Monday, 14 March 2016

THÔNG CÁO BÁO CHÍ (ngày 11-3-2016) Công an Huế đòi trục xuất Đạo hữu Lê Công Cầu, Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo — Tưởng nhớ Sư Bà Thiều Hoa nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ — Bài Góp ý của Bác sĩ Minh Phúc Trần Quốc Hưng


PARIS, ngày 11.3.2016 (PTTPGQT) - Từ một tháng qua, Ông Lê Công Cầu, Tổng Thư Ký Viện Hoá Đạo, Giáo hội Phật gíao Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bị Công an Thưa thiên – Huế bức bách đòi đuổi ra khỏi nơi cư trú và địa phương. Tình trạng ngày càng căng thẳng. Dù ông Cầu đã nghiêm chỉnh muốn thi hành lệnh đuổi, nên đi tìm nơi khác thuê ở, dù ông đã cư ngụ căn nhà hiện tại từ 13 năm qua. Dần dà ông tìm ra 5 nơi cho thuê, ông chồng tiền cọc. Nhưng đến ngày tới ký giấy tờ và đăng ký hộ khẩu, thì chủ nhà thối thác, người thì bảo chồng không muốn cho thuê, con không muốn cho thuê, hoặc nhà cần sửa chữa, v.v…
alt
Thực tế là công an Huế đã ra lệnh cho năm nơi ấy không được cho ông Cầu thuê. Rõ nhất là nơi ông cư ngụ hiện tại, Công an áp lực chủ nhà phải bỏ hợp đồng cho thuê, vì ông Cầu là người “nguy hiểm”. Nếu không tuân lệnh sẽ bị cắt điện và nước. Nên chủ nhà đành thúc thủ.
Sáng ngày 9-3 vừa qua, công an phường triệu ông Cầu tới làm việc. Nội dung không thay đổi : ông phải rời khỏi nơi cư ngụ và địa phương. Lý do ? Có hai : Một là ông phục vụ cho GHPGVNTN là tổ chức bất hợp háp ; hai là từ hai năm qua chúng tôi đã mất ngọn cờ đầu thi đua !
Mạng sống và nhân phẩm của người Phật tử Việt Nam thua xa mảnh vải cờ thi đua ! Thi đua gì ? Thi đua vượt chỉ tiêu hại dân, bán nước. Miệng Nhà nước Cộng sản nói : “Công an là bạn Dân”, “Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân”, nhưng thực tế là Chính quyền hiếp Dân, hại Dân, giết Dân ! Không cho Dân Quyền Sống tối thiểu, nói chi Nhân quyền và Nhân phẩm.
Để rõ tính cách “Bạn” Dân của Công an Huế, chúng tôi đăng tải dưới đây Biên bản làm việc với Công an, và Thư Phản kháng của ông Lê Công Cầu gửi Nhà cầm quyền địa phương :
Biên bản làm việc với Công an sáng ngày 9-3 :
Sau khi gởi “Thư Phản Kháng” trước cho Công An Phường Trường An. Họ yêu cầu khoan gởi các cấp trên để họ nghiên cứu.
Sáng nay em nhận được Giấy Mời Làm Việc lúc 8 giờ sáng.
Tại buổi làm việc không chỉ có công an Phường Trường An mà có 3 công an Thành Phố và 1 công an Tỉnh.
Mở đầu buổi làm việc :
Công an (CA) : Vì sao ông không tôn trọng lời hứa là rời khỏi nhà 154 Phan Bội Châu và Phường Trường An ngày 7.3.2015.
Lê Công Cầu (LCC) : Tôi tôn trọng chứ, tôi đã chạy đôn chạy đáo khắp nới để thuê nhà, nhưng không có địa phương nào cho tôi tạm trú.
CA : Chúng tôi biết là Công An Phường Thuận Hòa nơi Hộ Khẩu gốc của ông đã cho ông tạm trú, tại sao ông lại làm Thư Phản Kháng.
LCC :  Đúng, nhưng tôi thấy các ông đối xử với tôi như súc vật, ưa cho ở là ở, ưa đuổi đi là phải đị. Việc trục xuất tôi là phi Hiến Pháp và vô Đạo Đức nên tôi Phản kháng.
CA : Ông biết vì sao ông bị trục xuất không ?
LCC : Không.
CA : Vì ông hoạt động cho GHPGVNTN làm cho địa phương mất cờ thi đua phong trào toàn dân.
LCC : Ở đây có 2 vấn đề :
Thứ nhất, các ông sợ mất cờ thi đua mà đuổi tôi đi, vậy tôi xin hỏi các ông làm việc vì dân hay vì thành tích.
Thứ hai tôi yêu cầu các ông không được bàn tới GHPGVNTN vì 2 năm qua tôi làm việc với công an, tôi đã xác minh : lý tưởng GHPGVNTN tôi vẫn giữ, việc của tôi, tôi vẫn làm trong phạm vi Hiến Pháp quy định. Phía công an cũng đã kết luận : Chúng tôi không bắt ông, không truy tố ông vì việc làm của ông chưa cấu thành tội phạm. Vậy tôi chẳng có tội chi cả.
Tôi không có tội, tại sao các ông cướp quyền công dân của tôi, trục xuất tôi ra khỏi địa phương. Do đó, hôm nay tôi đến đây là để kháng cáo việc làm phi pháp và phi đạo đức của các ông, ngoài ra tôi không bàn chuyện khác.
Nếu các Ông không giải quyết buộc lòng tôi phải kháng cáo lên cấp trên.
CA : Chúng tôi làm là vì quần chúng nhân dân phản ảnh là ông làm mất an ninh trật tự.
LCC : Quần chúng nhân dân là ai, xin các ông cho tôi biết. 13 năm qua tôi chỉ một mình trên gác trọ, tôi không hề tiếp xúc với ai vậy họ hiểu tôi như thế nào mà phản ảnh. Tôi không hề làm phiền họ mà chính các ông đã làm mất an ninh trật tự tại khu phố nầy vì các ông thường canh gát nhà tôi, có khi cả vài chục công an bao vây nhà tôi làm cho người dân hoang mang chứ tôi có làm gì đâu ?
CA : Trở lại vấn đề là chúng tôi yêu cầu ông phải thi hành việc ra khỏi Phường Trường An như ông đã hứa, ông không được làm sai lời hứa của mình.
LCC : Xin lỗi các ông, một kẻ tội phạm khi ở trong trại giam lo sợ bị tra khảo, nhục hình nên họ phải khai theo sự mớm cung của cán bộ, đến khi ra Tòa họ có quyền phản cung. Trường hợp của tôi cũng tương tự. Khi chính quyền ra lệnh trục xuất, tôi không muốn gây hấn với chính quyền nên tôi hứa, nhưng suy nghĩ lại thấy lệnh trục xuất là phản Pháp Luật, Phản Đạo Đức, tàn ác, nên tôi không thi hành.
Nay các Ông không đáp ứng yêu cầu của tôi, tôi sẽ khiếu nại đến các cơ quan cao cấp.
Trong thời gian chờ giải quyết tôi vẫn tạm trú tại số nhà 154 Phan Bội Châu như cũ, xin báo để các Ông biết.
CA : Im lặng
(biên bản ký lúc 10 giờ cùng ngày) 
Thư Phản kháng gửi các cơ quan đương quyền các cấp
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
--------------------------------------------------------------------------------
THƯ PHẢN KHÁNG
V/V BỊ TRỤC XUẤT RA KHỎI NƠI CƯ TRÚ
VÀ RA KHỞI ĐỊA PHƯƠNG

  
Kính gởi :
- Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ông Giám Đốc Công An tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế
- Ông Giám Đốc Công An thành Phố Huế
Kính qua :
- Ông Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Trường An
- Ông Trưởng Đồn Công An phường Trường An
Kính thưa Quí Ông,
Tôi tên là LÊ CÔNG CẦU sinh năm 1951
Quê quán Thôn Phú Ốc, thị Trấn Tứ Hạ, Thị Xã Hương Trà, Tỉnh Thừa Thiên Huế
Hộ khẩu thường trú : 83 Thạch Hản, phường Thuận Hòa, thành phố Huế.
Nơi tạm trú : 154 Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế.
Vì lý do kinh tế, tôi phải bán nhà để vợ con vào Đà Nẵng sinh sống.
Cá nhân tôi vì lý do gia đình nên phải ở lại Huế và thuê nhà tạm trú tại 154 Phan Bội Châu từ năm 2003 cho đến nay 2016 là 13 năm tròn, đã làm mọi nghĩa vụ đối với địa phương.
Tôi không hiểu vì lý do nào mà trong những ngày giáp tết Bính Thân, Công An phường Trường An đã gọi chủ nhà trọ của tôi lên làm việc, hăm dọa và buộc chủ nhà không cho tôi tạm trú và bắt tôi phải rời khỏi chỗ ở trong thời gian nhanh nhất.
Chủ nhà tôi đã trả lời là tôi cho Ông Cầu thuê đã 13 năm để lấy tiền nuôi  con cái ăn học, chúng tôi xem ông như người nhà nên tôi không thể đuổi ông đi, nếu Ông Cầu vi phạm pháp luật thì các ông cứ bắt.
Sau đó Công An mời chủ nhà làm việc lần thứ hai và ra lệnh hạn chót là ngày 20 tháng giêng âm lịch, nếu Ông Cầu không đi là cắt điện nước toàn bộ gia đình, nên chủ nhà rất hoảng sợ.
- Ngày 26 Tết, một bọn người ăn mặc thường phục nhưng nói năng lỗ mãng, côn đồ, đến nhà tôi nói rằng “Công an biểu anh ra khỏi nhà !”, bắt tôi phải dọn đi ngay nếu không họ sẽ có thái độ.
Ngày 28 Tết, bọn người ăn mặc thường phục nhưng nói năng lỗ mãng, côn đồ nói trên lại đến, buộc tôi ngày mồng 3 Tết phải ra đi nếu không là họ sẽ vất đồ đạc của tôi ra ngoài ( trong lúc nầy chủ nhà về quê ăn tết vắng ).
Nhận thấy sự việc nghiêm trọng cho nên tôi phải đến trình với Công An phường Trường An.
Tại buổi gặp nầy, Ông Trưởng Đồn Công An xác nhận việc trục xuất Ông ra khỏi nhà và ra khỏi phường Trường An gấp là lệnh cấp trên vì “phong trào thi đua toàn dân”, Ông phải cam kết ra đi hạn chót là ngày 29 tháng giêng âm lịch tức là ngày 07 tháng 3 năm 2016.
Để tỏ lòng hòa hiếu với chính quyền, tôi đã đi khắp thành phố Huế thuê một nơi tạm trú .Khi làm hợp đồng thì chủ nhà rất vui vẻ nhưng khi đến công an đăng ký tạm trú cho tôi về thì chủ nhà đổi ý không cho thuê nữa, tôi có cảm nghĩ là chính quyền đang dồn tôi vào thế cùng, không nơi nương tựa. Do vậy thời hạn chính quyền bắt buộc đã hết, tôi cũng đã làm hết sức mình nhưng vẫn chưa có chỗ nhất định.
Kính thưa Quí Ông,
Điều quan trọng là tôi xét thấy lệnh trục xuất tôi ra khỏi nhà trọ và ra khỏi Phường Trường An là một quyết định vừa vi phạm Hiến Pháp vừa vô đạo đức.
Do đó, hôm nay tôi quyết định gởi Thư Phản Kháng nầy đến Quí Ông nghiên cứu và giải quyết cho yêu cầu của tôi như sau :
1/. Căn cứ Điều 22 Chương 2 của Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 viết :
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Vậy tôi thuê nhà và chủ nhà cho tôi thuê có gì sai phạm ?
Chủ nhà không hề yêu cầu công an trục xuất tôi mà trái lại công an áp lực chủ nhà không cho tôi ở, vậy có phải công an đã bất tuân Hiến Pháp không ?
2/. Căn cứ Điều 23 Chương 2 của Hiến Pháp sửa đổi năm 2013 viết :
Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Tôi không bị mất quyền Công Dân, tại sao tôi bị trúc xuất ra khỏi nhà trọ và ra khỏi phường Trường An. Tôi bị tước quyền công dân khi nào ? Vậy hành động của Công An có phải đã làm sai Hiến Pháp không ?
3/. Căn cứ Chương thứ 5 Điều 37 của Bộ Luật Hình Sự cũng viết :
Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm tú và thường trú ở một số địa phương nhất định .
Tôi chưa hề bị kết án, chưa hề bị phạt tù, tại sao tôi lại bị cấm cư trú ? Việc cấm cư trú nầy rõ ràng công an đã không tôn trọng những điều quy định trong Bộ Luật Hình Sự chứ không phải tôi bất tuân pháp luật.
Kính thưa Quí Ông,
Hơn 30 năm qua với hàng trăm buổi làm việc và thẩm vấn, tôi vẫn khẳng định rằng lý tưởng của tôi là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi không từ bỏ lý tưởng và tôn giáo của tôi. Việc của tôi, tôi vẫn làm trong phạm vi luật pháp cho phép, để mong có một ngày Nhà Nước trả lại Pháp Lý cho Giáo Hội chúng tôi, để chúng tôi được tự do sinh hoạt tôn giáo.
Đối lại, qua các buổi làm việc ấy, phía Công An cũng đã kết luận, chúng tôi không bắt ông, không bỏ tù ông vì việc làm của Ông chưa cấu thành tội phạm.
Vậy tại sao hôm nay các ông đối xử với tôi như một tội phạm ?
Do đó tôi yêu cầu các ông các vấn đề sau :
1/. Xin tôn trọng quyền cư trú hợp pháp của tôi tại số nhà 154 Phan Bội Châu Phường Trường An thành Phố Huế như những điều mà Hiến Pháp đã qui định nêu trên
2/. Không gây khó khăn và áp lực cho chủ nhà tôi trọ vì việc cho thuê nhà để lấy tiền nuôi con cái của họ là hoàn toàn đúng pháp luật.
3/. Trong thời gian chờ đợi giải quyết tôi vẫn cư trú tại 154 Phan Bội Châu thành phố Huế, cho đến khi nào Chính Quyền có một giải pháp hợp lý theo luật định.
Xin Quí Ông đừng đẩy một người cao tuổi như tôi vào bước đường cùng, trái với luật pháp, đạo đức là luân lý của người Việt Nam
Trân trọng kính chào Quí Ông
Huế ngày 7 tháng 3 năm 2016
Ký tên
LÊ CÔNG CẦU
KÍNH XIN ĐÍNH KÈM “LỜI PHÁT NGUYỆN”
Kính dâng : Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN
                   Hòa Thượng Viện Trưởng Viện Hóa Đạo
                   Chư Tôn Hội Đồng Lưỡng Viện
                   Hòa Thượng XLTV Văn Phòng II VHĐ
                   Kính tường
Kính gởi - Ông Chủ Tịch Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam
                 
Kính xin can thiệp lên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc              - GS Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giao Quốc Tế
                 kiêm Phát Ngôn Nhân Viện Hóa Đạo
                 
Kính xin phổ biến đến các cơ quan truyền thông cùng đồng bào                 Phật tử trong và ngoài nước.              - Anh Chị Em Huynh Trưởng và Đoàn Sinh GĐPT các cấp.
                 KÍNH XIN HOAN HỶ
              - Lưu./.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3,
Tưởng nhớ Sư Bà Thiều Hoa cầm quân chống giặc Hán


Lời Giới thiệu : Thưa quý Bạn đọc, ngày 8 tháng 3 là Ngày Quốc tế Phụ Nữ. Xuất phát từ Hoa Kỳ năm 1857, với sự kiện những công nhân phụ nữ ngành dệt xuống đường đòi hỏi cải thiện điều kiện và lương bỗng lao động. Một phụ nữ giương cao tấm biểu ngữ đòi hỏi “Bánh mì và Hoa Hồng” gợi hứng cho bài hát sau này ca tụng phong trào phụ nữ của nhạc sĩ James Oppenheim. Nhưng cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp đổ máu, song từ đó phong trào phụ nữ bùng lan khắp thế giới.
Tại Hội nghị Quốc tế Phụ nữ lần II, năm 1910, ở thủ đô Copenhague, Đan Mạch, nhà báo nữ người Đức, bà Clara Zetkin, đề xuất lấy ngày 8 tháng 3 làm Ngày Phụ nữ Quốc tế đề cao vai trò của mọi tầng lớp chị em năm châu, tôn vinh những người phụ nữ đấu tranh cho quyền bình đẳng giới tính, và nhân phẩm người nữ trên toàn cầu. Mãi đến năm 1970, LHQ mới chính thức công nhận ngày 8 tháng 3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Nước ta, xưa không có Ngày Phụ Nữ, nhưng sự xuất hiện của người Phụ nữ đứng đầu sóng ngọn gió trong việc chống xâm lăng, bảo vệ biên cương lãnh thổ dân tộc, ngoài nhiệm vụ chu toàn chồng con, là điều xẩy ra rất sớm trong chiều dài lịch sử trên Hai nghìn năm  Việt Nam. Cuộc kháng chiến Vệ Quốc đầu tiên trong lịch sử dân tộc do Hai Bà Trưng lãnh đạo, rồi đến Bà Triệu, vân vân. Một nhân vật chiến đấu thời Hai Bà Trưng ít ai nhắc nhở là Sư Bà Thiều Hoa.
Đọc sử, chúng ta biết sau cuộc thất trận năm 43 Tây lịch. Nhiều nữ tướng rút về các chùa viện ẩn náu, như Bát Nàn phu nhân, nữ tướng Tiên La. Đặc biệt có bà Thiều Hoa tu ở chùa Phúc Khánh, nay là chùa Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ. Nghe tin hai Bà Trưng dấy nghiệp hộ quốc, năm 37 Tây lịch, bà mộ 500 người đến hộ chiến hai Bà. Ngày nay đền thờ của bà còn treo bức đại tự “Diệt Bạo Tướng Phật” và nhiều câu đối nhắc việc bà phò tá cuộc kháng chiến vệ quốc chống xâm lược Hán này.
Một trong những truyền thống hành hoạt của Phật tử Việt Nam là chống ngoại xâm, chống bất công xã hội để giải phóng con người, bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm. Một tác phong biểu hiện tinh thần Bồ Tát đạo của Phật giáo Đại thừa. Tinh thần này đã bộc lộ trong bản Kinh tiếng Việt đầu tiên có tên Lục Độ Tập Kinh, ra đời giữa thế kỷ II và III Tây lịch. Bà Thiều Hoa và Phật tử Việt Nam đã thực hiện câu kinh : “Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trường hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than» ; hoặc «Loài lang sói không thể nuôi, người Ác không thể làm vua !”.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 Tháng 3
Tưởng nhớ đến người Phụ nữ thời Hai Bà Trưng :
Sư bà Thiều Hoa
Hai ông bà Hoàng Phụ và Đào Thị Côn nhà nghèo, sống ở động Lăng Xương cạnh sông Đà, bằng nghề kiếm củi và cày thuê cấy mướn. Lấy nhau đã lâu nhưng chưa có mụn con nào.
Một hôm hai ông bà qua sông lên núi Tản kiếm củi. Trưa đứng bóng, nóng chang chang hai người ngồi nghỉ dưới một gốc tùng, gió hiu hiu đưa ông bà vào giấc ngủ. Bà chợt thấy một người con gái xinh đẹp từ trong núi bước ra nghiêng đầu chào hỏi. Bà ngắm nghía cô gái, lòng cảm thấy yêu mến vô cùng, nắm chặt tay cô gái không nỡ buông. Bà dịu dàng hỏi : “Nàng ở đâu đến ?”. Người con gái khẽ rút tay và đáp : “Con là con gái của thần Tản viên, tên là Thiều Hoa. Ông bà có muốn nhận con làm con nuôi không ?” Bà âu yếm trả lời : “Già đâu dám thế, được con, già ta sẽ xem con như con đẻ”. Cô gái cười nói : “Bố mẹ để con đỡ gánh củi cùng về nhà”. Dứt lời bèn xốc gánh củi lên vai thoăn thoắt bước đi. Một lát chẳng thấy cô đâu nữa. Chợt tỉnh giấc, bà Đào Thị Côn biết là mộng, đem chuyện kể chồng nghe. Ông cười khà mà rằng : “Bà mong quá mà sinh mộng mị đấy thôi”.
Năm sau bà Côn sinh được một người con gái tươi đẹp, giống như người trong mộng nên đặt tên là Thiều Hoa. Thiều Hoa có sức khỏe hơn người và rất thông minh, tinh ý. Thương bố mẹ tuổi già nên ra công giúp đỡ cho ông bà đỡ vất vả.
Đến năm 14 tuổi thì Bố mẹ qua đời, Thiều Hoa chăn trâu, kiếm củi cho nhà chú. Một lần, nàng thi ném đá với bạn chăn trâu, ham chơi bỏ trâu đói, bị chú mắng. Rồi bị bà thím có tiếng khắc nghiệt, đay nghiến từng ngày. Tủi thân, Thiều Hoa bỏ nhà ra đi rày đây mai đó, cấy thuê làm mướn được một năm, sau về chăn trâu cho một hào trưởng xã Song Quan bên sông Thao.
Thời ấy, bọn quan quân nhà Hán ở vùng này thường hống hách nhiễu dân. Bao lần Thiều Hoa chứng kiến cảnh quân lính Hán cướp của giết người, phá làng đốt xóm. Bọn chúng còn chòng ghẹo, hành hạ các cô gái Việt có nhan sắc. Thiều Hoa tức tối sôi cả ruột gan.
Một hôm đứng trên gò cao nhìn xuống bãi sông, thấy mấy tên lính Tàu nắm râu một cụ già lôi đi xềnh xệch, Thiều Hoa quắc mắt mím môi, tay cầm chiếc gậy đánh cầu, chân chạy thẳng xuống bãi. Chợt nghe tiếng gọi nghiêm nghị : “Thiều Hoa kia, ngừng lại đừng chạy nữa !”. Giật mình xoay lưng thấy Sư bà ở chùa làng vẫy tay gọi, Thiều Hoa đứng lại, chạy tới ôm Sư bà khóc lên nức nở. Hai người đến ngồi dưới gốc đa trên gò. Sư Bà ôn tồn khuyên nhủ : “Con là người có tài có chí, nhưng tính khí còn sôi nổi lắm. Việc con cầm gậy đánh bọn lính Tàu chưa giải quyết được việc nước việc dân đâu !”. Thiều Hoa xin Sư Bà chỉ dạy. Sư Bà liền nói : “Dẹp bớt tính nóng nảy, hiếu thắng, biết nhìn xa trông rộng, không chỉ lo cứu cho một người mà quên cả triệu người bị đàn áp. Đó mới là người hào kiệt biết thương chúng sinh trong thời buổi này”.
Nghe lời dạy, Thiều Hoa chợt tỉnh ngộ, thưa với Sư Bà : “Con còn vô minh quá, nay Sư Bà đưa con ra khỏi chỗ tối tăm. Con xin ghi nhớ. Từ nay phải biết suy nghĩ, tính việc lâu dài, nuôi chí cứu dân ra khỏi cảnh lầm than, ra khỏi chốn ngục tù, nô lệ. Nhưng xin Sư Bà cho con theo về chùa để Sư Bà dạy dỗ”. Sư bà điểm nụ cười từ bi rồi nói : “Ta tuy người tu hành, một lòng tâm niệm giác ngộ, chứng nhập Niết Bàn. Nhưng không bao giờ quên nghĩa vụ cứu sinh linh đang trầm luân nơi bể khổ. Nếu con có chí lớn hãy theo ta về chùa”.
Từ đó, Thiều Hoa về hầu hạ Sư Bà, quét chùa, thắp hương, học kinh sách, tọa thiền. Dần dà Thiều Hoa tìm rủ bạn bè đến chùa học tập, tối tối cùng nhau luyện các môn võ nghệ. Cũng từ ngày đó, vườn chùa trở thành nơi rèn luyện, tụ tập người nghĩa khí, có lòng yêu nước thương dân. Với thời gian, Thiều Hoa trở nên trầm tĩnh nhưng cương quyết. Những lúc ra chợ, xuống làng, nàng nói cho dân làng và các các bạn trẻ cùng nghe chuyện giặc Hán tàn bạo, cướp nước ta, vơ vét của cải, biến dân ta thành trâu ngựa.
Một hôm, Sư Bà gọi Thiều Hoa đến, bảo cho biết ở Mê Linh có Hai Bà Trưng là con dòng lạc tướng, cháu gái các vua Hùng vừa ban hịch đuổi giặc Hán. Thiều Hoa vui mừng xin Sư Bà đến Mê Linh. Sư Bà gói lương khô cho Thiều Hoa và các bạn lên đường. Năm ấy, Thiều Hoa vừa mười tám tuổi.
Đến Mê Linh, Thiều Hoa và các bạn vào yết kiến Hai Bà Trưng, Thiều Hoa kể mọi nỗi khổ cực của nhân dân vùng sông Đà, sông Thao, cũng như niềm uất hận trong lòng. Hai Bà khen ngợi Thiều Hoa có nghĩa khí, giao cho về địa phương mộ quân, cùng nhau luyện tập, chờ lệnh khởi nghĩa.
Thiều Hoa trở về xã Song Quan, rong ruỗi các vùng tìm bạn mới, tổ chức thành đội ngũ, luyện tập võ công, rèn luyện đao khí. Khu rừng Hạ Khê hoang vắng giáp châu Thanh Xuyên, cách Song Quan ba dặm đường, là nơi Thiều Hoa cùng các bạn ẩn mình tụ nghĩa.
Khi nghe lệnh khởi nghĩa ban ra, năm 37 Tây lịch, Thiều Hoa mộ 500 nam nữ Phật tử vùng sông Thao tiến về Mê Linh hộ chiến. Hai Bà giao cho Thiều Hoa chức Tiên Phong Hữu Tướng, cầm quân bản bộ đánh Luy Lâu, dặn rằng phải cẩn mật và mưu trí, chớ khinh địch. Thiều Hoa lập công lớn trong trận vây hãm thành Luy Lâu.
Đuổi xong giặc, Bà Trưng lên ngôi vua, phong Thiều Hoa làm Đông cung Công chúa.
Hiện nay ở xã Hiền Quan, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ, còn lưu vết đền và miếu thờ Sư Bà Thiều Hoa, cũng như tại chùa Phúc Khánh là nơi ngày xưa Thiều Hoa tu. Miếu dựng ngay bên bờ sông, theo truyền thuyết là nơi thuở chăn trâu, Thiều Hoa thường ngồi vá quần áo. Bàn thờ trong miếu bày một cái mủng sơn son thếp vàng, đựng vài mụn giẻ rách tượng trưng cho thời niên thiếu khổ cực của Thiều Hoa.
Ngày nay đền thờ của bà còn treo bức đại tự “Diệt Bạo Tướng Phật” và nhiều câu đối nhắc việc bà phò tá cuộc kháng chiến vệ quốc này. Một trong những truyền thống hành hoạt của Phật tử Việt Nam là chống ngoại xâm, chống bất công xã hội để giải phóng con người, mà người phụ nữ Thiều Hoa, cũng là một bà Ni Phật giáo, là tấm gương sáng cho phụ nữ nước ta ngày nay.
Logo Tam tinh 4 phuongTÂM TÌNH BẠN ĐỌC 4 PHƯƠNG :Bác sĩ Minh Phúc Trần Quốc Hưng
  
Lời giới thiệu : Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế nhận được bài viết của Bác sĩ Minh Phúc Trần Quốc Hưng sau đây. Dù chưa hề gặp Bác sĩ lần nào. Nhưng qua mạng internet đọc được một số bài viết của Bác sĩ kể từ khi Sư Giác Đăng ly khai Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), bán lén Chùa Phật Quang là tài sản của Giao hội, tiếm danh để trao trọn quyền Giáo hội cho một người lạ, mà Phật tử chẳng ai biết quá khứ Phật giáo của ông, làm Chủ tịch. Đó là ông Stephen Điêu.
Ngôi Chủ tịch này được Sư Giác Đẳng tráo trở và phi pháp, đưa người vào Ban Điều hành GHPGVNTN / UBCV là tên mà Giáo hội đăng bạ pháp lý Hoa Kỳ ngày 3-7-2015 : Trước hết, Sư Giác Đẳng hạ Ban Điều hành từ BA người xuống HAI người không thông qua bầu bán, họp hành, để liền đó đưa con số HAI người lên thành TÁM — những người chưa bao giờ có chức vụ gì trong Văn Phòng II Viện Hoá Đạo. Hai rồi tám, như kẻ đánh cờ xua con Tốt thí lên bàn cờ tranh đạt. Cuối cùng, không đầy tháng hơn, trục xuất cả TÁM người để “đăng cai” MT NGƯỜI là ông Steven Điêu lên làm Chủ tịch duy nhất và độc nhất điều hành cái gọi là BAN ĐIỀU HÀNH UBCV là tên dịch tiếng Anh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).
Do bài viết không có tiêu đề, mà chỉ ghi chú ở chủ đề gửi Email “Góp ý xin phổ biến”. Chúng tôi mạn phép đặt tiêu đề bài dưới đây, mà chúng tôi nghĩ nói lên đầy đủ nội dung bài viết của Bác sĩ.
PTTPGQT
Góp ý với các Cơ Quan Truyền Thông Người Việt
hay là Nghĩ về sự cưỡng từ đoạt lý
của Nhóm Giác Đẳng – Điêu
Minh Phúc Trần Quốc Hưng
Sau hơn 40 năm, cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và khắp thế giới đã có những tiến bộ vượt bực về các mặt giáo dục, thương mại, và văn hóa. Cùng với các sắc dân Á Châu khác, người Việt đóng tròn vai trò của một “thiểu số gương mẫu” (model minority). Theo trào lưu dân chủ, cộng đồng Việt Nam tị nạn đã “trăm hoa đua nở,” với sự xuất hiện của hàng trăm tờ báo, hàng chục đài phát thanh và truyền hình. Những phương tiện truyền thông này giúp đồng bào chúng ta đỡ cô đơn nơi chốn quê người, biết được những tin tức trong cộng đồng và học hỏi để giúp thêm việc hội nhập vào một xã hội mới. Là tiếng nói của người Việt không cộng sản, các báo chí và các đài truyền thanh truyền hình cũng phản ảnh nguyện vọng một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, hùng cường và phát triển.
Cũng trong nguyện vọng đó, người viết mong được góp ý với một số cơ quan truyền thống nói riêng và, vì họ là tiếng nói tiêu biểu của cộng đồng, với cộng đồng người Việt chúng ta nói chung. Chúng ta là những người cùng chung một số phận vô tổ quốc, cho dù có mang giấy quốc tịch Mỹ và dòng máu Việt. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là đóng góp trong tất cả khả năng của mình để đem lại tự do dân chủ cho đất nước. Trên suy nghĩ đó, giới truyền thông cần phải vượt lên trên vai trò thường nhật để làm tròn cái bổn phận cao cả của người cầm bút. Bổn phận đó là nói lên sự thật và tranh đấu cho sự thật. Lúc tôi còn nhỏ, mẹ tôi bắt học thuộc lòng bài thơ Lời Mẹ Dặn của Phùng Quán, trong đó có đoạn :
Đi trọn đời trên con đường chân thật. 
Yêu ai cứ bảo là yêu 
Ghét ai cứ bảo là ghét 
Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
Cũng không nói yêu thành ghét 
Dù ai cầm dao dọa giết 
Cũng không nói ghét thành yêu 
Tôi muốn làm nhà văn chân thật 
chân thật trọn đời 
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 
Bút giấy tôi ai cướp giật đi 
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 
Người viết xin được áp dụng cái triết lý này vào cái vấn nạn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) mà chúng ta phải trải qua trong thời gian gần đây, cốt để đi tìm một sự chân thật cần thiết. Thời gian qua, chúng ta thấy các nhân vật trong nhóm của Luật Sư Điêu xuất hiện rất nhiều trên các đài truyền hình và truyền thanh ở khắp nơi. Đi đôi với các phỏng vấn, chúng ta nghe nhiều lần các khái niệm và từ ngữ hoa mỹ dùng để tả nhóm của họ, như truyền thừa, dân chủ, độc lập, hy sinh, pháp lý, dường như được chấp nhận một cách dễ dãi bởi một số nhà văn nhà báo. Xin phép được cùng tìm hiểu thêm về các khái niệm này để biết đúng sai vì nếu chúng ta lỡ chấp nhận sai là đúng, lấy trái làm phải, thì giá trị của các khái niệm này sẽ giảm đi và công cuộc tranh đấu chung cũng bị ảnh hưởng.
TRUYỀN THỪA :
Truyền thừa có hai vế. Theo Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh, đời trước trao lại đời sau làtruyền, đời sau nhận chịu lấy là thừa, như một người con đón nhận lại gia sản của cha ông. Nhóm Ông Điêu quảng cáo họ là truyền thừa của GHPGVNTN. Lý luận này có nhiều người tin nghe và được giới truyền thông liên tục phổ biến. Những người này bỏ qua một số chi tiết quan trọng. Thứ nhất, TT Thích Giác Đẳng đã từ chức và được chấp nhận. Một người đã từ chức thì không thể thừa kế gì cả. Thứ hai, dựa theo Quyết Định 21, Thượng Tọa đã bị “vô hiệu hóa vĩnh viễn tư cách thành viên GHPGVNTN,” nghĩa là không còn quyền lợi hay trách nhiệm và tuyệt đối không được truyền đại mạng mạch Giáo Hội. Vì ở đây chỉ có thừa mà không có truyền nên dùng từ truyền thừa là sai. Không được cho mà lấy đúng ra có một tiếng gọi khác. Một người con bỏ nhà ra đi, bị cha mình từ, lại chiếm gia sản của tổ tiên, bảo rằng mình thừa kế, ngay khi cha mình còn sống. Việc làm như thế mà chúng ta có thể hoan nghinh được sao ? Thứ ba, những người trong Nhóm Ông Điêu không chấp nhận Hiến Chương của Giáo Hội, không tuân theo Giáo Chỉ, có hệ thống tổ chức khác biệt và không phụ thuộc vào cơ cấu của Giáo Hội, thì truyền thừa cái gì bây giờ ?
ĐỘC LẬP :
Độc là một mình. Lập là đứng. Độc lập là đứng một mình, tức là không phụ thuộc vào cái gì khác. Đi đôi với khái niệm truyền thừa ở trên, các thành viên của Nhóm Ông Điêu cũng nhấn mạnh tính cách độc lập của họ. Có ai biết được một tổ chức nào vừa truyền thừa vừa độc lập không ? Chắc chắn là không. Lý do là vì độc lập có tính cách so sánh, tức là phải độc lập với ai, một hình thức gián tiếp xác nhận sự hiện diện cùng lúc của một tổ chức thứ hai. Mà nếu tổ chức đó đang còn đó, chưa mất đi, thì không thể là truyền thừa của tổ chức đó được, mà gọi là bức tử.
Luật Sư Chủ Tịch tuyên bố là tổ chức của họ không dính líu gì đến GHPGVNTN. Nếu là độc lập, thì tổ chức họ được độc lập từ khi nào ? Từ khi đăng bạ dưới sự chỉ định của Đức Tăng Thống và Hội Đồng Lưỡng Viện ? Từ khi Hội Đồng Chỉ Đạo nguyên thủy được bổ sung bởi GH ? Từ khi đi mua chùa dưới danh nghĩa của Đức Tăng Thống ? Hay từ Đại Hội mà họ tuyên bố là được Đức Tăng Thống ủy thác vai trò pháp lý của GHPGVNTN ? Nếu là độc lập như người Chủ Tịch tuyên bố thì tại sao người Phó Chủ Tịch phải dùng Giáo Chỉ 20 của Đức Tăng Thống làm nguyên cớ cho tất cả ? Chỉ có khi nào phụ thuộc vào GHPGVNTN thì mới có chuyện phải tuân theo giáo chỉ. Đã là một tổ chức biệt lập thật sự thì có bao nhiêu giáo chỉ đâu có gì quan hệ ? Trong cùng một cuộc phỏng vấn, cả hai lập luận tương phản này được nêu lên mà không ai có một phản ứng gì. Độc lập còn mang sắc thái bất biến, bởi vì nếu phụ thuộc nhu cầu cá nhân hay thay đổi theo hoàn cảnh thì ngay trong nghĩa đã không là độc lập nữa.
DÂN CHỦ :
Định nghĩa một cách đơn giản, dân chủ là một hình thức chính trị trong đó người dân một nước hay thành viên một tổ chức, một người một phiếu, được quyền bầu cử những người đại diện. Luật Sư Chủ Tịch có viết “chúng ta quyết chí đồng hành trong việc xây dựng một Giáo-Hội Phật-Giáo thật sự dân chủ.  Dân chủ trong tư tưởng, dân chủ trong cơ chế tổ chức, và dân chủ trong hành động và cách đối xử lẫn nhau. Và hơn tất cả, chúng ta đồng tiến trong công cuộc tạo dựng một UBCV thật sự của người dân, cho người dân, và vì người dân.” Như đã dẫn chứng từ trước, khi Luật Sư đăng bạ năm 2014, đối diện với sự chọn lựa là có cho phép thành viên được bầu cử hoặc quyết định hay không, Luật Sư đã quyết định là không trong cái Chứng Chỉ Thành Lập (Certificate of Formation). Một năm sau, khi viết Dự Án Nội Qui, Luật Sư lại có thêm một cơ hội để quyết định phương thức sinh hoạt, một lần nữa Luật Sư lại xác nhận mọi người có thể là thành viên, nhưng không ai có quyền quyết định, ngoại trừ duy nhất Hội Đồng Chỉ Đạo (bây giờ chỉ còn một mình Luật Sư)và các viên chức (“Section 3.1 Non-Voting Membership : The internal affairs and all lawful business and activity shall be the sole responsibility of the Board of Directors of the UBCVN-GHPGVNTN and its officers, as described in the Bylaws.”) Hội Đồng Chỉ Đạo (Board of Directors) là cơ cấu tối cao và duy nhất có giá trị pháp lý. Cái gọi là tam đầu chế chỉ là hỏa mù, vì không được chính thức hóa trong nội qui, và nhân sự cùng như nhiệm kỳ đều hoàn toàn phụ thuộc vào cái tự quyết của một người duy nhất trong Hội Đồng ( ?) Chỉ Đạo.
Việc một nhóm người thân tín hội họp trong vòng kín đáo, chia chác các chức vụ, không đồng nghĩa với dân chủ, cho dù bất kỳ ở đâu. Chúng ta có thể nhìn trong hành động và cách đối xử của họ với các thành viên đã từng đóng góp công sức và tài vật mà xác quyết rằng, Nhóm Ông Điêu không có dân chủ trong tư tưởng, trong cơ chế tổ chức, hay trong hành động. Dân chủ không thể là tùy nghi. Là những người sinh sống trong một đất nước dân chủ, chúng ta biết thế nào là dân chủ và thế nào là phi dân chủ và bất chính. Câu hỏi đơn giản cho các nhà dân chủ này là chúng tôi đã bầu cho quí vị hồi nào ?
HY SINH :
Hy sinh là một sự xả thân, chấp nhận thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất hay tinh thần cho một mục tiêu hay lý tưởng cao đẹp. Trong Gettysburg Address của Abraham Lincoln, Người viết về sự hy sinh cao cả của hàng chục ngàn chiến sĩ để bảo vệ cho sự thống nhất quốc gia và giải thoát cho 4 triệu người nô lệ. Gettysburg là trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, với 51,000 người chết, gần bằng con số 58,000 người lính Mỹ hy sinh trong suốt cuộc chiến Việt Nam. Luật Sư Chủ Tịch dùng bài diễn văn bất hủ này để làm giàn cho bài viết của mình. Ở đây người viết chỉ xin đề cập đến việc mập mờ đồng hóa sự hy sinh của người khác với sự thiệt thòi của một cá thể. Luật Sư Chủ Tịch viết : “Trong quá trình tranh đấu suốt năm thập niên, đã có biết bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử hy sinh cuộc đời mình cho sự sinh tồn của Giáo-Hội Phật-Giáo. Đã có biết bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử bị vu khống, chụp mũ, miệt thị, và thậm chí bị khai trừ vĩnh viễn khỏi Giáo-Hội Phật-Giáo, một Giáo-Hội mà họ đã hiến dâng một phần cuộc đời để bảo tồn và phát huy.
Nếu cho rằng phải nghe lời miệt thị vì bán chùa chiếm tên mà những người trong nhóm ly khai của Luật Sư Chủ Tịch có thể đặt mình ngang vế với những cao tăng đương đại của Phật Giáo Việt Nam đã hiến mình vì đạo thì đó là một sự so sánh đáng xấu hổ. Hy sinh phải đi đôi với một đối thể hay một lý tưởng vị tha. Hy sinh phải có tánh tha nhân, cứu độ cho người khác. Nếu vì một mục tiêu cá nhân, cho dù mục tiêu đó không phương hại người khác, cũng không thể gọi là hy sinh.
Gần 300,000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa chết cho lý tưởng tự do. Đó là hy sinh.
Gần 400,000 thuyền nhân Việt Nam chết trên biển cả đi tìm tự do. Đó là hy sinh.
Hàng ngàn người bỏ mạng trong lao tù cộng sản, trong đó có các cựu quân nhân, các nhà tranh đấu cho nhân quyền hay tự do tôn giáo như Thầy Thích Thiện Minh. Đó là hy sinh.
Hàng chục ngàn người bị giam cầm, quản thúc, lưu đày ; vì công lý, vì nước, vì dân và vì đạo như Thầy Thích Quảng Độ. Đó là hy sinh.
Lạm danh, lạm quyền, lạm của, lạm công để bị công luận miệt thị thì đó chỉ là hậu quả tất yếu của việc mình làm. Đó không phải là hy sinh.
PHÁP LÝ :
Một từ ngữ khác cũng rất phổ biến gần đây là pháp lý, như đăng bạ pháp lý, giá trị pháp lý, tư cách pháp lý … Pháp lý theo Hán Việt Tự Điển là nguyên lý của pháp luật. Nó là một chữ đao to búa lớn, nghe như có tính cách rất chính quyền và trịnh trọng. Hầu như khi tuyên bố ta đây pháp lý thì tự khắc ta có pháp luật đầy mình, như đem ông kẹ ra dọa con nít. Nhìn kỹ hơn thì cái gọi là pháp lý cũng không ghê gớm gì cho lắm. Trước hết, xin được bàn về cái giá trị pháp lý của cái UBCV-GHPGVNTN mà Luật Sư Chủ Tịch đăng bạ. Như chiếc xe, đăng ký là việc đầu tiên nhưng vẫn cần các thủ tục thường xuyên để xe được hợp lệ, như là kiểm tra, bảo quản … Kể từ khi đăng bạ, việc bảo quản cho danh hiệu UBCV-GHPGVNTN hầu như là không có. Việc xin vô vị lợi (non-profit status, 501©3) đã không được thực hiện. Luật pháp tiểu bang đòi hỏi phải có Nội Qui, gần hai năm sau vẫn chưa xong. Pháp lý cũng đòi hỏi phải công khai sổ sách tài chánh cho thành viên mà cũng không làm. Họp đại hội thì không đủ túc số. Hội Đồng Chỉ Đạo thì không được bầu bán đúng luật lệ, khi thì 3, khi thì 9, khi còn lại 1 (Luật Texas đòi phải có tối thiểu là 3). Người trong Hội Đồng Chỉ Đạo như Cư Sĩ Ỷ Lan thì họp không được mời, bán chùa không được báo, bị loại trừ khỏi Hội Đồng lúc nào cũng không được cho hay. Nên nhớ đây là luật lệ, không phải tự giác hay tùy hảo tâm. Luật lệ mà không tôn trọng thì sẽ có hậu quả. Việc đăng bạ chỉ cần một mẫu đơn và ba trăm bạc. Việc chính quyền khai tử một tổ chức vì phạm pháp lại còn dễ hơn gấp mấy lần. Thành thử cái giá trị pháp lý cũng chẳng còn bao nhiêu.
Cái tư cách pháp lý thì lại càng lủng củng hơn. Quay lại chiếc xe làm thí dụ, nếu vì một lý do nào đó, chúng ta nhờ (ủy thác) một người giúp đăng ký chiếc xe, đó không có nghĩa là người đó sẽ có quyền làm chủ chiếc xe của chúng ta. Vì UBCV-GHPGVNTN được thành lập dưới sự ủy thác của Hội Đồng Lưỡng Viện, UBCV-GHPGVNTN vẫn trực thuộc Hội Đồng Lưỡng Viện. Hiến Chương của GHPGVNTN, đặc biệt trong trường hợp không có Nội Qui, theo pháp lý phải là lề luật hoạt động của UBCV-GHPGVNTN. Vì lý do đó, cái Hội Đồng Chỉ Đạo và các hạ tầng cơ sở đương thời của UBCV-GHPGVNTN không được Hội Đồng Lưỡng Viện chấp thuận là trái luật và không có tư cách pháp lý. Giá trị pháp lý thì yếu mà tư cách pháp lý thì không.
Chúng ta đã thấy rõ cái nhóm của Luật Sư Điêu không phải là truyền thừa, không là dân chủ hay độc lập, không hy sinh gì cho ai hay một lý tưởng nào, cũng không có pháp lý gì cả. Nếu có sự tự nhận như vậy thì sai và không đúng sự thật. Thế nào là sự thật ? Đảng Cộng Sản Việt Nam là hiểm họa to lớn cho đất nước và dân tộc, đó là sự thật. GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của Đức Tăng Thống đang đối đầu với Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là sự thật. Nếu ai không tin điều này thì xin nghiên cứu các thông báo của Bộ Ngoại Giao Mỹ về Tự Do Tín Ngưỡng ở Việt Nam. Cướp tên của GHPGVNTN là phá hoại GH, đó cũng là sự thật. Không ai có thể thành tâm cho là nỗ lực xoá tên GH là ủng hộ GH và ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo ! Xin không tiếp tay cho sự phá hoại GH vì đó cũng là tiếp tay cho Đảng Cộng Sản Việt Nam. Mấy lời chân thật viết cho những ai bị những từ ngữ hoa mỹ làm rối rắm, xin hãy tĩnh tâm để nhìn rõ đâu là sự thật.
Thành kính,
Minh Phúc Trần Quốc Hưng

No comments:

Post a Comment