trọng đối với Giáo hội PGVNTN, mà còn đối với các chính giới và tôn giáo khác, rất bổ ích cho công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền cho toàn dân. Chúng ta thường hay lãng quên công lao quá khứ, nên thường mang đốt sự tin yêu trong quá khứ rồi tư thù hóa ở hiện tại mỗi khi có sự xích mích xảy ra dù sự việc nhỏ như con kiến. Ơn nghĩa to như núi nhưng không thấy vì xa quá (quá khứ), mà chi thấy chút ân nghĩa tựa đầu đũa trước mắt thôi (hiện tại). Ví như cha mẹ cho mình thân mạng và đời sống nhưng chẳng bao giờ ghi nhắc, đến khi trưởng thành ra đời gặp bạn bè, họ chỉ cho một manh áo thôi đã liên tục cảm ơn rối rít thề sống chết bên nhau, bởi vì công ơn trong quá khứ đã bị lãng quên đánh mất. Đề cao, ca ngợi sự thành công và hữu hiệu của phòng TTPGQT do Gs Ái điều hành, đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang đã ghi lại trong Bản Tự Thuật của Ngài về các Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam từ năm 1945 dến 1998, được đăng trong cuốn Một Đời Vì Đạo, như sau:
 
Trích từ dòng thứ 12, trang 78: “…Vụ án xét xử một chiều, vì chỉ có quan tòa lên án, bị can không được phát biểu. Ngoài thầy Quảng Độ, còn có các thầy Không Tánh, Nhật Ban, Trí Lực, hai cư sĩ Đồng Ngọc và Nhật Thường. Mỗi người lãnh án từ 2 đến 5 năm tù.
Các vị lãnh án 2 năm ra trước nhưng vẫn tiếp tục bị quản chế tại gia như trường hợp Trí Lực, Đồng Ngọc, Nhật Thường. Hai vị Không Tánh và Nhật Ban bị giam tại trại Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Nhờ Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam của Đạo hữu Võ Văn Ái vận động tại Liên Hiệp Quốc, nên phái đoàn LHQ điều tra đàn áp tôn giáo đã được gửi đến Việt Nam. Phái đoàn này do Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm về Bất bao dung tôn giáo, Giáo sư Abdelfattah Amor, có đến gặp thầy Không Tánh ở trại Xuân Lộc. Nhưng cuộc gặp gỡ bị quản giáo xen lấn không được phát biểu tự do, nên phái đoàn LHQ bỏ dở nửa chừng vì không đúng theo quy tắc điều tra của LHQ. Do đạo hữu Ái sắp đặt trước, Giáo sư  Abdelfattah Amor ngỏ ý muốn gặp tôi ở Quảng Ngãi…”
 
Trích từ dòng thứ 7, trang 84:“…Tại sao tôi cứ bị bỏ tù vô thời hạn? Không ân xá? Không giảm chế gì cả? Thật là áp bức hết chỗ kêu!!! Tuy nhiên qua Radio hằng ngày tôi được biết Ủy hội Nhân quyền LHQ sau nhiền năm nghiên cứu hồ sơ, nhờ cuộc vận động kiên trì của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền ở Pháp của Giáo sư Võ Văn Ái, đã gửi phái đoàn điều tra đi Việt Nam với sự chấp thuận của nhà nước Việt Nam. Phái đoàn này do Giáo sư Abdelfattah Amor cầm đầu, ông là Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm về Bất Bao dung tôn giáo, đến Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 28.10.1998. Kết thúc cuộc điều tra, phái đoàn LHQ làm bản phúc trình đọc tại khóa họp nhân quyền LHQ tại Genève, nước Thụy Sĩ, tháng 3 năm 1999…
 
Trích từ dòng thứ 14, trang 86:“Năm 1977, bắt tôi và Quảng Độ cùng 5 vị tu sĩ khác giam hai năm.Nhờ dư luận quốc tế phản đối, đặc biệt có hai bà người Ái Nhĩ Lan đoạt Giải Nobel Hòa bình đề cử tôi và thầy Quảng Độ làm ứng viên Giải Nobel năm đó, nên nhà cầm quyền cũng gờm. Vì vậy mới có phiên tòa chiếu lệ cho qua, người trắng án, người tù treo, người 3 đến 7 năm tù.”
 
Trích điều 10, cuối trang 91: “…Căn cứ vào cơ sở Phật giáo Việt Nam đầu tiên ở hải ngoại do đạo hữu Nguyên Thái Võ Văn Ái thiết lập lần đầu tiên tại Pháp giữa năm 1963, và được Viện Hóa Đạo ra Quyết định công nhận đầu năm 1964, nay phát triển thành cơ sở Giáo hội tại hải ngoại. Cơ sở Trung ương đặt tại Paris, Pháp quốc, với 7 Chi bộ ở Anh, Ấn Độ, Đức, Cam Bốt, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan.”
 
Trích điều 18, đầu trang 93: “…GHPGVNTN Hải ngoại tại các châu trên thế giới đã vận động quốc tế ủng hộ phong trào đòi phục quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN nơi quê nhà. Cuộc vận động này đã được hưởng ứng nồng nhiệt đặc biệt từ năm 1992 đến nay (1998), từ diễn đàn LHQ đến các tôn giáo bạn, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ tự do, dân chủ, các cường quốc, các quốc hội, các công đoàn, v.v… Đức Dalai Lama cũng đã lên tiếng ủng hộ GHPGVNTN. Mặt khác, các hãng thông tấn, báo chí và đài quốc tế đã phổ biến tin tức kịp thời và chính xác của giáo hội trong nước. Nhiều bài bình luận vô tư nhưng có lợi cho cuộc đấu tranh của Giáo hội.Trong công tác vận động quốc tế này, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam của đạo hữu Võ Văn Ái và Phòng thông tin Phật giáo quốc tế có công rất lớn.”
 
Trích đoạn 3 trang 94: “…Nhân đây, tôi xin lên tiếng tri ân gởi tới các tổ chức nhân quyền quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các chính phủ và các cường quốc Âu Mỹ, các nhân sĩ tên tuổi quốc tế đã không ngừng đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế can thiệp và gây áp lực kịp thời với nhà cầm quyền Việt Nam hủy bỏ án tử hình, trả tự do cho tù nhân tôn giáo, tù nhân chính trị, cũng như bênh vực cho Giáo hội chúng tôi mỗi khi Giáo hội lâm nạn. Tôi cảm ơn những sự lên tiếng liên tục mấy chục năm qua cho hoàn cảnh riêng của tôi và thầy Quảng Độ.”
- Và khi nhận định về GH Quốc doanh, ngài Đệ tứ Tăng thống viết: “Giáo hội nhà nước ngày nay còn thua kém Giáo hội Tăng già thời 1930. Tăng già lúc đó có tổ chức, có chọn lọc. Thành phần Tăng sĩ của Giáo hội Nhà nước ngày nay đa phần là các vị có thê noa, giới luật không tu trì, đạo hạnh suy thoái, văn hóa không có, kiến thức nông cạn, lại kiêu căng, vị kỷ. Tệ nạn cửa quyền, tham nhũng, bê tha trong các cấp Giáo hội Nhà nước cũng giống hệt như các cấp trong chính quyền hiện tại…” – Trích đoạn cuối trang 96.
 
Thật vậy, đọc Hành trang  của Đức Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu, đọc Một Đời vì Đạo vì Dân Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang, đọc Thơ Tù của Ngài Quảng Độ, đọc hàng đống tạp chí, tài liệu tôn vinh Chư tôn Giáo phẩm, xiển dương lập trường lẫn chính nghĩa của GHPGVNTN, đọc gần chục ngàn bản thông cáo báo chí liên tục tranh đấu cho sự tự do của quý Ngài và các chiến sĩ đang bị quản chế cầm tù trong nước, cho sự phục hoạt của GHPGVNTN, cho chủ quyền của đất nước trước hiểm họa xâm lăng giặc Tàu, tất cả được đánh đi từ phòng TTPGQT và Quê Mẹ, chúng ta ai mà không thấy công lao quảng đại, sự hy sinh to lớn, sức vận động thiết thực trên chính trường quốc tế của Gs Ái và Ns Ỷ Lan? Cũng như nhận định của đức cố Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang, không những chúng ta người dân Việt mà tất cả các chính giới dân biểu, nghị sĩ, đảng phái khắp nơi trên thế giới đều phải công nhận thành tích hoạt động của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế và cơ sở Quê Mẹ về mặt dân chủ, nhân quyền.
Và, chưa có một tài liệu nào phát xuất từ phòng TTPGQT mang tính chất nguy hại cho Giáo hội, Phật giáo, dân tộc hoặc quốc gia cả.
 
III) Sự tồn tại của thế lực vô minh gây chia rẽ tôn giáo và Giáo hội:
Vậy mà nhóm Bảo Quốc Kiếm – Phạm Hoàng Vương luôn láo lường dư luận để vu khống cáo buộc Giáo sư Võ Văn Ái là con chiên đạo Thiên Chúa, liên tiếp phương này cách khác triệt hạ tống cổ Giáo sư Ái cho bằng được, đánh nát phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vốn là một cơ sở không thể thiếu được của Viện Hóa Đạo.
 
Họ chẳng ý thức được điều này: Đánh phá phòng TTPGQT, triệt thoái Gs Võ Văn Ái và Ns Ỷ Lan nghĩa là họ đã đánh đổ, khinh khi, bài bác và phủ nhận giá trị nhận định về Gs Võ Văn Ái của đức cố Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và đức đương kim Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ. Không những vậy, họ còn cố sức tạo hiềm khích một cách trầm trọng bất khả dĩ hòa giữa các tôn giáo, cô lập Phật giáo trong lòng dân tộc, khiến cho Giáo hội mất hết sự ủng hộ từ mọi tầng lớp quần chúng và từ tôn giáo bạn. Cộng thêm sự việc quá sức đau đớn phũ phàng, là một mặt cố sức triệt tiêu cơ quan Phát ngôn của lưỡng viện, mặt khác rêu rao việc họ trung kiên ủng hộ Giáo hội.
 
Kế nữa, trong những điện thư, các ông ấy liên tục kết án Gs Ái “đã phá vỡ tinh thần Lục-Hòa” và họ tuyên bố chỉ “ủng-hộ GHPGVNTN KHÔNG VÕ-VĂN-ÁI mà thôi”. Họ hời hợt quá. Xin hãy nhìn lại: Từ trước đến nay, chỉ thấy Phạm Hoàng Vương & Bảo Quốc Kiếm tung ra mấy ngàn lần lặp đi lặp lại mấy trăm bài viết đầy tính hận thù, đánh phá, nhục mạ, vu khống, tố cáo với lý luận cùi, sử dụng ngôn từ tục tằn nhằm triệt hạ Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, chia bè kết đảng; đâm thọc người này kẻ khác, thậm chí chư Tôn đức trong Giáo hội như quý ngài Thích Huyền Việt v.v. họ cũng chẳng tha. Đối với các đạo khác như Thiên Chúa giáo, họ lại nhân danh Phật tử rồi mạt sát, bôi nhọ vị Giáo chủ của người ta,tạo hiềm khích oán thù giữa hai tôn giáo. Những hành động này chính họ đã gây ra mà họ chẳng nhận thấy chính họ đang phá vỡ Lục-Hòa trong đời lẫn đạo. Ngược lại, về trường hợp của Giáo sư Ái, ngay cả một bài viết chỉ để lên tiếng biện minh cho sự vu oan giá họa về mình, chúng tôi cũng chẳng thấy bài nào của Giáo sư trên diễn đàn cả. Nghĩa là Giáo sư Ái hoàn toàn im lặng. Vậy mà họ ngang nhiên bảo GS Võ Văn Ái “đã phá vỡ tinh thần Lục-Hòa”? Chính họ đang tâm phá vỡ Lục-Hòa, lại còn tố hô người khác phá vỡ Lục-Hòa!
 
Đọc, nghe những bài viết của Phạm Hoàng Vương và Bảo Quốc Kiếm cùng phe cánh của họ, dù muốn dù không độc giả cũng phải liên tưởng đến sự phản quốc, phản đạo, phản giáo hội của những người này. Đây là lý do chính mà mọi người tỏ thái độ khinh thường họ, xa lánh họ, và xa lánh luôn Sư phụ của họ khi chính miệng họ càng rêu rao rằng họ là những đệ tử bất kham, trung thành với Sư phụ. Nếu họ có suy nghĩ, còn lương tâm, thì cục diện đã không như ngày hôm nay.
 
Hơn nữa, người trí thức, đạo đức chẳng bao giờ dùngvăn chương để chửi bới nhau như hàng tôm cá chợ trời trên net. Thế nhưng, càng ngày, những mẫu mực sử dụng ngôn ngữ của các ông Bảo Quốc Kiếm, Phạm Hoàng Vương và những bạn bè của họ đi ra ngoài khuôn phép lễ giáo và mức giới hạn văn chương qua những câu chửi rủa bằng tiếng rất tục, sở trường sử dụng cách “nói lái” tục tĩu vô ngần. Gần đây, tôi có lướt qua một bài viết của Bảo Quốc Kiếm, trong đoạn cuối thư, ông ấy đã dằn mặt với câu: “Muốn chửi tui chửi cho nghe”. Thật đáng buồn làm sao khi trong nước nét đẹp văn hóa Việt Nam đang bị Cộng sản hủy hoại; thì ở ngoài nước có kẻ muốn xiển dương cái kém cỏi tệ hại, lồng những tiếng tục, thóa mạ, chửi rủa vào văn chương!
 
Chúng tôi không hiểu sao các ông ấy quá hăng say bút chiến như vậy? Ngòi bút dụng để giúp cho Giáo hội đang trong cơn nghiệt ngã, lãnh thổ lãnh hải đang trên đà mất trụi, dân tộc đang trong cơn đọa đày, thì quí hóa biết bao! Sao các ông ấy trút hết hận thù trên đầu bút để một cách say cuồng đổ lên cho người thân, cho người bạn, cho những con người đáng phục vì suốt đời chỉ lo cho thời cuộc Giáo hội và đất nước?
 
Trên cánh đồng cỏ, chỉ cần con người giẵm lên vài ba lần đã làm cho đám cỏ vốn vô tri vẫn không ngóc đầu sống nổi, héo úa để tạo thành một rãnh đường đi. Huống hồ các ông này liên tục đưa lên net toàn cầu đánh phá Gs Ái và Ns Ỷ Lan cả hàng trăm bài uế tục. Thử hỏi ai chịu nổi?
 
Gs Võ Văn Ái không bao giờ bị bỏ rơi cả bởi vì những nỗ lực tranh đấu cho Tự do Tôn giáo, Dân chủ và Nhân quyền, Gs Ái chẳng thiên vị cho riêng ai. Gs Ái không những tranh đấu cho Phật giáo, mà còn cho Thiên Chúa Giáo, Cao đài, Hòa Hảo, và dĩ nhiên là cho tất cả những mọi người không phân biệt tôn giáo đảng phái bị Cộng sản áp bức, quản chế hoặc giam cầm trong tù ngục. Thì không có ai không ủng hộ Gs Ái. Chính các ông Bảo Quốc Kiếm và Phạm Hoàng Vương đã thất bại từ điểm yếu kém trong sự nhận thức này. Nên các ông ấy càng lập thù nghịch, các ông ấy càng đẩy chính mình và những người cùng nhóm vào vị thế cô đơn, dẫn đến kết quả đau thương, tan tác.
 
Chúng tôi mới nghe được gần đây, bảo rằng Sư phụ các ông ấy đã đồng tình trong sứ mạng phá vỡ phòng TTPGQT. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước tin này, với lý do là tại sao Sư phụ mình là vị lãnh đạo tối cáo trong Giáo hội, trong lúc đó đám đệ tử cố triệt hạ cơ quan phát ngôn chính thức của Giáo hội mà sư phụ dám để yên?
 
Nếu đúng như dư luận, Phạm Hoàng Vương và Bảo Quốc Kiếm đã nên một mực can gián Sư phụ mình mới phải lẽ. Sao lại dồn dập hàng trăm bài viết tập kích tan tành phòng TTPGQT, Gs Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan tràn lan trên khắp mọi diễn đàn? Lý lẽ “Người nhà đóng cửa dạy nhau” ở chỗ nào?
IV) Tương lai Giáo hội:
 
Tràn lan trên net (chỉ cần vào http://www.yahoo.com/ để search sẽ thấy tràn giang đại hải) những bài viết, những đoạn phim thâu, những đoạn âm thâu phỏng vấn, biện minh, đối chất, bôi nhọ v.v. của tư nhân, hội đoàn, cơ quan truyền thông báo chí dồn dập phanh phui giữa công cộng trong mấy ngày qua kể từ vụ Cáo bạch đưa ra. Vậy thì tương lai của Giáo hội sẽ như thế nào, ai hay biết được? Chỉ còn tùy thuộc vào ý thức của từng cá nhân, sự thống nhất lãnh đạo của chư Tăng, Ni trong Giáo hội như thế nào đó để sự việc tương tự không còn xảy ra nữa. Duy chỉ có một điều đáng để lưu tâm là Vai trò lãnh đạo của đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ và sự hiện diện của phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế do Gs Võ Văn Ái điều hành là không thể thiếu được hiện nay trên lãnh vực tranh đấu giành quyền phục hoạt cho Giáo hội. Bởi vì, như đã đề cập ở trên, đức Tăng thống có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi tầng lớp nhân dân tại quốc nội và cũng là một biểu tượng tranh đấu cho hòa bình được toàn cầu biết đến. Đồng thời, Gs Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan là hai nhân vật đã trừng trải bao năm, có kinh nghiệm dồi dào, trong việc tiếp sức với quốc nội để vận động chính giới năm châu Âu-Á-Úc-Mỹ-Phi can thiệp nội tình Việt Nam vốn khó người sánh kịp. Đảng CSVN từ lâu đã muốn phế bỏ ngài Quảng Độ và triệt hạ Gs Ái. Trang web của Thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng đã kết án “Võ Văn Ái là tội đồ dân tộc” như là một cách thức giăng trương hình ảnh “kẻ thù Võ Văn Ái cần phải tiêu diệt” trước quần chúng nhân nhân.
 
Không thể tìm ra những câu tương tự trên các trang web của các quốc gia thế giới, nhưng trang web của một Thủ tướng nước Việt Nam đã ghi rõ như vậy, đủ để cho chúng ta thấy cái gì, biết cái gì rồi.
Do đó, đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ, Gs Võ Văn Ái, Ns Ỷ Lan không thể thiếu được trong vai trò đấu tranh của Giáo hội. Hơn nữa, tính liên kết giữa Giáo hội và phòng TTPGQT phải được chặc chẽ. Đồng thời, tinh thần Lục hòa Đoàn kết giữa chư Tăng Ni trong Giáo hội phải được bảo trì, thì ngày phục hoạt Giáo hội sẽ có khả quan.
Đã biết rõ và sẽ biết rằng những mũi dùi của kẻ phá đạo, phá đời, phân hóa hàng ngũ Giáo hội không bao giờ ngừng chĩa cả. Quý ngài và quý vị Phật tử hãy xem đó như gió thoảng bên tai, như tiếng côn trùng cố đánh thức giấc ngon của người dân hôm qua làm lụng vất vã. Hãy Don’t care! Cứ xem như vô ngại! Một lòng phục vụ cho Quốc gia và Đạo pháp là niềm vui trong đời. Kết quả mỹ mãn tất sẽ thành đạt.
 
Vũ Bình Minh.

No comments:

Post a Comment