Sunday, 6 January 2019

(Huệ Lộc) Những Nhận Xét về Bản Thông Bạch Số 40 VHĐ



I. Luân Lý Con Người
            Trong Cổ Học Tinh Hoa có một câu chuyện về tình đời gọi là “Kẻ bất chính”. 
            Nước Sở có một người có hai người vợ.  Vợ cả và vợ lẽ, cả hai cùng xinh đẹp.  Một hôm anh láng giềng ghẹo người vợ cả. Người vợ cả giận và mắng thậm tệ.  Anh láng giềng lại quay sang ghẹo người vợ lẽ.  Cô vợ lẽ bằng lòng và từ đó thường đi lại với người láng giềng ấy.
            Không bao lâu người chồng có hai vợ ấy qua đời.  Anh láng giềng mới cho người đến dạm hỏi người vợ cả về làm vợ. 
            Có người thấy vậy mới hỏi rằng:
            - Người vợ cả trước kia đã mắng chưởi anh, sao bây giờ anh lại định lấy cô ta làm vợ?
            Anh láng giềng mới đáp:
            - Lúc người ta còn là vợ người,  thì mình thích kẻ tư tình với mình; lúc người ta đã là vợ mình, thì mình thích kẻ không tư tình với ai. Kẻ trước kia đã tư tình với tôi, thì rồi, nó cũng tư tình được với thiên hạ, ai cũng có thể là chồng nó.
            Thế mới hay con người bất chánh, bội phản dù có đi làm tôi tớ cho người ta, dù người ta có bằng lòng đến đâu đi nữa, nhưng người ta vẫn rẻ rúng khinh bỉ.  Người ta sẽ lợi dụng những kẻ bất chính đó đến chổ chết mà họ cũng không lòng thương tiếc.  Còn ngược lại những người có tấm lòng trung trinh, dẫu có sa cơ thất thế nghèo hèn cũng được mọi người kính trọng như bậc anh hùng quân tử.
            Ở đời những kẻ đổi lòng như người vợ lẽ nói trong câu chuyện trên, trong GHPGVNTN  những người như thế vốn không ít.  Tuy họ nói rất thương Đức Tăng Thống nhưng họ chuyên môn làm việc đối nghịch lại ý muốn của Ngài, thậm chí họ còn gán đặt những loại bệnh tình như hư não bộ, mất trí nhớ….cho Ngài trong khi Ngài còn rất sáng suốt và tỉnh táo.  Ngoài ra họ còn không tuân theo các Quyết Định, Giáo Chỉ cũng như Bản Tu Chính Hiến Chương thậm chí còn cho là Hiến Chương không có thật, trong khi Đức tăng Thống còn sống mạnh khoẻ sờ sờ đó. Thì thử hỏi sự bất kính của họ đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Đức Tăng Thống như thế nào!  Đã bất chính thì thường hay bất lương, tự dối mình rồi dối người, kẻ bất chính có thể làm tất cả mọi chuyện ác mà không còn kiêng sợ những kết quả khổ đau trong tương lai, miệng họ nói điều hiền lành tôn kính với Đức Tăng Thống mà trong lòng mong muốn hành hạ đuổi xua, thì đó là loại ác nhân.  Cổ nhân thường nói :”Ác mà giả bộ thiện, chính là Đại ác.”
            Ngày xưa có một vị đệ tử của Ngài Khổng Phu Tử ông Mẫn Tử Khiên.  Lúc nhỏ ông Mẫn Tử Khiên sống với bà kế mẫu vì mẹ ông chết sớm.  Bà kế mẫu có hai người con riêng. Cha ông vì bận việc quan nên phải vắng mặt ở nhà.  Bà kế mẫu chỉ thương hai đứa con riêng nên đối xử rất tàn nhẫn với ông.  Con riêng của bà thì được đi học, còn  thầy Mẫn Tử Khiên phải một mình vào rừng hái củi từ sáng sớm đến chiều mới trở về, nếu không vừa ý thì bị đánh đập không tiếc thương.  Mỗi khi cha ông về thăm nhà thấy mình mẩy ông có vết đánh bầm đau đớn, mới hỏi bà kế mẩu.  Bà kế mẫu mới nói xấu rằng ông Mẫn Tử Khiên là đứa con hư đốn, lười biếng, không nghe lời dạy bảo nên bà ta mới đánh để dạy dỗ,  gọi là “Thương cho roi cho vọt, ghét nói ngọt nói bùi.” Bà kế mẫu tuy miệng nói thương yêu ông Mẫn Tử Khiên, nhưng trong lòng thì chẳng mến chẳng thương.    Người cha nghe nói, vội kêu ông Mẫn Tử Khiên ra trách mắng thậm tệ.  Đã nhiều lần xảy ra như thế trong thời gian ông Mẫn Tử Khiên sống chung vớí bà kế mẫu.  Một hôm vào mùa đông rất lạnh, người kế mẫu bấy giờ chỉ cho ông mặc áo bằng cây bông lau.  Chiếc áo cây bông lau vốn chỉ che nắng, nhưng không thể che lạnh cho thân thể, ông vẫn sớm mai ra đi hái củi tận tối mới về.  Khi ông mang gánh củi về tới cửa nhà thì không còn sức nên té nằm trên đất.  Người cha từ trong nhà chạy ra đỡ ông dậy định trách mắng nhưng khi đụng vào áo cây bông lau thì chiếc áo rách toạc ra từng mảnh, những cọng lau tuôn ra đầy.  Người cha liền hiểu và ôm ông Mẫn Tử Khiên khóc và nói:
            - Ta đã lầm kế mẫu của con.  Thôi từ nay ta sẽ đuổi bà này ra khỏi nhà.
Ông Mẫn Tử Khiên bây giờ mới can cha và nói:
            - Xin cha thương lấy mẹ, mẹ còn ở lại thì chỉ một mình con chịu rét mà thôi, nếu mẹ ra đi thời té ra ba anh em chúng con thảy không mẹ cả, đơn khổ biết chừng nào! 
            Người cha nghe lời này cảm động vô cùng, không đuổi bà kế mẫu.  Khi trở về nhà mới đem câu chuyện đối thoại giữa hai cha con mà thuật lại cho bà kế mẫu nghe.  Sau khi nghe xong câu chuyện, bà kế mẫu hồi tâm hối hận trở nên từ mẫu, từ đó thương mến ông Mẫn Tử Khiên như là con ruột của chính mình.
            Xem việc này thời biết đức hiếu của thầy Mẫn Tử Khiên chẳng phải hiếu để mà thôi, xử vào nghịch cảnh gia đình gay go khốn khổ đến như thế, lấy thân một người con bé nhỏ mà chu toàn cả ba mặt.  Chỉ một câu nói mà cha nên cha nghĩa, mẹ nên mẹ từ, hai em cũng khỏi khổ vì mất mẹ.  Thầy thiệt là người có nhiệt thành, có thiên tính, có sức nhẫn nại, có trí khôn ứng biến, lâm cơ. Lấy chữ hiếu nghĩa mà suy ra thời ngày sau làm việc xã hội, việc quốc gia cũng chẳng khó gì. “ (Khổng Học Đăng, Sào Nam Phan Bội Châu soạn 1929, trang 157)
            Thưa các Phật Tử quan tâm, những kẻ ác tâm cũng thế, miệng thì nói thương Đức Tăng Thống, khâm tuân Ngài, nhưng luôn luôn làm điều phản ngược với tâm nguyện của Ngài, phá hoại lại Giáo Hội của Ngài thì có khác gì lòng bà kế mẫu độc ác đối với con chồng, luôn luôn thuộc lòng ngoài miệng câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét nói ngọt nói bùi” nhưng trong lòng đã chực sẵn búa rìu để phang để chém.  Như thế có phải là tư cách của kẻ tiếp tục lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo tinh thần cho quần chúng Phật Tử nữa hay không? 
            Đứng trước cơn biến loạn của GHPGVNTN, suy nghĩ con đường tu thân tích đức chính là sự lựa chọn chính xác việc khâm tuân Đức Tăng Thống hay đi theo một Viện Hoá Đạo mà nhân sự đã bị giải tán?  Chúng ta có khi nào tự hỏi rằng:  Ai là người chấp nhận lao tù cho lý tưởng bảo vệ đạo pháp và phục vụ chúng sanh?  Ai là những kẻ trốn tránh trách nhiệm của Giáo Hội, phá bỏ nội quy luật lệ  trong Giáo Hội để mưu đồ lợi ích cá nhân?  Hỏi như thế tức phân biệt được chánh, tà hai lối  rõ ràng. Sự quyết định đứng trước cơn hỗn loạn, gay go, khó xử  mà chính xác được cả hai mặt tu thân và tích đức  thì mới là một quyết định sáng suốt và có công đức, dù sau này làm việc tu hành, việc xã hội,  việc quốc gia cũng chẳng khó khăn gì như cụ Phan Bội Châu vừa bình luận.
            Còn những kẻ chính trực cũng như người vợ cả nói trong câu chuyện này,  lúc nào cũng thuần thục thẳng lòng, dù chẳng may gặp sự khó khăn nhưng vẫn nói những lời chân chánh khiến những kẻ bất thiện ghét giận; thiên hạ đôi khi không ưa, mà thực trong bụng vẫn kính phục vô cùng,  như đã thấy trường hợp PTTPGQT.

            Trong Khổng Học Đăng do cụ Sào Nam Phan Bội Châu viết năm 1929, trang 139:
            Một hôm Thầy Tử Cống hỏi Ngài Khổng Phu Tử rằng:
            - Có một người kia mà mọi người trong làng ai cũng yêu người ấy, thời người đó như thế nào?
            Đức Khổng Tử nói:
            - Chưa chắc người ấy đã tốt đâu.
            Thầy Tử Cống hỏi tiếp:
            - Vậy như có người kia mà trong làng ai cũng ghét hết, thời người ấy như thế nào?
            Đức Khổng Tử trả lời:
            - Cũng chưa chắc người ấy là xấu đâu.  Muốn xét cho ra người thiệt tốt thì không ai bằng hạng người này: Hễ những người lành ở trong một làng, ai cũng ưa ham người ấy, bởi vì người ấy trót đời chỉ làm việc lành nên những người thiện lành mới yêu mến người đó. Cũng vì trót đời người ấy làm việc lành nên những người bất thiện mới ghét người đó.  Như hạng người như thế mới là thiệt tốt.   
            Sống ở đời có hiểu rõ cái tâm lý như thế thì mới gần được bậc hiền nhân quân tử mà xa kẻ tiểu nhân có lời nói ngọt ngào siểm nịnh.
            Đối với người tu hành, biết chay lòng đạm bạc, niệm Phật làm lành từ  Ngũ Giới Cư Sĩ cho đến bậc xuất gia, lời nói cần phải giữ gìn cho chơn thật.  Người tu hành không nên nói dối.  Vì sao?  Vì sự nói dối sẽ đưa đến 5 loại ác nghiệp sau đây, căn cứ vào Luật Trừng Trị Tỳ Ni Sự Nghĩa Tập Yếu, Cuốn 1, Tập 1, Quyển thứ ba, Sa Môn Trí Húc nhuận văn,  trang 208:           
A. Khi chết có năm điều bất hảo:
            1. Thân thể không sạch
            2. Có mùi hôi thúi
            3. Có sự sợ sệt, nhờm gớm tự bản thân mình
            4. Khiến cho người sanh sợ sệt nhờm gớm; ác quỷ lại ưa thích.
            5. Bị để chổ ở của ác thú, phi nhơn.
B. Người phạm giới cũng có 5 điều:
            1. Thân, khẩu, ý nghiệp bất tịnh
            2. Tiếng xấu đồn khắp nơi
            3. Các Tỳ Kheo tốt sợ tránh xa
            4. Các thiện Tỳ Kheo thấy kẻ sanh ác tâm và nghĩ: “Tại sao ta lại thấy kẻ ác như thế này?”
            5. Cùng với người bất thiện ở chung nhau.
C. Phạm giới nói dối cũng có 5 điều lỗi lầm và nguy hai:
            1. Tự mình hại mình
            2. Bị người trí chê trách
            3. Tiếng đồn xấu khắp nơi
            4. Khi lâm chung sanh tâm hối hận
            5. Lúc chết bị đoạ vào địa ngục
D. Kết quả nói dối lại có 5 việc không vừa ý:
            1. Vật chưa được thì không được
            2. Vật đã được thì không bảo vệ được
            3. Ở trong Chúng thì bị hổ thẹn
            4. Tiếng ác rao khắp trong xứ
            5. Chết đoạ vào đường ác.
Kinh Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Tướng, Đức Phật nói với Chư Tỳ Kheo:
            “- Như Lai có hai thân là Sanh thân và Giới Thân (Thân bằng xương thịt được sanh ra do cha mẹ và thân tạo ra bằng Giới Luật.)
            Nếu Thiện Nam Tử vì Sanh Thân của ta, xây tháp bằng bảy thứ báu, cao đến cõi Trời Phạm Thiên, và nếu người đó làm sứt mẻ thì tội đó còn có thể ăn năn được, nhưng nếu làm hư hoại Giới Thân (Giới Luật) của Ta thì tội đó vô lượng.”
            Như thế đủ biết người tu hành mà còn nói những lời gian dối, không chân thật đối với lòng mình, sẽ có quả báo vô lượng không thể ăn năn được.  Những kẻ như thế tuy mang hình thức khoác áo cà sa, có chùa lớn, tiền nhiều, mà thật ra đã có tên trong cõi U Minh rồi.
            Trong quyển Long Thư Tịnh Độ do ông Cư Sĩ Vương Nhựt Hưu soạn, HT Thích Hành Trụ dịch, trang 135, Đoạn Tu Trì Pháp Môn, phần năm, có đoạn nói về người Địa Ngục như sau:
            “Đức Phật hỏi ông A Nan rằng: “Ông có muốn thấy người trong địa ngục không?”
            Ông A nan đáp:
            - Bạch Đức Thế Tôn! Con muốn thấy.
            Đức Phật nói:
            - Người trong địa ngục là người thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ việc ác.  Ấy là người trong địa ngục vậy.”
            Ông Vương Nhựt Hưu một hôm nghe người bán tôm, rao tôm một tiếng mà biết ba nghiệp kia đều ác.  Vì sao?  Thân gánh tôm thời là thân nghiệp ác; ý muốn bán tôm thời là ý nghiệp ác; miệng rao bán tôm thời là khẩu nghiệp ác. Thế rao tôm một tiếng mà biết ba nghiệp đều ác.  Vì vậy Phật nói người đó là người ở trong địa ngục vậy.
            So sánh lại những kẻ có manh tâm đánh phá GHPGVNTN và Ngài Quảng Độ.  Họ luôn luôn nói lời khâm tuân nhưng luôn viện cớ vô lý để không tuân theo các Giáo Chỉ, Hiến Chương, thì có phải như kẻ rao tôm một tiếng mà biết ba nghiệp của họ như thế nào.  Thân tham muốn duy trì chức vị dù đã bị giải tán nhân sự với mưu tính thu lấy tín đồ Phật Tử thì đó là Thân Nghiệp ác; ý muốn tiếm danh Giáo Hội chính là Ý Nghiệp ác ; miệng nói lời yêu mến ĐTT mà làm ngược lại các Giáo Chỉ, Quyết Định, và Hiến Chương tức là Khẩu Nghiệp ác.  Thế mới biết rao thông bạch một tiếng mà biết ba nghiệp đều ác.
            Trong Chư Kinh Tập Yếu, Quyển Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, HT Thích Thanh Từ dịch, trang 61, Đức Phật ở tại cung Rồng Ta Kiệt La, có tám ngàn vị Đại Tỳ Kheo và 32 ngàn vị Đại Bồ Tát (Kinh này do Đức Phật nói lại cho Ngài A Nan nghe vì Ngài A Nan lúc bấy giờ chưa chứng quả A La Hán, nên chưa có thần túc thông để du hành đến cung Rồng Ta La Kiệt).   Đức Phật nói với vua Rồng rằng:
            “- Long Vương, nếu xa lìa vọng ngữ thì được tám pháp Trời khen ngợi.  Những gì là tám?
            1. Miệng thường thanh tịnh thơm mùi hoa Ưu-Bát.
                (Khẩu thường thanh tịnh Ưu-Bát hoa hương.)
            2. Được người đời tin phục.
                 (Vi chư thế gian chi sở tín phục.)
            3. Mở lời thành tín, người trời kính mến.
                (Phát ngôn thành chứng, nhân thiên kính ái.)
            4. Thường dùng lời êm dịu an ủi chúng sanh.
                (Thường dĩ ái ngữ an uý chúng sanh.)
            5. Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh.
                (Đắc thắng ý lạc, tam nghiệp thanh tịnh.)
            6. Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ.
                (Ngôn vô ngộ thất, tâm thường hoan hỷ.)
            7. Mở lời tôn trọng, người trời vâng làm.
                (Phát ngôn tôn trọng, nhân thiên phụng hành.)
            8. Trí tuệ thù thắng, không ai chế phục được.
                (Trí huệ thù thắng vô năng chế phục)
            Đó là tám Công Đức. Nếu tu tám công đức mà hướng về Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì sau thành Phật sẽ được Chân Thật Ngữ của Như Lai. (Thị vi bát. Nhược năng hồi hướng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề giả, hậu thành Phật thời, tức đắc Như Lai Chân Thật Ngữ.)” 
            Vậy Giới Không Nói Dối cũng chính là cửa vào Niết Bàn vì là con đường tu Đạo rất bình an và tôn quí. Người tu hành dùng đức giới này mỗi khi nói lời thành thực đều hồi hướng về quả vị Bồ Đề, và siêng năng tu luyện, sau này chứng Phật quả tức có được Chân Thật Ngữ, tức là mỗi mỗi lời nói đều là Đạo, đều là Đà Ra Ni, đều là tâm Đại Bi, đều là lực phát huy bí mật của trời đất, cũng tức là tâm Niết Bàn an lạc. 
II. Nhận Xét Thông Bạch số 40 VHĐ
            Ngày 25 tháng 11 năm 2018, VHĐ đã bị giải tán mọi nhân sự và tạm thời ngưng hoạt động qua Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ.  Những nhân sự đã bị giải tán của Viện Hoá Đạo có phát hành một Thông Bạch để chống lại Quyết Định số 12 này.  Bản Thông Bạch gồm có 7 lý do cho sự phản biện.  Sau đây là 7 nhận xét về 7 lý do này: 
1. Lý do thứ nhất: 
 a. Trích: 
            “Đức  Tăng Thống biết bệnh tình của mình nên khi bị áp lực rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện phải về an dưỡng tại quê nhà, vì hoàn cảnh quá cấp bách và khó khăn, không muốn mọi chuyện ồn ào, nên ngày 15.9.2018 Ngài đã gọi Hòa Thượng Thích Tâm Liên, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Nguyên Lý, Tổng Thủ Quỷ Viện Hóa Đạo, Đại Đức Thích Minh Bình thị giả của Đức Tăng Thống, Huynh Trưởng Hàn Bửu Chương, Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, về Thanh Minh Thiền Viện để Ngài trực tiếp giao toàn quyền điều hành Phật Sự Giáo Hội cho Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Tâm Liên khi Ngài phải về Miền Bắc. 4 nhân vật trên đủ tư cách đại diện cho Hội Đồng Viện Hóa Đạo, do đó việc trao truyền nầy được xem như là một hội nghị “Bất Thường Thu Hẹp Đặc Biệt ” vì hoàn cảnh, do đó việc trao truyền nầy hoàn toàn hợp Pháp và hợp Hiến trong giai đoạn hiện tại.
Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã ở lại với Đức Tăng Thống 4 ngày tại Chùa Từ Hiếu để tiếp thu toàn bộ ý chỉ của Ngài nhằm cũng cố Giáo Hội theo Giáo Chỉ số 18 Tấn Phong Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo mà Ngài đã ban hành.
 
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Nhất:
            Nói rằng Đức Tăng Thống giao toàn quyền điều hành Phật Sự cho hoà thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo khi Ngài về Bắc, thì đó là việc bình thường theo Hiến Chương qui định vì Viện Trưởng VHĐ sẽ phải điều hành mọi việc Phật sự khi Tăng Thống vắng mặt.  Chứ Ngài Quảng Độ đâu có bảo rằng Ngài giao Viện Tăng Thống cho HT Tâm Liên.   Dù Ngài có muốn giao Viện Tăng Thống cho HT Tâm Liên cũng không thể được vì trái với tất cả mọi Hiến Chương.  Theo Hiến Chương thì Viện Trưởng/ Viện Phó  Viện Tăng Thống phải được Giáo Phẩm Trung Ương suy tôn trong hàng Trưởng Lão của Hội Đồng.  Hơn nữa các huynh trưởng chỉ là hàng cư sĩ nên không thể xen vào việc của Tăng Đoàn được vì đó luật Phật xưa nay đã như vậy, hơn nữa họ cũng không là Hội Đồng Trưởng Lão Trung Ương.  Tuy nhiên đây là chuyện dặn dò về việc giữ gìn và thúc đẩy công việc của Giáo Hội, chứ đâu phải giao làm Viện Trưởng hay Viện Phó của Viện tăng Thống gì cả.  Lời nói của Tăng Thống lúc này chỉ có tánh cách cá nhân chớ không có tánh cách pháp lý như Hiến Chương quy định.  Do đó Hoà Thượng Tâm Liên cũng chỉ là Viện Trưởng Viện Hoá Đạo mà thôi.  Dĩ nhiên Viện Trưởng Viện Hoá Đạo bao giờ cũng có quyền hạn của mình theo quy định của Hiến Chương để quyết định những chuyện lớn nhỏ trong Giáo Hội, trong khi Đức Tăng Thống vắng mặt.
            Còn nói rằng đây là một hội nghị “Bất Thường Thu Hẹp Đặc Biệt” thì Đức Tăng Thống phải tuyên bố từ đầu cho mọi người cùng biết, và đồng thời cũng phải viết ra thành văn như Giáo Chỉ hay Quyết Định, hoặc Thông Bạch để đúc kết hội nghị, và cũng phải có bốn vị Tăng Nhân hàng Trưởng Lão, chớ đâu phải khi có sự gặp mặt với ba vị Tăng  và một cư sĩ mà tự gọi đó hội nghị “Bất Thường Thu Hẹp Đặc Biệt” theo ý kiến riêng được. Tên hội nghị này là tên mới do các người đã bị giải nhiệm đặt ra sau khi VHĐ bị giải tán nhân sự ngày 25 tháng 11 năm 2018.  Vì vậy dù là tên chi đi nữa, hội nghị đó không mang ý nghĩa gì hết ngoài chuyện trách nhiệm thông thường pháp lý của VHĐ đã được quy định qua Hiến Chương và Giáo Chỉ số 18.  Tuy nhiên, Giáo  Chỉ số 18 dùng tấn phong HT Thích Tâm Liên được dựa trên Bản Tu Chính Hiến Chương 2015 mà có, vì thế nếu không dùng hoặc phủ nhận Bản Tu Chính Hiến Chương 2015 thì Giáo Chỉ số 18 sẽ vô giá trị, như thế HT Thích Tâm Liên lúc đó và sau đó không phải là Viện Trưởng VHĐ.
            Vậy lý do thứ nhất này tự nó mâu thuẩn và có ngôn từ vô nghĩa nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT.  
2. Lý do thứ hai: 
 a. Trích: 
            Sau đó Hòa Thượng Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Chí Viên, Hòa Thượng Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo Thích Minh Quang cùng một số thành viên Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo lần lượt vào Chùa Bảo Minh thăm sức khỏe của Ngài trước khi lên tàu về quê, Ngài cũng đã ân cần nhắc lại Giáo Chỉ số 18, điểm lại danh sách từng Thành Viên Ban Chỉ Đạo, khuyến khích các thành viên phát huy trách nhiệm, chu toàn các Phật Sự mà Ngài đã giao toàn quyền điều hành cho Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Tâm Liên. 
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Hai 
            Nói rằng “Đức Tăng Thống ân cần nhắc lại Giáo Chỉ số 18, điểm lại danh sách từng Thành Viên Ban Chỉ Đạo, khuyến khích các thành viên phát huy trách nhiệm, chu toàn các Phật sự mà Ngài đã giao toàn quyền điều hành cho Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo Thích Tâm Liên” có nghĩa là gì?  Chẳng qua là Ngài nhắc lại phải dựa theo Giáo Chỉ số 18 mà làm, tuy nhiên Giáo Chỉ số 18 dùng để tấn phong HT Thích Tâm Liên làm Viện Trưởng Viện Hoá Đạo phải dựa vào bản Tu Chính Hiến Chương  2015 mà viết ra.  Nếu không có Bản Tu Chính Hiến Chương 2015 thì Giáo Chỉ số 18 trở thành vô giá trị, và HT Tâm Liên không bao giờ là Viện Trưởng VHĐ được.  Ngoài ra nói rằng Ngài đã giao toàn quyền điều hành cho HT Viện Trưởng thì cũng giới hạn trong Giáo Chỉ số 18 là cùng.  Nếu HT Tâm Liên muốn có một chức vị cao nhất trong Giáo Hội sau khi Đức Tăng Thống ra Bắc, thì cũng phải tuân hành theo bản Di Chúc là văn bản tối mật nhất của Đức Tăng Thống.  Tuy nhiên trong bản Di Chúc Ngài chỉ cho phép HT Viện Trưởng làm nhiệm vụ Xử Lý Viện Tăng Thống trong thời gian Ngài vắng mặt mà thôi.  Tiếc thay ngay cả bản Di Chúc cũng bị thu hồi bằng Quyết Định Số 12/TT/VTT/QĐ.
            Vậy lý do thứ hai này chứa đựng  những ngôn từ mâu thuẩn giữa Giáo Chỉ số 18 và Bản Tu Chính Hiến Chương 2015  nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT.  
3. Lý do thứ ba: 
 a. Trích: 
            Ngày 25.10.2018, Phái Đoàn Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện do Hòa Thượng Phó Viện Trưởng Thích Chí Viên dẫn đầu ra Thái Bình vấn an Đức Tăng Thống sau 20 ngày Ngài về đất Bắc. Suốt 2 giờ đồng hồ, Đức Tăng Thống rất tỉnh táo và vui mừng thăm hỏi sức khỏe cũng như sinh hoạt Giáo Hội trong thời gian Ngài vắng mặt. Trước sự hiện diện của Phái Đoàn Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện, Đức Tăng Thống đã nghiêm trang điện đàm với Hòa Thượng Tâm Liên:
“ Tôi giao toàn quyền điều hành Giáo Hội cho Hòa Thượng. Tôi chỉ tin Hòa Thượng mà thôi, ngoài ra tôi không tin ai cả. Hòa Thượng có toàn quyền mời những người có tâm huyết, có khả năng, tham gia giúp Giáo Hội. Tổng Vụ nào làm việc không đúng, Hòa Thượng có quyền thay thế ”.
Đây là một “ Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự ” bằng kim khẩu như lời Cha dặn Con trước một phái đoàn Đại Diện Hội Đồng Lưỡng Viện. “ Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự ” nầy rất thiêng liêng, vừa hợp Pháp, vừa hợp Hiến nên đây là nền tảng căn bản để Viện Hóa Đạo thực thi trách nhiệm do Ngài giao phó.
b. Nhận xét Lý Do Thứ Ba:
             hai vấn đề trong lý do thứ ba này:
            1. Vấn đề thứ nhất là đoạn video rất ngắn chừng độ vài phút chỉ thu hình một mình Đức Tăng Thống đang dùng phone để nói chuyện với một người nào đó bên kia đầu giây.  Người ta không biết ai bên kia đầu phone và nói trong thời gian nào.  Vì đoạn video cho sự điện đàm này không có thời gian bắt đầu và cũng không biết Ngài nói với ai, cho nên không thể dựa vào đây để làm chứng cứ mà bảo rằng Đức Tăng Thống nói chuyện với HT Tâm Liên.   Mà dù có nói với HT Tâm Liên chăng nữa, thì nhiệm vụ của HT Tâm Liên vẫn cao nhất trong Giáo Hội theo Giáo Chỉ số 18, chỉ trừ dưới Đức Tăng Thống mà thôi.  Thì đâu có gì là lạ hay mới mẻ gì đâu.  Dù cho thế nào đi nữa, theo Quyết Định số 12  bãi nhiệm HT Tâm Liên thì mọi văn từ hay những tài liệu nào gồm audio và video ngược với Quyết Định số 12 này đều bị vô hiệu lực hết.
            2. Vấn đề thứ hai là có người bảo câu nói trên của Ngài Quảng Độ đến với HT Tâm Liên là một loại “Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự”.  Ngôn từ này không bao giờ có trong mọi Hiến Chương và cũng không được phép cho dùng trong mọi Hiến Chương. Vì sao?  Vì nếu dùng nó được thì sau này mọi Hiến Chương sẽ không còn giá trị nữa.  Hiến Chương sở dĩ có giá trị là do có văn bản rõ ràng như số Chương và số Điều Khoản.  Giáo Hội xưa nay căn cứ vào các văn bản Điều Khoản của Hiến Chương mà sinh hoạt cho nên mới tồn tại đến ngày hôm nay. Giáo chỉ hay Thông bạch hay Quyết Định thì bao giờ cũng có văn tự và có lưu bản tại Viện Tăng Thống hay PTTPGQT và phát hành đến mọi Phật Tử.  Do đó nếu dùng ngôn từ “Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự “ nếu được chấp nhận như các văn bản lưu hành trong Giáo Hội thì đây là một loại ngôn từ rất nguy hiểm, có khả năng phá hoại mọi Chương và Điều của Hiến Chương trong tương lai.  Vì sao?  Vì sẽ có nhiều người tạo ra điều gán ghép cho Đức Tăng Thống đã nói để làm vô hiệu hoá các văn bản được ban hành từ Hiến Chương. Do đó theo tinh thần Hiến Chương GHPGVNTN,  GH không thể chấp nhận và không cho phép lưu hành loại câu “Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự” này.    Dĩ nhiên người ta không bao giờ tìm thấy được ngôn từ “Giáo Chỉ Bất Lập Văn Tự” ở trong bất cứ bản Tu Chính Hiến Chương nào cả.
            Hơn nữa ngôn từ “Bất Lập văn Tự” là ngôn từ chỉ dùng cho đạo pháp truyền nhau qua phương pháp Tâm Ấn mà thôi.  Đây là phương pháp truyền đạo trong lãnh vực Thiền Tông.  Nguyên văn là “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền.” Điều này có nghĩa là, ngoài 84 ngàn pháp môn tương ưng với 84 ngàn pháp số dùng để đối trị 84 ngàn tội lỗi  từ thân khẩu ý, mỗi mỗi pháp môn đều có phương pháp riêng biệt đi vào mà chẳng ngoài 25 Căn, Trần và Thức, thì lại có một pháp môn không tuỳ thuộc chữ viết (bất lập văn tự), không thể phô ra bằng lời nói hay hành động (Giáo ngoại biệt truyền).  Với pháp môn “Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền” chỉ có thầy và người môn đệ hiểu mà thôi, người khác không hiểu được. Như ngày xưa trong Pháp Hội Linh Sơn, khi Đức Phật đang giảng Kinh thì có một vị Phạm Thiên đến dâng cúng một cành hoa sen.  Đức Phật mới đưa cành hoa sen lên giữa Chúng hội, lúc đó tất cả các vị Thanh Văn A La Hán và các Bồ Tát đều lấy làm lạ, không ai hiểu được ý của Đức Phật, duy chỉ có Ngài Ma Ha Ca Diếp chúm chím mỉm cười (Thế Tôn niêm hoa; Ca Diếp vi tiếu) . Đức Phật bảo Ngài Ma Ha Ca Diếp rằng: “Ta có Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm.’’ nay trao phó cho ông.  Sau khi Phật nhập diệt thì Ngài Ma Ha Ca Diếp lãnh y và bát  của Phật chính thức làm sơ tổ của dòng Thiền Tông. Kế đó Ngài Ca Diếp truyền Tâm Ấn cho Ngài A Nan, dần dần cho đến Ngài Lục Tổ Huệ Năng thì sự truyền Tâm Ấn này không còn quan trọng nữa vì lúc ấy Ngài Huệ Năng tuyên giảng  Kinh Kim Cang cho Đại Chúng, xem như truyền Tâm Ấn của Phật cho khắp chúng sanh.  Thời bấy giờ, mọi người đều cho rằng Ngài Lục Tổ Huệ Năng là Cổ Phật tái lai vì Ngài có công mang văn tự và ý nghĩa Bát Nhã từ kinh Kim Cang ra truyền rộng trong nhân gian. Mà Bát Nhã chính là Tâm Ấn ba đời Chư Phật (Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.)
            Như thế  ngôn từ “Bất lập văn tự “ là ngôn từ “tâm ấn tâm” trong các dòng Thiền, sau này các thiền sư còn gọi đó là những Công án.  Người nào phá được công án tức coi như đã được Tâm Ấn rồi thì gọi là Minh Tâm Kiến Tánh.  Vì tự thấy được Tâm Tánh quí báu của mình xưa nay chưa từng thấy, nên họ tự  tìm chổ thích hợp tu hành để phát huy được trọn vẹn thể tánh nhiệm mầu của chính mình,  không còn vướng vấn chuyện thế gian. 
            Như Ngài Mã Tổ nói:
            - Ta ngộ được chơn tâm đã 30 năm.  Trong 30 năm qua không lúc nào ta không coi chừng nó. 
            Ngài Bá Trượng lúc 80 tuổi còn đi hành cước cũng chỉ vì tâm Ngài chưa an.
            Vậy “Bất lập văn tự” chỉ cho sự Kiến Tánh Minh Tâm của Thiền Tông.  Trong Giáo thì đây là Đệ nhất Thánh quả Dự Lưu Tu Đà Hoàn chỉ cho người có khả năng đi ngược 6 dòng nước lớn sinh tử là: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.  Tức là người đã vững lòng tin Đạo, mắt không nhiễm theo sắc tướng nghĩa là tiền tài vật chất; tai không bị mê hoặc theo âm thanh hay lời nói tức danh vọng quyền thế;  mũi không ưa nhiễm mùi hương tức tiếng khen, chê giả dối; thân không mê nhiễm sự chạm xúc tức xa lìa mọi sự dâm dục; ý không tin điều  phi pháp tức gìn giữ giới luật tu hành.   Người tu đạo nhất là đại diện cho những vị tu sĩ trong một Giáo Hội cần phải hiểu ý nghĩa danh từ Phật Pháp, không nên dùng bừa bãi loạn xạ làm các Phật tử bổn đạo mất cả niềm tin.  Phật Tử bỏ công sức và thời giờ để đi cầu tìm Minh Sư mong một ngày được ngộ Đạo để thấy được Tâm tánh của mình xưa nay vắng lặng sáng suốt nhiệm mầu, tự tánh Chơn Không Diệu Hữu, ra ngoài Tam Giới, vượt vòng luân hồi sanh tử, hoặc ít ra bố thí cúng dường cho các bậc chơn Tăng cũng có phúc báo thù thắng nơi hai cõi Nhơn Thiên trong những kiếp về sau;  chớ không ai đi tìm những kẻ vô minh, thuyết điều cuồng loạn trong Phật Pháp. 
            Vậy lý do thứ ba này chứa đựng những ngôn từ không hợp lý và hợp tình nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT.  
4. Lý do thứ bốn: 
 a. Trích: 
            Từ khi vào lại Chùa Từ Hiếu, Đức Tăng Thống ban hành 3 Văn Bản dẫn thượng:
-Quyết Định số 12 ngày 25.11.2018
-Thư Thu Hồi Khuôn Dấu Viện Hóa Đạo ngày 11.12.2018,
-Thông Bạch Không Số ngày 17.12.2018
Nội dung các văn kiện nầy vừa không đúng nguyên tắc hành chánh của Viện Tăng Thống, vừa không đúng với tinh thần Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lại thêm lời Đức Tăng Thống dạy Hòa Thượng Thích Nhật Ban, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ: sau nầy, tôi có ra Quyết Định, Văn Bản gì thì mặc tôi, Quý Thầy phải căn cứ vào việc tôi giao phó toàn quyền điều hành Giáo Hội cho Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Tâm Liên mà làm.
Hòa Thương Thích Nhật Ban đã báo trình với Viện Hóa Đạo và công khai tuyên bố cho Chư Tăng và Phật Tử biết để chuẩn bị tinh thần..
Lời dạy đó là lời tâm huyết của một bậc thánh trí đã tiên liệu các áp lực sẽ đến với Ngài trước cơn bệnh ngặt nghèo, nên Viện Hóa Đạo rất cảm kích và tuân hành.
 
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Bốn:
            Tất cả những Giáo Chỉ, Quyết Định, Thông Bạch hay thư thu hồi con dấu nếu có ấn khuôn dấu của Viện Tăng Thống và chữ ký của Đức Tăng Thống thì đã đúng với căn bản nguyên tắc hành chánh rồi, điều đó đã được tất cả các Tăng Thống thi hành xưa nay.  Sao gọi là không đúng? 
            Còn nói rằng “sau nầy, tôi có ra Quyết Định, Văn Bản gì thì mặc tôi, Quý Thầy phải căn cứ vào việc tôi giao phó toàn quyền điều hành Giáo Hội cho Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Tâm Liên mà làm.”, nếu dựa vào đây để làm khuôn vàng thước ngọc cho việc làm thì quá nguy hiểm.  Nếu lỡ HT Tâm Liên bị người uy hiếp để giao Giáo Hội cho một thế lực xấu nào đó, thì mọi người trong Giáo Hội cũng phải bỏ qua Hiến Chương mà tuân thủ theo HT Tâm Liên hay sao?
            Do đó mà biết chuyện gì cũng vậy, dù là lời Tăng Thống nói nhưng các thành viên phải có bổn phận và trách nhiệm đối chiếu với Hiến Chương mà có hành động thỉnh nguyện thích hợp.  Tuy nhiên xưa nay chưa thấy Đức Tăng Thống có lời nào ngược với Hiến Chương.
            Vì Hiến Chương là trí tuệ của Giáo Hội. Hiến chương còn thì Giáo Hội còn. Cũng như Đức Phật đã nói khi nào Giới Luật còn thì Đạo Phật còn. Trong một câu nói từ Hiến Chương, mọi tín đồ Phật tử của GHPGVNTN đều phải lấy Hiến Chương làm kim chỉ nam cho mọi sinh hoạt của GH trong và ngoài nước, soi chiếu bản thân nhằm đánh thức lương tri con người giữa thời đại nhiểu nhương và đen tối của dân tộc và đạo pháp. Nếu đã tuân theo Hiến Chương Giáo Hội thì phải tin theo Bản Tu Chính Hiến Chương 2015.  Nếu tuân theo Bản Tu Chính Hiến Chương 2015 thì phải tuân theo Giáo Chỉ số 16, Giáo chỉ số 18, Quyết Định số 16 và Quyết Định số 12. Đặc biệt,  Quyết Định số 12 xác nhận rằng tất cả những lời nói, văn bản, hay mọi thứ tài liệu nào bao gồm video, audio,  electronic mail… nếu trái ngược với Quyết Định số 12 đều bị huỷ bỏ hay vô giá trị.
            Vậy lý do thứ bốn này chứa đựng những ngôn từ không hợp lý và hợp tình nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT. 
5. Lý do thứ năm: 
 a. Trích:  
            Đức Tăng Thống là Biểu Tượng của Giáo Hội, nhiệm kỳ của Đức Tăng Thống là trọn đời nên bất cứ ở đâu, ở hoàn cảnh nào Ngài Vẫn là Tăng Thống, vẫn là lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Việt Nam Thống Nhất nên Viện Hóa Đạo tuyệt đối khâm tuân sự chỉ đạo của Ngài trên tinh thần Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chứ không phải bằng cảm tính.
 
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Năm:
            Trong bảy lý do thì chỉ có lý do thứ năm này là nói đúng, nhưng lại không phải là lý do để bất khâm tuân Quyết Định số 12 và Bản Tu Chính Hiến Chương  2015.  Các Phật Tử cần phải xem coi các nhân sự này có hành động khâm tuân Đức Tăng Thống hay không, hay đây chỉ là lời nói suông cho qua chuyện mà không làm gì cả?
            Lý do thứ năm không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT. 
6. Lý do thứ sáu: 
 a. Trích:  
            Hiện tại, sau những lần kiểm tra sức khỏe, bệnh viện Pháp Việt cũng như các Bác Sỉ điều trị cho Ngài đều xác định Ngài bị bệnh rối lọan trí nhớ ngắn hạn, đang ngày càng phát triển chưa có biện pháp ngăn chận, qua các Văn Kiện trước đây chính Ngài cũng xác nhận: tôi lúc nhớ, lúc quên, tinh thần không ổn định, nên việc tỉnh dưỡng của Ngài là cần tuyệt đối tôn trọng. Viện Hóa Đạo không cần thiết phải cử người vào xin Đức Tăng Thống xác minh giả hay thật vì không muốn gây áp lực cho Ngài, nhất là chúng ta ai cũng hiểu rằng nếu Đức Tăng Thống ban hành các Quyết Định, Thông Bạch liên quan đến sự tồn vong của Giáo Hội tất nhiên phải ban hành khi tỉnh táo, mà khi tỉnh táo thì không bao giờ Ngài ra các văn bản trái với Nguyên Tắc của Viện Tăng Thống, trái với Hiến Chương của Giáo Hội do chính Ngài phê chuẩn và luôn kêu gọi Tăng Ni Phật Tử các giới bảo vệ Hiến Chương vì đó là Pháp Lý là Mạng Mạch, là Kim Chỉ Nam, là Đường Hướng của Giáo Hội.
 
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Sáu
            Hiển nhiên người lớn tuổi ai cũng có bệnh hay quên.  Thí dụ có những người hay quên mắt kiếng của mình đã để đâu, chìa khoá, hay cây viết ở đâu, hoặc cố gắng nhớ tên của những bạn bè xưa… nhưng không có nghĩa quên là loạn trí.  Hiện tại Ngài đang an dưỡng tại Chùa Từ Hiếu và đang có một sức khoẻ rất tốt thì không có gì phải lo ngại. 
            Còn về những Thông Bạch cũng như những Quyết Định của Viện Tăng Thống ban ra do Ngài ký tên và ấn dấu thì đâu có điều gì trái với nguyên tắc của Viện Tăng Thống hay trái với Hiến Chương 2015 của Giáo Hội đâu.  Người ta chỉ thấy HT Tâm Liên mới là người ban hành các Quyết Định số 29.18/VHĐ/VT/QĐ tấn phong chủ tịch VPII và Thông Bạch Minh Định Lập Trường Của VHĐ bất khâm tuân Quyết Định số 12 VTT mới là trái với nguyên tắc hành chánh VHĐ/VTT và trái với Bản Tu Hiến Chương 2015.
            Vậy lý do thứ sáu này chứa đựng những ngôn từ không hợp lý và hợp tình nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT.  
7. Lý do thứ bảy: 
 a. Trích:  
            Với sự kính ngưỡng tuyệt đối, Viện Hóa Đạo kêu gọi các thành viên Hội Đồng Lưỡng Viện, Phật Tử các giới tùy nghi vấn an, góp phần bảo vệ sức khỏe của ĐTT, nhưng VHĐ không cử một phái đoàn chính thức thăm viếng ĐTT để tránh tình trạng hợp pháp hóa những diễn biến của ĐTT sau khi HT Nguyên Lý tự ý đưa ĐTT vào chùa Từ Hiếu xem như việc riêng của mình mà không hợp tác với Viện Hóa Đạo, và cũng từ đó các Quyết Định 12, Thư Thu Hồi Khuôn Dấu, Thông Bạch Không Số được phát đi rộng rãi khắp nơi.
b. Nhận Xét Lý Do Thứ Bảy:
            Nếu có sự kính ngưỡng tuyệt đối với Đức Tăng Thống và nếu đã chánh danh chánh nghĩa thì sợ gì mà không chịu cử một phái đoàn chánh thức đến thăm viếng Đức Tăng Thống?  Tất cả mọi tín đồ Phật tử trên thế giới đều muốn thấy  sự thông qua nhân sự VHĐ từ Đức Tăng Thống.   Có phải chăng khi phái đoàn tự bầu của VHĐ  gặp Ngài thì Ngài sẽ không chấp thuận và quở trách phải không?  Lý do mà bản Thông Bạch nói không cử phái đoàn đến gặp Ngài Quảng Độ là “để muốn tránh tình trạng hợp pháp hoá những diễn biến của ĐTT sau khi HT Nguyên Lý tự ý đưa ĐTT vào chùa Từ Hiếu xem như việc riêng của mình mà không hợp tác với VHĐ, và cũng từ đó các Quyết Định 12, Thư Thu hồi khuôn dấu, Thông bạch không số được phát đi rộng rãi các nơi.”  Đây là điều suy luận không đúng.  Hoà Thượng Nguyên Lý không tự ý đưa ĐTT về chùa Từ Hiếu, mà ĐTT tự ý muốn về chùa Từ Hiếu sau khi cháu của Ngài là Phật tử Diệu Thân đang ở miền bắc với Ngài, đưa chiếc phone tay cho Ngài nói chuyện với HT Nguyên Lý.  Trên phone Ngài đã nói với HT Nguyên Lý rằng Ngài muốn về Chùa Từ Hiếu.   Điều đó cũng dễ hiểu vì trước khi ra Bắc, Ngài đã lưu lại Chùa Từ Hiếu hai tuần và được đưa đến bác sĩ chuẩn bịnh.  Có thể tình nghĩa thầy trò gần gũi trong lúc gian nguy đã làm Ngài tin tưởng và mong muốn về lại chùa Từ Hiếu.  Đến đây ai cũng thắc mắc, những  lúc nguy hiểm như thế thì các Hoà Thượng khác ở đâu hết rồi?  Hơn nữa con dấu VHĐ đã được trả về cho Giáo Hội chưa như trong thư Thu Hồi con dấu đã gởi đến cư sĩ Lê Công Cầu? Cư Sĩ Lê Công Cầu không còn là thành viên của Giáo Hội nữa và VHĐ đã bị giải tán nhân sự rồi,  thế thì tại sao không trao trả con dấu VHĐ lại cho Ngài Quảng Độ? Con dấu VHĐ là tài sản của Giáo Hội chứ không thuộc vào nhân sự bị giải tán của VHĐ nữa. Do đó không một ai trong số nhân sự bị giải tán có quyền giữ lấy và xử dụng con dấu VHĐ này được nữa.  Điều này (chủ quyền con dấu) thuộc về nguyên tắc hành chánh và cũng là Giới Luật nhà Phật. Trong Giới Luật thì điều này thuộc Giới thứ hai của 10 Giới Trọng Bồ Tát: Vật không phải của mình thì không giữ không dùng. Đó cũng là Giới thứ hai của Ba La Đề Mộc Xoa Tỳ Kheo Giới, cũng là giới thứ hai của Ưu Bà Tắc và Ưu Ba Di. 
            Vậy lý do thứ bảy này chứa đựng những ngôn từ không hợp lý, hợp tình, và không đúng sự thật,  nên không thể được dùng làm duyên cớ không tuân phục Quyết Định số 12/TT/VTT/QĐ ngày 25 tháng 11 năm 2018 của VTT. 
            Tóm lại,  bảy lý do trong Bản Thông Bạch trên không thể dùng cho việc bất khâm tuân Quyết Định số 12 để thành lập một ban nhân sự cho một VHĐ đã bị giải tán nhân sự. Vì sao?  Vì tự nghĩa các lý do này không hợp tình hợp lý.  Một tổ chức mà nhân sự không danh chánh ngôn thuận được thành lập thì thế nào tổ chức đó cũng sẽ bị mất vào tay thế lực xấu rất nhanh chóng. Một GH có VHĐ nhân sự như thế thì sẽ không được quần chúng Phật Tử tin phục và giữ được truyền thừa lâu dài.  Mong mõi những ai đã lầm đường nên hồi tâm quay về với Đức Tăng Thống để cùng nhau xây dựng một Giáo Hội Giới Luật Thanh Tịnh,  một Tăng đoàn gồm những tu sĩ ưu tú trang nghiêm đầy đủ oai nghi tế hạnh, xứng đáng đại diện Tam Bảo làm ruộng phước cho thế gian.  Có được như thế thì có khác nào lúc hạn hán mà được trận mưa rào, lòng Phật tử khắp nơi sung sướng và hân hoan vô hạn.

Kính chúc quí Phật Tử thân tâm an lạc.
Huệ Lộc
Tôn Thắng Đạo Tràng
Ngày 03 tháng 01 năm 2019

No comments:

Post a Comment