Tuesday, 15 December 2015

THÔNG CÁO BÁO CHÍ [ngày14.12.2015] Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam kêu gọi Liên Âu áp lực cho những cải tiến nhân quyền cụ thể, thay vì tiếp nhận các lời hứa hão của Hà Nội trong cuộc Đối thoại Nhân quyền tại Hà Nội


PARIS, ngày 14.12.2015 (UBBVQLNVN) — Hôm nay Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris (VCHR) kêu gọi Liên Âu hãy áp lực Việt Nam khẩn cấp cam kết sự cải tiến nhân quyền cụ thể tại cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 5 giữa Liên Âu – Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày thứ ba 15-12-2015.
Cuộc Đối thoại xẩy ra trong bối cảnh đàn áp và bạo hành gia tăng đối với những người bảo vệ nhân quyền hay các xã hội dân sự đôc lập. Hôm 4-12, công an đã đàn áp, khủng bố những ai tham gia Đại lễ Hiệp kỵ tại Tu viện Long Quang, Thừa thiên – Huế do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) tưởng nhớ tiền nhân đã hy sinh đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Hàng trăm Công an phong toả Tu viện, quản chế tại gia suốt 4 ngày (từ 1 đến 4-12) mười một thành viên Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo GHPGVNTN không cho đến Tu viện Long Quang tham dự đại lễ, kể cả Hoà thượng Thích Thanh Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hoá Đạo và Huynh trưởng Lê Công Cầu Vụ trưởng Gia Đình Phật tử Vụ kiêm Tổng Thư ký Viện Hoá Đạo.
Ngày 6-12, Luật sư cựu tù nhân Nguyễn Văn Đài và 3 người cộng sự của ông bị công an Nghệ An mặc thường phục hành hung và đánh đập tàn nhẫn sau khi họ nói chuyện tại một lớp học về nhân quyền và bản Hiến Pháp năm 2013 nhân kỷ niệm lần thứ 67 Ngày Nhân quyền Quốc tế. 12 công an che mặt, lôi luật sư Đài và 3 người ra khỏi xe taxi và đánh đập túi bụi. Bọn này đẩy Luật Đài vào xe ca, tịch thu điện thoại di động, tiền bạc, và tiếp tục đánh đập trong xe ca, lột hết áo quần rồi vất xuống đường 50 cây số sau đó. Luật sư Đài bị đánh đập bầm mình. Đây là lần thứ năm Luật sư Đài bị hành hung.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, nói rằng : “Những người hoạt động bảo vệ nhân quyền, các bloggers, các tín đồ tôn giáo hay bất cứ ai không cùng quan điểm với Đảng Cộng sản Việt Nam, đang phải đối diện với sự đánh đập, hăm doạ, bắt bớ chỉ vì biểu tỏ tư tưởng hay tín ngưỡng. Liên Âu cần bảo đảm sao cho cuộc Đối thoại Nhân quyền kỳ này mang lại những kết quả và cải tiến cụ thể cho Quyền Con Người, chứ không chỉ là ghi chép các lời hứa hão của nhà cầm quyền Việt Nam”.
2015-1214aHôm 26 tháng 11 vừa qua, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã cùng với Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) gửi chung bảnGhi chú Nhân quyền Việt Namđến Liên Âu báo động sự quan tâm khẩn thiết của hai tổ chức về những bạo hành của công an. Đặc biệt các trường hợp của Mục sư MennoniteNguyễn Hồng Quang, nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến, nhà hoạt động nhân quyền Công giáo Trần Minh Nhật và Chu Mạnh Sơn. Blogger Trịnh Anh Tuấn, nhà hoạt động Công đoàn Đỗ Thị Minh Hạnh và và nhà báo Trương Minh Đức là những ví dụ điển hình được nêu qua bản Ghi Chú. Bà Hạnh và ông Đức đã bị công an tỉnh Biên Hoà đánh đập khi họ tìm cách giúp đỡ các thủ tục pháp lý cho những công nhân Hãng Yupoong.
Sự bạo hành của công an phổ biến trong các nhà tù. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền cho biết có 226 tù nhân đã bị đánh đập đến chết chỉ trong vòng 3 năm qua.
Tiếp tục nghiêm trọng các bạo hành đối với những ai đòi hỏi quyền tự do ngôn luận. Trong năm 2015, các nhà báo và các bloggers bị truy tố và hăm doạ nghiêm trọng chỉ vì nói lên quan điểm khác với Đảng Cộng sản. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền đưa ra các trường hợp của ký giả báo Thanh Niên Đỗ Văn Hùng bị sa thải vì châm biếm ông Hồ Chí Minh trên Facebook của mình ; Chủ bút báo Người Cao Tuổi, ông Kim Quốc Hoa, bị sa thải và truy tố dưới điều 258 của bộ Luật Hình sự về tội “lợi dụng tự do dân chủ”. Đồng thời báo bị đóng cửa sau khi đăng tải các loạt bài tiết lộ sự tham nhũng của các viên chức chính quyền ; Ông Nguyễn Hữu Vinh (aka Anh Ba Sàm) một blogger nổi danh và người cộng tác Nguyễn Thị Minh Thuý bị bắt vào tháng 5-2014, bị giam giữ tại nhà tù B14 ở Hà Nội suốt 18 tháng không được xét xử, vi phạm Luật Tố tụng Hình sự chỉ cho phép tạm giam không quá 12 tháng. Tất cả những người này bị kết tội “xâm phạm lợi ích của Nhà nước” có thể bị xử theo điều 258 của bộ Luật Hình sự.
Án tử hình, sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đã được Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền khẩn thiết quan tâm. Do nền tư pháp thiếu minh bạch và không độc lập, khó tiếp cận trong việc bảo vệ bị can trước các phiên toà giả trá, số lượng các án lệnh sai lầm rất đáng quan ngại, có ít nhất 18 vụ xử sai lầm như thế riêng trong năm 2015. Nhờ công luận quốc tế can thiệp, đặc biệt là Phái đoàn Liên Âu tại Việt Nam, nên án tử hình Lê Văn Mạnh được hoãn thi hành. Theo những phúc trình của các tổ chức Phi chính phủ quốc tế thì việc thủ tục pháp lý phạm nhiều sai lầm, Lê Văn Mạnh đã bị bức cung dưới sự tra tấn để phải nói lên các “lời tự thú”. Dù rằng gần đây Việt Nam giảm thiểu số tội cho án tử hình, như các tội phạm kinh tế, song đối với các tội vi phạm “an ninh quốc gia” vẫn giữ nguyên.
Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng bị lợi dụng nghiêm trọng tại Việt Nam, và còn có nguy cơ hạn chế hơn nữa với bộ “Luật tôn giáo và Tín ngưỡng”mới đang được thảo luận tại Quốc hội. Bản Dự thảo Luật này bao gồm những điều luật cho phép chính quyền xâm phạm vào địa hạt tôn giáo như việc phê chuẩn các nhà lãnh đạo tôn giáo, nội dung việc huấn luyện giáo lý hay giáo dục tôn giáo. Cho phép nhà cầm quyền huỷ bỏ các lễ hội tôn giáo với lý do “quốc phòng hay an ninh quốc gia”, cũng như chứa đựng nhiều điều luật mơ hồ mang lại sự kỳ thị đối với các dân tộc thiểu số hay các cộng đồng tôn giáo độc lập bị nhà cầm quyền đánh giá như “ngoại nhân”. Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền thúc giục Liên Âu yêu sách Việt Nam chấm dứt các sách nhiễu, quản chế tuỳ tiện, và giới hạn việc tự do đi lại của Huynh trưởng Gia Đình Phật tử Lê Công Cầu, và tức khắc trả tự do vô điều kiện cho Đức Tăng ThốngThích Quảng Độ, vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo đã trải qua hơn 30 năm dưới mọi hình thức cấm cố chỉ vì Ngài lên tiếng đòi hỏi cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ.
Trong bản Ghi chú của hai tổ chức gửi Liên Âu, Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền vô cùng thất vọng vì Việt Nam không chịu cải tiến nhân quyền, nhất là trong việc nâng cấp pháp lý Việt Nam tuân thủ theo các tiêu chuẩn luật nhân quyền của LHQ mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Mặc dù Việt Nam cam kết mạnh mẽ tại cuộc Kiểm điểm Thường kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, là sẽ sửa đổi các điều luật mơ hồ trong chương “an ninh quốc gia” của bộ Luật Hình sự, thế nhưng Việt Nam chẳng có bất cứ nỗ lực nào để thay đổi như hứa hẹn.
Trái lại, bộ Luật Hình sự mới vừa được thông qua tại Quốc hội cuối tháng 11 vừa qua, vẫn tiếp tục các điều mơ hồ như “tội phá hoại chính sách đoàn kết, gây chia rẽ giữa những người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo” (điều 87 cũ), “tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCNVN” (điều 88 cũ), “tôi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” (điều 258 cũ), hoặc “tội hoạt động chống chính quyền nhân dân”(điều 79 cũ) vẫn được giữ nguyên, khác nhau chăng chỉ là số điều luật được thay đổi.
Dù đã chào mừng việc trả tự do cho tù nhân chính trị Tạ Phong Tần, nhưng Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền vô cùng thất vọng khi bà Tần bị bó buộc phải rời nước sang Hoa Kỳ với lý do án lệnh của bà “chỉ tạm ngưng thi hành” nên bà sẽ bị bắt giam lại nếu trở về Việt Nam. Sự bó buộc lưu đày vi phạm điều 12 trong Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ, quy định rõ rằng “không ai bị cấm quyền sống trên đất nước mình”.

No comments:

Post a Comment