PARIS, 17.4.2018 (PTTPGQT) — Trong chương trình phát thanh về Việt Nam tối hôm nay, thứ ba 17 tháng 4 năm 2018, Phóng viên Ỷ Lan của Đài Á châu Tự do đã phỏng vấn Dân biểu Hoa Kỳ Alan Lowenthal về kế hoạch thực hiện cuộc bảo trợ chính thức Người tù vì Lương thức Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn ấy :
Phỏng vấn Dân biểu Alan Lowenthal về kế hoạch bảo trợ
Người Tù vì Lương thức Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ
Nhân việc Dân biểu Alan Lowenthal thuộc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos ở Hạ viện Hoa Kỳ chính thức bảo trợ cho Người Tù vì Lương thức Tăng Thống Thích Quảng Độ, chúng tôi tìm gặp Dân biểu để hỏi cụ thể việc bảo trợ này thực hiện ra sao, theo những kế hoạch nào để đạt mục tiêu trả tự do cho Đức Tăng Thống. Đồng thời qua việc bảo trợ này Dân biểu muốn gửi đến Nhà cầm quyền Việt Nam thông điệp gì ? Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.
Ỷ Lan : Thưa Dân biểu Alan Lowenthal, ông vừa chính thức bảo trợ Người Tù vì Lương thức Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Hạ viện Hoa Kỳ. Ông có cảm tưởng như thế nào khi ra tay động thủ ?
Dân biểu Lowenthal : Tôi rất, rất vui lòng thấy chúng tôi đang có bước tiến mới cho Đức Tăng Thống, Người Tù vì Lương thức. Nay tôi có thể chung cùng với tất cả các thành viên thuộc Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos vận động trả tự do cho Đức Tăng Thống.
Ỷ Lan : Dân biểu vui lòng cho biết tiến trình bảo trợ sẽ thưc hiện ra sao ? Kế hoạch hoạt động như thế nào kể từ khi Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ chính thức được bảo trợ như Người Tù vì lương thức ?
Tôi nghĩ rằng việc bảo trợ này chính thức cho phép tiến hành bước thứ hai. Năm 2015, tôi là thành viên của Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ và Phân Uỷ ban Châu Á, phái đoàn chúng tôi viếng thăm Việt Nam và tìm cơ hội gặp gỡ Đức Tăng Thống tại Thanh Minh Thiền viện nơi ngài bị quản chế. Chúng tôi có cuộc trao đổi dài với ngài, lúc ấy tôi mới nhận thức đến tầm vóc quốc tế của nhà lãnh đạo tôn giáo này, và ý nghĩa kỳ vĩ của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ cho tất cả những ai quan tâm tới tôn giáo bất cứ ở đâu.
Bây giờ, Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, và chính thức bảo trợ ngài theo Kế hoạch Bảo vệ Tự do, là lúc chúng tôi có thể thực hiện mạnh mẽ. Điều này cho phép chúng tôi hành động chính thức cho ngài Thích Quảng Độ. Ví dụ, tháng trước đây tôi có dịp nói chuyện với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Dan Kritenbrink, tôi đã nêu trường hợp ưu tiên tối hậu cho ngài Thích Quảng Độ. Trong hai tuần lễ tới, Đại sứ sẽ có mặt ở Hoa Thịnh Đốn, tôi sẽ tìm gặp Đại sứ. Việt Nam Caucus của Hạ viện cũng sẽ gặp Đại sứ. Một trong những điều chúng tôi muốn nêu rõ với Đại sứ là vấn nạn Tù nhân vì lương thức, xem Đại sứ có thể làm gì trong cương vị Tân Đại sứ để mang tới thông điệp mạnh mẽ cho nhà cầm quyền Việt Nam. Tuần tới tôi sẽ gặp bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ Bảo vệ Tự do tôn giáo trên Thế giới, bà cũng đã chính thức bảo trợ cho Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, để bàn tới một chiến lược hoạt động chung.
Nay ngài đã được chính thức công nhận như Người Tù vì lương thức, Hạ viện sẽ có cơ hội tập họp quanh ngài, bởi vì ngài là một cá nhân độc đáo. Trả tự cho ngài là điều nhân đạo phải thực hiện ngoài những vấn đề chính trị khác. Tôi không hiểu vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại sợ hãi ngài đến thế.
Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ năm nay 90 tuổi ; nhân dân trên khắp địa cầu ngưỡng mộ và âu lo cho ngài. Đã đến lúc nên hành động theo đường lối từ bi. Chúng tôi đã có một số kế hoạch sẽ thực hiện. Một Nghị quyết đã được Dân biểu Randy Hultgren đệ nạp Hạ viện, đề nghị tổ chức một “Ngày Tù nhân vì Lương thức” trên toàn quốc, tôi tin rằng Đức Tăng Thống sẽ là gương mặt trung tâm cho ngày này – đương nhiên không chỉ có một người, vì chúng tôi quan tâm cho nhiều Tù nhân vì lương thức – nhưng Đức Tăng Thống chiếm một không gian duy nhất.
Ỷ Lan : Dân biểu bảo trợ Đức Tăng Thống vào lúc Việt Nam mở những cuộc đàn áp hung tợn các nhà bất đồng chính kiến tôn giáo và chính trị cũng như những nhà hoạt động nhân quyền. Riêng trong tháng này đã có một loạt xử án bất công với những án tù 12 đến 15 năm. Như ông đã từng nói, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là biểu tượng cho phong trào đang lên, đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Như vậy khi bảo trợ cho Đức Tăng Thống, phải chăng ông muốn gửi một thông điệp đến nhà cầm quyền Cộng sản ?
Dân biểu Lowenthal : Tuyệt đối là như vậy. Đây là Thông điệp cho việc ưu tiên của chúng tôi. Chúng tôi đã từng thấy những cuộc đàn áp khi lên khi xuống tại Việt Nam. Khi tôi có mặt tại Việt Nam năm 2015, chúng tôi thảo luận với Việt Nam về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế là trong một thời gian ngắn, Việt Nam giảm thiểu các cuộc bắt bớ, rồi trả tự do cho một vài tù nhân. Lý do hiển nhiên là họ muốn có quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Hạ viện, trong quan hệ với Việt Nam, nhận thức ra điều này. Như chị nói, đang có những cuộc đàn áp lớn đối với các nhà hoạt động nhân quyền, những ai đòi hỏi tự do cá nhân và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Đáng tiếc không chỉ ở Việt Nam thôi đâu – tại Cam Bốt và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chúng tôi thấy rõ những kiểm soát độc đoán, và sự gia tăng của chính quyền chống dân chủ. Nhưng tôi nghĩ rằng Việt Nam đang bị kẹt giữa sự mong ước Hoa Kỳ tăng trưởng viện trợ kinh tế, đồng thời lại muốn quyết liệt đàn áp giới bất đồng chính kiến. Thì đây là lúc để nói thẳng rằng :
Nếu quý vị muốn viện trợ kinh tế gia tăng, quý vị phải tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo.
Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng tốt đẹp nhất Hoa Kỳ có thể mang lại là như thế. Chúng ta phải có chung một lịch trình bao gồm hai vấn đề kinh tế và nhân quyền. Nhân quyền phải là ưu tiên tối cao. Hiện nay điều này chưa xẩy ra, nhưng tôi nghĩ rằng sự kiện bảo trợ Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ là một bước tiến nâng cao sự giải quyết vấn nạn, và cũng là nâng cao sự giải quyết những hiểm nguy đang xẩy ra trong thực tế ở Đông Nam Á với hiện tượng xa lìa dân chủ.
Ỷ Lan : Xin cám ơn Dân biểu Alan Lowenthal.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Paris
No comments:
Post a Comment