Monday, 9 July 2018

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 25-6-2018 Tường trình Tổng hợp Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2562 – 2018 của Viện Hoá Đạo GHPGVNTN


PARIS, ngày 25-6-2018 (IBIB) — Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được bản tường thuật Đại lễ Phật Đản của Viện Hoá Đạo trong nước gửi sang. Sau đây là toàn văn bản Tường trình ấy :
Phật lịch 2562                                                                        Số 13.18/VHĐ/TTPĐ
TƯỜNG TRÌNH TỔNG HỢP
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN PHẬT LICH 2562 – 2018
 
Kính gởi:
GS Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
NS Giám Đốc Phòng Liên Lạc Phật Giáo Quốc Tế
Kính thưa Giáo Sư và Nữ Sĩ.
Vì sự cố kỹ thuật tại Văn Phòng Viện Hóa Đạo nên Bản Tường Trình Tổng Hợp về Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2562 – 2018 được chuyển đến Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế trể gần 2 tuần sau khi khắc phục sự cố.
Văn Phòng Viện Hóa Đạo kính xin sự hoan hoan hỷ của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, Phòng Liên Lạc Phật Giáo Quốc Tế cùng Chư Tôn Đức và Phật Tử các giới trong và ngoài nước.
NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
__________
– Thành kính ngưỡng trình Đức Đệ Ngũ Tăng Thống.
– Ngưỡng trình Chư Tôn Đức Hội Đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN.
– HT Chủ Tịch Hội Đồng Điều hành GHPGVNTN-HN/Hoa Kỳ
– Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế.
– Phòng Liên Lạc Phật Giáo Quốc Tế.
– Đồng bào Phật Tử trong và ngoài nước.
_________
Kính Bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Liệt Quí Vị
Đã 4 năm trôi qua kể từ khi Cố Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Như Đạt viên tịch với di huấn: Bảo Tháp Chính của Tu Viện Long Quang là Bảo Tháp cúng dường Đức Đệ Ngũ Tăng Thống khi Ngài cao đăng Phật Quốc và Tu Viện Long Quang là cơ sở chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nơi đặt Văn Phòng Viện Hóa Đạo để điều hành Phật Sự.
Lễ Đài Phật Giáng sinh tại Tu viện Long Quang, Huế
Lễ Đài Phật Giáng sinh tại Tu viện Long Quang, Huế

Với lời di huấn đó, Tu Viện Long Quang đã trở thành ngôi Tam Bảo thiêng liêng cho Phật Giáo Đồ trên Toàn Quốc vì thế khi sinh tiền Ngài đã cho đặt quả địa cầu to lớn mà trên bản đồ thế giới giòng chử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bao trùm cả năm châu bốn bể.
Cũng lời di huấn đó, hằng năm Lễ Đài Chính đón mừng Đại Lễ Khánh Đản của Đức Từ Phụ vẫn được long trọng thiết trí bên giòng Bồ Giang thơ mộng, trong vườn cây xanh mát của Tu Viện Long Quang gợi nhớ Vườn Lâm Tỳ Ni của gần ba ngàn năm về trước trên Đất Phật Ấn Độ.
Trước Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo gần cầu Trường tiền Huế
Trước Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo gần cầu Trường tiền Huế

Năm nay, Phật Đản lại về trong niềm bất an của hàng triệu Phật tử nói riêng và Đồng bào cả Nước nói chung trước những phong thanh Quốc Hội Nước Cọng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đang chuẩn bị biểu quyết thành lập 3 Đặc Khu Kinh Tế: Vân Đồn (Quảng Ninh) Bắc Vân Phong (Nha Trang) và Phú Quốc để cho Trung Quốc thuê với thời hạn 99 năm. Thật hư chưa xác định nhưng sự lo lắng một cuộc di dân của Trung Quốc vào 3 vùng trọng yếu của Đất Nước, họ sẽ tung hoành trên nhượng địa như lãnh thổ của họ 99 năm hay kéo dài và bành trướng hơn nữa để Dân Tộc Việt Nam trở thành nô lệ như Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ đã nhận định như một lời tiên tri.
Tuy mang niềm lo lắng khắc khoải ngày đêm, nhưng bắt đầu cuối tháng ba âm lịch, Phật tử đã xôn xao chờ đón Thông Điệp Phật Đản 2642 Phật Lịch 2562-2018 của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và Thông Bạch Phật Đản của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Thanh Quang để y giáo phụng hành và cầu nguyện.
Đầu tháng tư  âm lịch, Ban Tổ Chức Đại Lể Phật Đản được thỉnh cử do Hòa Thượng Thích Minh Quang làm Trưởng Ban, Chư Tăng trong nội tự cùng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên và Ban Quản Chúng Đạo Tràng Long Quang phụ trách các Ban Ngành. Các nghi thức cúng dường Phật Đản được thực hiện như sau:
I/. LỄ KHAI KINH VÀ
ĐẶT VÒNG HOA TẠI ĐÀI KỶ NIỆM THÁNH TỬ ĐẠO
Vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch năm Mậu Tuất nhằm vào ngày 22  tháng 5 năm 2018,  dưới sự chỉ đạo của Đại Đức Thích Minh An, cùng sự tích cực của Chư Tăng Tu Viện long Quang, sự hổ trợ của Huynh Trưởng GĐPT Thừa Thiên và Đạo Tràng Thập Thiện, Bồ Tát giới, Lễ Đài Chính được hoàn thành theo thiết trí cổ điển với 5 tầng trang nhã theo 5 màu của lá cờ Phật Giáo Thế Giới và cũng là lá cờ lịch sử được giử gìn bằng máu xương và nước mắt của Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ Pháp nạn để Giáo Hội tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Theo truyền thống của các năm về trước,  ngày mồng 8 tháng tư  âm lịch là ngày thiết Lễ Khai Kinh mở đầu Mùa Phật Đản và Chư Tăng kiết giới An Cư Kiết Hạ, sau đó là Lễ Đặt Vòng Hoa tại Đài Kỷ Niệm Thánh Tử  Đạo bên cầu Trường Tiền, bên giòng sông Hương lịch sử.
 Chư Tăng và Phật tử đến Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo, Huế, dâng hương
Chư Tăng và Phật tử đến Đài Tưởng niệm Thánh Tử Đạo, Huế, dâng hương

Vào Lúc 15 giờ cùng ngày,  đoàn xe của Chư Tăng và Đạo Tràng từ Tu Viện Long Quang đến Đài Kỷ Niệm Thánh Tử Đạo, tại đây Quý Đạo Hữu cũng như các Đơn Vị Gia Đình Phật Tử đã tùy phương tiện vân tập đông đảo, chào đón Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo từ Đà Nẵng ra, tháp tùng Hòa Thượng Viện Trưởng có các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Quảng Nam Đà Nẵng cùng về tham dự.
Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Trị dù đường xa, nắng cháy cũng có mặt để dâng hương tưởng niệm, và cảm động nhất là đại diện Ban Hướng Dẫn Quảng Đức do anh Trưởng Ban Đổ Văn Hồi tham dự với một lẳng hoa thành kính.
Vòng hoa lớn mang dòng chử Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Thành Kính Tưởng Niệm cùng 2 vòng hoa của Đạo Tràng và của Gia Đình Phật Tử  đi trước Chư Tăng và sau là hàng ngủ Phật Tử các giới đã làm xao xuyến giòng người tấp nập qua lại trên Cầu Trường Tiền và Đại Lộ Lê Lợi, họ đã dừng chân, quay phim, chụp bóng ghi lại một hình ảnh Tôn Giáo mà thực tế họ có thể chẳng hiểu nơi đây đã mở đầu một cuộc tranh đấu chống bạo quyền, kỳ thị Tôn Giáo và 8 Thánh Tử Đạo đã nằm xuống để Phật Giáo sống còn với Dân Tộc Việt.
Đúng 15g 30 dưới sự hướng dẫn của Hòa ThượngViện Trưởng, Hòa Thượng Thích Toàn Lạc, Hòa Thượng Thích Minh Quang và Đại Đức Thích Minh Ánh, cùng tất cả Phật Tử tiến vào Đài Kỷ Niệm. Các vòng hoa được thiết trí ngay phía trước, Chư Tăng dâng hương bạch Phật, lắng lòng tưởng niệm Chư Anh Linh các Thánh Tử Đạo hy sinh thân mạng để Đạo Pháp trường tồn, Tổ Quốc bền vững, Dân Tộc hạnh phúc.
Đoàn tuần hành quanh Đài Kỷ Niệm 3 vòng để thành kính cầu nguyện Quốc Thái Dân An, Toàn Vẹn Lãnh Thổ, Hạnh Phúc đến với tất cả Chúng Sanh.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, Đài Thánh Tử Đạo vẫn uy nghi bên cầu Trường Tiền và giòng Hương lờ lững, mặt trước khắc rõ danh tánh các vị Thánh tử Đạo đã hy sinh đêm mùng 8 tháng 5 năm 1963, tức đêm rằm tháng 4 năm Quý Mão PL. 2507:
Tâm Đồng – Đặng Văn Công 1950
Tâm Thành– Dương Viết Đạt 1950
Tâm Thanh – Nguyễn Thị Yến 1943
Tâm Thông– Nguyễn Thị Phúc 1948
Tâm Hiển– Lê Thị Kim Anh 1946
Tâm Thuận – Trần Thị Phước Trị 1946
Tâm Chánh – Nguyễn Thị Ngọc Lan 1959
Tâm Tôn – Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoà.1951
Phía sau bia tháp là bài minh bằng chữ Hán được viết theo lối chân phương khắc sâu vào đá cẩm thạch, mà đã có lời dịch vô cùng thống thiết:
“Toàn thiện thay, Tám vị Thánh!
Sanh là tuấn anh, chết thành Thánh linh.
Sông Hương núi Ngự, rạng rỡ kết tinh.
Chánh ngược triều Ngô thân dẫu gặp,
Hồn mai nước Phật kiếp lai sanh.
Thà cam nát thịt tan xương, giữ gìn Chánh pháp,
Mặc kẻ báng Tăng huỷ Phật, họ phải hy sinh.
Nhìn xưa rồi ngó lại nay, kẻ đại bi rồi mới là đại lực,
Không sau mà chẳng có trước,
Chỉ tranh đấu cho thấy uy danh.”
Các Anh Chị Thánh Tử Đạo qua 55 năm lịch sử giờ cũng đã trên dưới “thất thập cổ lai hy”. Các công trình chung quanh Đài Tưởng Niệm cũng đã bị đập bỏ chỉ còn bãi cỏ xanh như giử mãi tuổi thanh xuân của Quý Anh Chị những ngày xưa củ. 14 giờ 30 Lễ Tưởng Niệm kết thúc, các đơn vị ra về và hẹn gặp nhau trong ngày Khánh Đản tại Tu Viện Long Quang.
 Lễ đài Khánh đản trong khuộn viên Tu viện Long Quang, Huế
Lễ đài Khánh đản trong khuộn viên Tu viện Long Quang, Huế


III/ ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN TẠI TU VIỆN LONG QUANG
Dưới sự điều động của Hòa Thượng Thích Minh Quang, Chánh Văn Phòng Viện Hóa Đạo, Trú trì Tu Viện Long Quang, Lễ Đài được thiết trí cạnh Bảo Đình của Cố Đại Lão Hòa Thượng Viện Trưởng VHĐ Thích Như Đạt. Cổng chính của Tu Viện vẫn được tôn trí Quả Địa Cầu quay tròn mang dòng chữ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và Lễ Đài Chính vẫn được tôn tạo theo lối cổ điển với 5 tầng tượng trưng cho 5 sắc của lá cờ Phật Giáo, uy nghi trong vườn Chùa xanh mát.
 Cung nghinh chư Tăng về Lễ đài
Cung nghinh chư Tăng về Lễ đài


Từ các địa phương xa xuôi, các em đã về đây từ sáng tinh mơ, trước giờ cử hành Lễ Chính Thức, các em đã có những tiết mục ca hát Kính Mừng Khánh Đãn làm không khí thêm phần sôi động nhưng cũng không kém phần trang nghiêm.
 Htr. Hoàng Như Đạo giới thiệu thành phần tham dự và Chương trình Đại lễ
Htr. Hoàng Như Đạo giới thiệu thành phần tham dự và Chương trình Đại lễ


Đúng 7g30 sáng, dưới sự điều động của Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật tử Thừa Thiên, tất cả Phật Tử đã đứng thành hai hàng rào danh dự từ Giảng Đường, vòng quanh Tu Viện ra đến Lễ Đài để chuẩn bị cung nghinh Chư Tôn Đức.
Năm nay, Hòa Thượng Thích Nhật Ban, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Kiến Thiết  từ Đồng Nai ra Tu viện Long Quang chủ trì Đại Lễ Phật Đản. Ngài đã dẫn đầu Chư Tăng quang lâm Lễ Đài, đi trước có dàn bát âm làm cho không khí buổi lễ thêm phần uy nghi như mọi năm và hai bên có đoàn dâng hoa của các em Oanh Vũ cung nghinh với nhiều sác màu rực rỡ.
Khi Chư Tăng đã an trí trên Lễ Đài và Phật Tử đã tề chỉnh hàng ngủ, Huynh Trưởng Hoàng Như Đạo điều phối chương trình đã giới thiệu thành phần tham dự và thông qua Chương trình buổi lễ.
– Sau 3 hồi chuông trống bát nhã là Đạo Ca Phật Giáo Việt Nam trầm hùng vang dội trên dòng Bồ Giang xanh biếc.
– Hòa Thượng Thích Minh Quang đăng đàn tuyên đọc Thông Điệp Phật Đản của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, nêu bật những nét chính yếu mà người Phật tử phải thực hiện trong mùa Phật Đản năm nay để hoằng dương Chánh Pháp, lợi ích quần sanh, góp phần tịnh hóa  nhân gian trước những diễn biến phức tạp của Pháp nạn và Quốc nạn chỉ được chuyển hóa nếu tất cả Phật tử thực hành Pháp Môn VÔ TẬN ĐĂNG.
 HT Thích Minh Quang tuyên đọc Thông điệp Phật Đản của Đức Tăng Thống
HT Thích Minh Quang tuyên đọc Thông điệp Phật Đản của Đức Tăng Thống


– Thông Bạch Phật Đản của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo được Hòa Thượng Thích Toàn Lạc tuyên đọc trang trọng trước đông đảo đồng bào Phật tử dự lễ, Hòa Thượng đã nhấn mạnh sự Thâm Nhập Yếu Chỉ của Thông Điệp do Đức Tăng Thống ban hành làm kim chỉ nam cho đời sống tâm linh cũng như đời sống xã hội trước thời cuộc nhiễu nhương ảnh hưởng đến tâm sinh lý của toàn thể nhân loại nói chung và dân tộc Việt nói riêng.
 HT Thích Toàn Lạc tuyên đọc Thông bạch Phật Đản của Viện Hoá Đạo
HT Thích Toàn Lạc tuyên đọc Thông bạch Phật Đản của Viện Hoá Đạo


Sau phần nghi thức Hành Chánh là Lễ Dâng Hoa cúng dường Phật Đản do các em Oanh Vũ và Thiếu Nữ Gia Đình Phật Tử thực hiện làm cho Lễ Đài thêm trang nghiêm rực rở và lòng người thêm rộn rã một mùa Đản Sanh xao xuyến lòng người
– Phút Nhập Từ Bi Quán tưởng niệm Chư Lịch Đại Tổ Sư đã dày công giử Nước, dựng Văn,  đem lại an lạc cho lịch sử Dân Tộc Việt Nam qua 2000 năm Phật Việt.
– Tưởng nhớ các Thánh Tử Đạo, các bậc Tiền Bối hữu công đã hy hiến thân mình để Tổ Quốc quang phục, Đạo Pháp xương minh.
– Cầu nguyện cho những người đang chịu hy sinh, tù đày, áp bức vì hạnh phúc của toàn dân Việt nói riêng và cũng của toàn nhân loại nói chung.
 Thành kính hướng về Lễ Đài
Thành kính hướng về Lễ Đài


– Phần nghi lễ Phật Đản bắt đầu với bài Trầm Hương Đốt quyện theo hương trầm ngào ngạt với bài kinh Khánh Đản vang động trong không gian yên tỉnh và trong lòng người con Phật
– Sau đó là Lễ Phóng Sanh đã được thực hiện, hằng trăm chú chim tìm về tổ ấm trong niềm hoan hỷ của đồng bào Phật Tử, tiếng líu lo thoát vòng tù đày của bầy chim nhỏ bé làm rộn rã vòm cây khóm lá khiến hằng vạn tấm lòng dâng cao đức tính Từ Bi.
– Theo đề nghị của Chư Tăng, Lễ Mộc Dục được thực hiện trang trọng ngay trên Lễ Đài, sau Chư Tôn Đức, Phật tử các giới tuần tự lên Lễ Đài tỏ lòng thành kính Thế Tôn nhân ngày Thị Hiện Đản Sanh.
– Từ Lễ Đài, Hòa Thượng Chủ Lễ đã hướng dẫn toàn thể Phật Tử hướng đến Bảo Đình của Cố Hòa Thượng Viện Trưởng Thích Như Đạt đặt vòng hoa “Tưởng Niệm Ân Sư” ghi nhớ công ơn của Người đã sát cánh Đức Tăng Thống trong giai đoạn khó khăn nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
– Sau phần Hồi Hướng, Đại Lễ kết thúc với những bài hát truyền thống do các em Gia Đình Phật Tử thực hiện thêm phần lưu luyến khi chia tay, hẹn ngày tái ngộ.
IV : ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN ĐẶC TRƯNG TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG :
Theo thông tin từ các địa phương báo trình, tất cả các Ban Đại Diện GHPGVNTN tại các Tỉnh, Thành đều có tổ chức Đại Lễ Phật Đản tùy theo tình hình trú xứ dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền. Không thể tưởng niệm Ngày Đản sinh bằng hình thức nên đa số tổ chức Tu Bát Quan Trai, thực hiện các công tác từ thiện xã hội, thăm và động viên tinh thần tín đồ…
– Tại Nha Trang, Khánh Hòa, Ban Đại Diện GHPGVNTN tổ chức Đại Lễ Chính Thức tại chùa Linh Phong, trú xứ của Hòa Thượng Thích Chí Viên, Chánh Đại Diện kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa, Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN. Tại đây trước đông đảo đồng bào Phật Tử và Gia Đình Phật Tử về dự lễ, Hòa Thượng Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa đã tuyên đọc Thông Điệp Phật Đản của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Huynh Trưởng Cấp Dũng Lê Văn Thạnh tuyên đọc Thông Bạch Đại Lễ Phật Đản của Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo.
Ngoài ra do hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, không thể tập trung đông đảo, không thể hội họp, do đó Hòa Thượng thích Đồng Tu, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Viện Hóa Đạo GHPGVNTN đã thiết trí Lễ Đài tại Chùa Vạn Đức, trú xứ của Ngài để Phật tử địa phương được chiêm bái, đãnh lễ.
Hòa Thượng Thích Thiện Dương, Phó Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Khánh Hòa cũng đã thiết trí Lễ Đài tại Chùa Linh Sơn để cúng dường Phật Đản và để Phật tử địa phương chiêm bái đãnh lễ nhân ngày Khánh Đản Đức Thế Tôn.
– Đặc biệt nhất là Đại Lễ Phật Đản tại Quảng Nam Đà Nẵng, khi Chùa Giác Minh vẫn bị bao vây sau 7 năm tròn chịu đựng. Không một Phật Tử nào được đến lễ bái hay cúng dường. Trước Ngày Đại Lễ, Chính Quyền đã họp dân và thẳng thừng tuyên bố: Đồng Bào đi chùa nào cũng được nhưng không được đến Chùa Giác Minh. Nếu ai bất tuân thì sẽ gánh lấy hậu quả khó lường.
Sau đó Công An, Dân Phòng đã tập trung canh gát các ngã đường về Chùa “con kiến cũng không vào lọt”. Tuy nhiên Hòa Thượng Viện Trưởng và Chư Tăng Nội Tự vẫn thiết lập Lễ Đài đơn giản tại Chánh Điện, nghi thức Khánh Đãn vẫn được thực hiện đầy đủ từ tuyên đọc Thông Điệp, Thông Bạch cho đến các Nghi Lễ cúng dường hoàn mãn, chỉ tiếc là người tham dự không phải là Phật Tử mà là hằng trăm giới chức Chính Quyền đang bao vây Chùa.
– Tại Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Nguyên Lý, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội/Viện Hóa Đạo/GHPGVNTN cũng đã tổ chức trang trọng ngày Khánh Đản Đức Từ Phụ qua việc thiết trí các công trình tưởng niệm như Vườn Lâm Tỳ Ni, Vườn Lộc Uyển… để đồng bào phật Tử và Gia Đình Phật Tử chiêm bái khi vân tập về đây cử hành Đại Lễ Chính Thức.
Kính Bạch Chư Tôn Đức
Kính thưa Liệt Quý Vị
Một mùa Phật Đản lại về với chúng sinh, với nhân loại, trong niềm lo âu cho tiền đồ Dân Tộc và Đạo Pháp, chúng con xin nguyện tiếp bước Chư Lịch Đại Tổ Sư, Chư Tiền Bối Hửu Công, Chư Anh Linh Thánh Tử Đạo, trong tinh thần Từ Bi, Trí Huệ và Bình Đẳng của Đạo Như Thật do Đức Tăng Thống lãnh đạo cùng Chư Tôn Hội Đồng Lưỡng Viện trong công cuộc giải trừ Quốc Nạn và Pháp Nạn dưới sự soi chiếu của ánh sáng Vô Tận Đăng qua Thông Điệp của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống ban hành trong ngày kỷ niệm Thế Tôn Thị Hiện.
NAM MÔ LÂM TỲ NI VIÊN VÔ ƯU THỌ HẠ THỊ HIỆN ĐẢN SANH
BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Phật Lịch 2562, Tu Viện Long Quang,
ngày 31.5.2016 (17.4.Mậu Tuất)
TL. HT Viện Trưởng Viện Hoá Đạo,
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Tổng Thư Ký
Nguyên Chánh LÊ CÔNG CẦU
(ấn ký)

No comments:

Post a Comment